Nhìn lại lịch sử, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn rơi vào khủng hoảng và bất lực, chịu thất bại rồi đi đến đầu hàng (ký Hiệp ước Giáp Thân 1884), chấp nhận làm tay sai cho giặc. Từ đó, để phục vụ mục đích nô dịch thuộc địa và bóc lột lâu dài, thực dân Pháp thi hành chính sách “chia để trị”. Nhân dân sống trong cảnh “nước mất, nhà tan”, cuộc đời lầm than cơ cực. Trong bối cảnh đó, với truyền thống yêu nước nồng nàn, các tầng lớp nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên chống giặc.
Các phong trào yêu nước trong giai đoạn này có thể kể đến như Phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du và các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái... cùng hàng chục cuộc đấu tranh khác đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp đẫm máu. Đi liền với đó là sự đô hộ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công đã chứng tỏ cả giai cấp phong kiến và đại diện cho các thế lực tư sản đã hết vai trò lịch sử, vận mệnh của dân tộc và đất nước lâm vào tình thế bế tắc, không có đường ra. Một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới sự thất bại là các phong trào yêu nước thời điểm đó chưa phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn đến các phong trào chỉ diễn ra nhỏ lẻ không có sự gắn kết. Đồng thời, do không có một đường lối cách mạng đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp nên tất cả các phong trào nổi dậy, các cuộc khởi nghĩa mang sắc thái, giai tầng khác nhau dẫn đến không quy tụ được các tầng lớp nhân dân trong nước và đều bị thất bại. Vấn đề bức thiết đặt ra thời điểm này là bằng con đường nào, cách thức nào, tổ chức lực lượng thế nào để đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi. Người thấu hiểu sức mạnh của muôn người đoàn kết như một trong truyền thống dân tộc để áp dụng vào cách mạng để trong một nước không có tầng lớp này chống lại tầng lớp kia, trong dân tộc không có hận thù, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, gái trai... miễn là có sức, có lòng cùng mục tiêu vì một nền độc lập của dân tộc thì đều đáng quý, đáng trân trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Sự lựa chọn con đường cách mạng của Người vào thời điểm đó là phù hợp với yêu cầu của lịch sử dân tộc, là sự lựa chọn đúng đắn, duy nhất của Việt Nam. Ngày 3/2/1930, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu của lịch sử.
Với chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và được bổ sung, hoàn thiện xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị để tập hợp lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, thể hiện rõ nét nhất là quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941). Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn. Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, Đảng và Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc đồng bào gia nhập Việt Minh, đoàn kết chung quanh Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định, tạo nên sức mạnh to lớn giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc Việt Nam khi được Đảng khơi dậy, tổ chức, tập hợp với tinh thần tự lực, tự cường. Thắng lợi đó đã khẳng định trong thực tế lòng tin tuyệt đối của quần chúng nhân dân vào đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là thắng lợi của tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” mà còn là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã lật đổ chế độ thực dân phong kiến, xác lập chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân. Ngoài ra, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn có giá trị lan tỏa sâu sắc đối với cách mạng thế giới, đánh dấu sự mở đầu trên phạm vi quốc tế cho cao trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai; mở ra mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền.
Gần 80 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tầm vóc và giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám luôn là niềm tự hào thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét