Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

 


Chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch trên mạng xã hội thường tập trung vào: tuyên truyền, xuyên tạc nhằm loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách lập luận “gốc” đã đổ, ắt “ngọn” phải đổ theo; tuyên truyền, vận động tẩy chay bầu cử; xuyên tạc công tác lãnh đạo bầu cử của Đảng, Nhà nước ta; lợi dụng báo chí, truyền thông để tuyên truyền, hướng lái chính sách Việt Nam theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa; tuyên truyền xây dựng mô hình “xã hội dân sự” ở Việt Nam; thúc đẩy xây dựng các trung tâm giao lưu văn hoá Mỹ - Việt để nhanh chóng làm thay đổi tư tưởng, truyền bá văn hoá phương Tây đối với các học sinh, sinh viên, cán bộ đi học tập, công tác ở nước ngoài. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng thực hiện các hoạt động “câu, móc”, “hạ bệ uy tín” của các lãnh đạo, chỉ huy, các tướng lĩnh, tạo dựng “nguyên cớ” để nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, dần dần xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội.

Hiện nay, thông qua các trang mạng danlambao, anhbasam, boxitvietnam, quanlambao, nhất là lanhdaovietnam; “Viện Nhân quyền Việt Nam” có trụ sở tại Pháp, “Liên minh dân tộc Việt Nam” tại Mỹ; tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) có trụ sở tại Pháp; blogger Điếu Cày, blogger QueChoa và các đài phát thanh RFI, BBC, VOA,… tiếp tục tung tin xuyên tạc, chống phá Việt Nam, đánh trực diện vào mặt trận tư tưởng, văn hóa ngày càng điên cuồng, tính chất ngày càng nguy hiểm. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong Quân đội cần làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch trên mạng xã hội; trong đó, cần tập trung một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong quân đội tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng, hướng dẫn của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong quân đội cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới; nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 17/4/2009 và Thông báo Kết luận số 94-TB/TW, ngày 30/12/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa” và các chỉ thị, kế hoạch phòng, chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác những quan điểm, thông tin sai trái trên không gian mạng; Chỉ thị số 875-CT/QUTW, ngày 27/11/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”.

Việc quán triệt cần phong phú, sinh động về hình thức, như: tổ chức các hình thức sinh hoạt học tập, tọa đàm, trao đổi, sân khấu hóa, viết bài, thông tin,... để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ thấy được vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa hiện nay. Biện chứng, linh hoạt lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho mọi quân nhân hiểu rõ và có ý thức thực hiện tốt Chỉ thị số 118-CT/QUTW, ngày 20/2/2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ Quân đội trong tình hình mới. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ hằng tháng, quý, năm cho các bộ phận, lực lượng, cá nhân trong đơn vị thông qua những tiêu chí cụ thể và làm tốt công tác định hướng, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hai là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở trong quân đội tập trung làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực và phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Đây là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết nhằm phát huy nhân tố chủ quan của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong tham gia phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Bởi vì, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa đòi hỏi hệ thống phẩm chất và năng lực toàn diện, nhất là phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn và bản lĩnh của mỗi cán bộ, chiến sĩ trước những thông tin xấu độc. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhằm rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố lập trường, xây dựng niềm tin, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần làm rõ âm mưu, thủ đoạn và những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên tập trung chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đồng thời, bồi dưỡng kinh nghiệm nhận diện và biện pháp đấu tranh cho mỗi quân nhân.

Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở trong quân đội cần phát huy tốt tính tích cực, tự giác ở mỗi cán bộ, chiến sĩ trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Thực tế cho thấy, trong thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh yêu cầu về phẩm chất, năng lực còn có những đòi hỏi cao về động cơ, thái độ, trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, tự giác của mỗi quân nhân. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy, phát huy tính tích cực, tự giác, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền trong đấu tranh, phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Thông qua các hình thức, như: sinh hoạt học tập, ra nghị quyết lãnh đạo, giao ban, hội ý, giao nhiệm vụ, để giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm và phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Ba là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở trong quân đội duy trì thực hiện nghiêm các quy định thông tin trên mạng xã hội và quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền khi tham gia các trang mạng xã hội

Thực tế hiện nay, có hàng trăm trang mạng xã hội đang được sử dụng tại Việt Nam, như: Facebook; Google+; Twitter; Youtube; Blog; ZingMe; tinhte.vn (cộng đồng công nghệ); webtretho.com (cộng đồng phụ nữ); lamchame.com (cộng đồng phụ nữ); 5giay.vn; vatgia.com; muare.vn (cộng đồng mua bán rao vặt); enbac.com (cộng đồng mua bán đồ thời trang);… Trong đó, Facebook đã và đang có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam nói chung và quân đội nói riêng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các dòng điện thoại thông minh ngày nay, mỗi người chỉ cần vài thao tác đơn giản đã có thể thấy cả thế giới trong tầm tay và có thể chia sẻ những thông tin cá nhân, tổ chức đến bất kỳ nơi đâu trên không gian mạng. Bên cạnh đó, số lượng người nghiện Facebook ngày một gia tăng, họ chia sẻ mọi hoạt động thường nhật và đọc các thông tin cả chủ động và bị động, kèm theo những bình luận một cách tự do, tùy tiện. Sự “bị động”, “hồn nhiên”, tự do, tùy tiện đó rất dễ bị tác động trước “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch; đôi khi vô tình để lộ, lọt thông tin của cá nhân hoặc tập thể.

Do đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở trong quân đội cần tăng cường duy trì thực hiện nghiêm các quy định về chế độ bảo mật thông tin trong quân đội, nhất là những quy định phát ngôn trên các trang mạng xã hội; làm tốt công tác định hướng đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, hạn chế hoặc tránh vào các trang mạng phản động, thù địch có địa chỉ do các lực lượng chức năng thông báo. Cùng với đó, có biện pháp quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền khi tham gia các trang mạng xã hội bằng nhiều biện pháp khác nhau, như: cùng tham gia nhóm, kết bạn,… và định kỳ có kế hoạch đột xuất kiểm tra điện thoại di động của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền để nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh.

Bốn là, thường xuyên tiến hành tốt công tác sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch trên mạng xã hội.

Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch trên mạng xã hội là một nội dung quan trọng, việc làm thường xuyên của các đơn vị cơ sở, nhằm đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục; qua đó, rút ra những kinh nghiệm, đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả tốt hơn. Để thực hiện tốt nội dung này, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, định kỳ 6 tháng, 01 năm tiến hành tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chặt chẽ, nghiêm túc.

Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, từ dưới lên trên. Quá trình tổ chức thực hiện, cần có sự thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy, đánh giá chính xác kết quả đạt được, những việc cần làm nhưng chưa làm được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục của tổ chức và cá nhân; hướng tới bàn biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và xây dựng kế hoạch hoạt động tiếp theo một cách khoa học, cụ thể. Cùng với đó, cần động viên, ghi nhận những tập thể và cá nhân hoạt động tích cực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch trên mạng xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động này./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét