Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT: DẤU ẤN CỦA NGƯỜI SĨ QUAN BIÊN PHÒNG Ở VÙNG ĐẤT KHÔ KHÁT!

     Tự mày mò học hỏi, nghiên cứu để có những tham mưu đúng, trúng cho Đảng ủy, góp phần tìm lời giải bài toán nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Đức Thắng (Phó bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) được biết đến là người có nhiều tâm huyết với công tác địa phương. Những dấu ấn của anh ở vùng đất có biệt danh khô khát này được cụ thể hóa bằng những việc làm thực tế, hiệu quả!

Về với vùng đất khô khát

Xã Tả Gia Khâu có đường biên giới dài 4,53km, tiếp giáp Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cả xã có 460 hộ/ 2.400 nhân khẩu với hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Mường... Tả Gia Khâu là 1 trong 10 xã nghèo nhất của cả nước, được ví von bằng những cái tên như "Trường Sa cạn", "Tả Gia Khô" vì một năm có từ 7 đến 9 tháng thiếu nước. Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp với các nông sản, lâm sản như mận, lê, cây thuốc, thảo quả, chè, đậu tương… Thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là thiếu nước nên năng suất không cao, vì thế mà đời sống của người dân gặp không ít khó khăn.

Tháng 9-2017, khi đang là Phó đồn trưởng Quân sự của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (BĐBP tỉnh Lào Cai), Trung tá Nguyễn Đức Thắng được Huyện ủy Mường Khương chỉ định làm Phó bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu. Ai cũng có thể hình dung ra công việc, trách nhiệm của Trung tá Nguyễn Đức Thắng, nhưng thực tế, với một người lính Biên phòng từng trải qua vị trí Phó đồn trưởng Quân sự nay được điều động làm cán bộ tăng cường xã, giữ chức danh Phó bí thư Đảng ủy xã, đối với anh đây là việc không hề dễ dàng. Công việc mới lạ, gần như khác hoàn toàn với việc được đào tạo trong nhà trường và trong thực tiễn công tác. Thế nhưng, với suy nghĩ, lãnh đạo Bộ Chỉ huy, chính quyền địa phương tin tưởng và kỳ vọng mình sẽ có thể giúp địa phương, có những đóng góp để đưa Tả Gia Khâu thoát nghèo và phát triển thì bản thân phải làm gì xứng đáng với sự tin tưởng ấy?

Sự chịu khó, tinh thần tự học Trung tá Nguyễn Đức Thắng luôn là tấm gương sáng để mọi người soi vào. 6 tháng thực tập trước khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng (năm 1995), học viên Nguyễn Đức Thắng được cử đến Tổ công tác Đồn Biên phòng Mường Nhé (BĐBP tỉnh Điện Biên). Tổ công tác gồm 4 người, phụ trách 10 bản có người dân theo đạo Tin lành. Ngày ấy, đường đến bản chỉ là những lối mòn vắt qua triền núi. Có những bản phải đi bộ 6 tiếng mới tới nơi. Thế nhưng, điều ấy không là gì với sức vóc của tuổi trẻ nhưng nản nhất là tới nơi, gặp ai cũng chỉ 2 chữ thường trực “Chi pâu” (không biết).

Sau lần đó, chàng học viên Nguyễn Đức Thắng đã quyết định tự học tiếng Mông để xem lúc ấy người dân còn “chi pâu” nữa không. Mỗi lần cùng đồng đội làm đường, thu hoạch vụ mùa, chữa bệnh cho dân, anh tranh thủ nhờ bà con chỉ cho học tiếng Mông. Thấy cán bộ người xuôi chịu khó học tiếng của mình, đồng bào dân có thiện cảm và chỉ bảo tận tình hơn. Sau 6 tháng thực tập, ngoài kiến thức về chủ quyền an ninh biên giới, học viên Nguyễn Đức Thắng còn được bà con công nhận đã có “chứng chỉ” tiếng Mông loại Giỏi.

Vậy nên, sau khi tiếp nhận công tác tại Tả Gia Khâu, Trung tá Nguyễn Đức Thắng dành nhiều thời gian để đọc tài liệu về hệ thống chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, về các ban ngành để hiểu và từ đó có thể tham mưu cho đúng và trúng cho Đảng ủy. Vì gia đình ở xa, anh tận dụng thời gian giờ nghỉ, ngày nghỉ để nghiên cứu tài liệu và trao đổi với mọi người trong Đảng ủy. Sự khiêm tốn, không ngại học hỏi của người lính Biên phòng đã chiếm được thiện cảm của mọi người. Và, sau 7 năm công tác, Trung tá Nguyễn Đức Thắng đã từng bước ghi dấu ấn của mình ở dải đất biên cương này.

Trưởng ban Tuyên vận

Hằng tháng, Đảng ủy xã Tả Gia Khâu đều tổ chức Hội nghị Tuyên vận tại một trong những thôn trong xã để lắng nghe, tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân đồng thời triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng và tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật. Trung tá Nguyễn Đức Thắng là Trưởng ban, mỗi lần xuống bản, tùy theo từng nội dung triển khai mà thành phần của Ban Tuyên vận được bổ sung thành phần như: Những vấn đề liên quan đến đất đai có ông Ly Seo Chính (cán bộ địa chính); vận động phòng, chống tảo hôn (có cán bộ tư pháp, hộ tịch). Có những đợt, Ban Tuyên vận còn đưa y, bác sĩ của Trạm y tế, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu để khám chữa bệnh cho người già, trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc đi lại.

Tại Hội nghị Tuyên vận, bà con được phát huy dân chủ, nói ra suy nghĩ của mình. Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Có những hội nghị có 30 ý kiến nhưng thực ra chỉ gộp lại được 5 nội dung, thế nhưng, chúng tôi vẫn kiên trì lắng nghe người dân nói ra suy nghĩ của mình. Chỉ khi nào không còn ai có ý kiến chúng tôi mới kết luận. Những nội dung nào trả lời theo thẩm quyền, chúng tôi giải đáp luôn cho người dân. Các ý kiến cần báo cáo lên cấp trên chúng tôi ghi nhận lại và nhất định phải có câu trả lời cho nhân dân sau đó. Với cách làm này, người dân thấy mình được tôn trọng, lắng nghe bởi vậy mà hội nghị thu hút được rất nhiều người tham gia”.

Trước năm 2020, Hội nghị Tuyên vận được tổ chức tại trụ sở UBND xã, mời đại diện các thôn tới dự. Tuy nhiên, từ sau năm 2020, hội nghị được luôn phiên tổ chức tại các thôn. Mỗi tháng Ban Tuyên vận tổ chức hội nghị tại 1 thôn, tuy nhiên, đó là “lịch cứng”, khi có việc, Ban Tuyên vận sẵn sàng đi tới 2, 3 thôn và nhiều hơn nữa. Ví như thôn giáp biên Thải Giàn Sán có 3 điểm dân cư gồm: Lũng Thắng, La Hò và Thải Giàn Sán. Các điểm dân cư này cách nhau khá xa, chưa kể vào những ngày mưa gió hoặc giá rét, người dân gặp khó trong việc đi lại, đặc biệt là những người già. Vậy nên, Ban Tuyên vận đã quyết định tổ chức tại cả 3 điểm dân cư.

Niềm tự hào của Tả Gia Khâu đó là 29 năm qua địa phương không có tội phạm, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Có thể hiểu, có được kết quả này là do chính quyền đã chủ động nắm bắt tư tưởng và giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người dân. Đây cũng là cơ sở vững chắc để huy động sức mạnh lòng dân đưa Tả Gia Khâu vượt khó, từng bước chuyển đổi ý thức, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, giàu mạnh. Tả Gia Khâu có được như ngày hôm nay có một phần công sức đóng góp của Trung tá Nguyễn Đức Thắng./.

Theo QĐND.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét