Mạng xã hội với tính tương tác lớn đã đưa đến sự ra đời của rất nhiều hội, nhóm khác nhau. Bên cạnh những hội, nhóm của những người có chung sở thích như hội yêu cây cảnh, hội yêu đồ cổ, hội chơi cá cảnh,… thì mạng xã hội lại đang có khá nhiều hội, nhóm tiêu cực. Có thể kể đến như: Hội những người vỡ nợ muốn làm liều; Hội những người muốn tự tử; Hội những người tìm cách tự tử không đau; Hội tư vấn bùng nợ; Hội ghét cha mẹ; Hội thích lô đề;… Điều đáng nói là các hội, nhóm này hoạt động công khai, thu hút sự tương tác của rất nhiều người; nhiều hội, nhóm có đến hàng chục nghìn lượt thành viên.

 Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có nội dung rủ rê nhau tự tử. (Ảnh chụp màn hình).

Tìm hiểu về các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, chỉ với từ khóa "tự tử" trên mạng Facebook thì ngay lập tức người viết đã bắt gặp đường dẫn đến hàng loạt hội, nhóm như: Tâm sự của những người muốn tự tử, Hội những người tìm cách tự tử không đau, Hội những người muốn tự tử..., hay Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử... với sự tham gia của hàng nghìn đến hàng chục nghìn người, tùy từng hội nhóm. Điểm chung dễ dàng nhận ra ở những hội, nhóm này là đa phần thành viên đều tham gia dưới dạng tài khoản ẩn danh. Khi có thành viên trao đổi việc của bản thân, thay vì chia sẻ, động viên nhau cố gắng thì các thành viên khác chủ yếu chỉ đề cập đến các vấn đề tiêu cực, thậm chí lôi kéo, xúi giục nhau tìm cách tự tử để được “giải thoát”. Trong các câu chuyện này, đôi khi các thành viên rủ nhau tìm đến với cái chết chỉ vì những lý do vốn rất bình thường như bố không hiểu con; thầy, cô giáo cho điểm kém; xích mích với bạn học; nợ nần; thất nghiệp; ly hôn;…

Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội còn có không ít hội, nhóm, trong đó, các thành viên thường rủ rê, hướng dẫn nhau thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Chính thông qua tương tác, kết bạn, tham gia các hội, nhóm này, nhiều thành viên đã trở thành tội phạm với những hành vi phạm tội ngoài đời thực. Điển hình là một số vụ cướp ngân hàng ở Thành phố Hà Nội hay ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua. Theo xác minh của cơ quan chức năng, sau khi gây án, nhiều đối tượng khai nhận, thông qua nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều", các đối tượng đã kết bạn, nhắn tin trao đổi và hẹn nhau đi cướp ngân hàng để… có tiền trả nợ.

Hai đối tượng cướp ngân hàng tại Thành phố Đà Nẵng sau khi tham gia hội, nhóm liên quan đến việc "xù nợ, làm liều" trên mạng xã hội. (Ảnh: CQCA). 

Rõ ràng, mạng xã hội là ảo, nhưng hệ lụy từ các hội, nhóm tiêu cực là thực và cần được ngăn chặn kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc đối với đời sống xã hội. Theo đồng chí Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2023, đơn vị đã liên hệ và yêu cầu Facebook chặn 8 nhóm hướng dẫn cách tự tử và 47 nhóm hướng dẫn "bùng" nợ ngân hàng, hướng dẫn cách vay tiền lừa đảo hay cách lừa đảo bằng thế chấp tín dụng trên mạng xã hội Facebook.

Liên quan đến hoạt động của các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, mới đây, Bộ Công an đã khuyến cáo về việc nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng xã hội (nhóm kín trên Zalo, Telegram, Facebook…) để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và lôi kéo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, chủ yếu liên quan đến "tín dụng đen", cướp tài sản, cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, Bộ Công an đề nghị gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm quản lý con em, học sinh, sinh viên, nhân viên tham gia các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội để ngăn chặn, bóc gỡ, "khóa" các hội, nhóm tiêu cực để lành mạnh hóa mạng xã hội.

Tiếp cận từ góc độ khoa học giáo dục, nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ từ các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, vấn đề quan trọng là các bậc phụ huynh cần quan tâm, gần gũi, hướng dẫn con em mình nhận biết được những lợi ích và những nguy hại khi tham gia mạng xã hội. Từ đó, các em biết lựa chọn các hội, nhóm tích cực để tham gia và phân biệt, chắc lọc, phân loại, tiếp nhận các thông tin an toàn, lành mạnh, mang tính xây dựng trên mạng xã hội. Đồng thời, trang bị cho các em những hiểu biết và kỹ năng khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Mặt khác, theo Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), việc đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là hành vi phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt 10-20 triệu đồng và những hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự.

Các trường hợp có hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để người khác tự sát thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên thì có thể sẽ bị xử phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.

Có thể thấy, sự tồn tại của các hội, nhóm tiêu cực là hệ quả không mong muốn, “mặt trái” từ việc bùng nổ của các trang mạng xã hội. Do vậy, mỗi cá nhân tham gia sử dụng mạng xã hội cần có một nền tảng văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, không tham gia các hội, nhóm tiêu cực, không tự biến mình thành những mối nguy cơ trên mạng xã hội. Và để hạn chế những nguy cơ từ các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông cần đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Qua đó, giúp họ hiểu biết rõ hơn về các hành vi bị cấm cũng như các hình thức xử phạt, không để bị kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội./.