Ngày 23/9 của 79 năm về trước, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Quân dân Sài Gòn - Gia Định, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.
Vậy là, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được.
Ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ; đồng thời ra lệnh phát động toàn dân triệt để tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, tiến ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.
Thực hiện quyết định của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đêm 23/9, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Tất cả mọi đồ vật, như: Bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được khuân ra đường và dựng lên các chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp.
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư "Gửi đồng bào Nam bộ" khẳng định cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp là chính nghĩa, nhân dân cả nước đoàn kết một lòng thì cuộc kháng chiến giữ nước nhất định thắng lợi. Sau một thời gian chuẩn bị, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc", cả nước bước vào cuộc chiến tranh chín năm với thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu", "chấn động địa cầu".
Đáp lại lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước. Ngay lập tức, nhiều tỉnh ở Nam bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về góp sức với nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ những loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân - dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thành đồng Tổ quốc".
Dù năm tháng trôi qua nhưng tinh thần ngày Nam bộ kháng chiến 23/9 lịch sử sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong lòng mỗi người dân và thế hệ con cháu mai sau. Trong những ngày tháng lịch sử này, người dân Nam Bộ và nhân dân cả nước dường như vẫn đang nghe văng vẳng bên tai lời ca hùng tráng "mùa Thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến" (Bài ca "Nam bộ kháng chiến" - nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn) của một dân tộc đã quyết không chịu làm nô lệ, để từ đó, càng thêm quyết tâm đem sức thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc, cho giống nòi đất Việt mến thương./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét