Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

 TINH THẦN QUẢN TRỊ QUỐC GIA VÀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ "7 DÁM"

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương: "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả". Đây là chủ trương mang tính cấp thiết.

Công tác quản lý nhà nước đòi hỏi tính nguyên tắc, theo đó dựa vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, người thực thi chỉ có quyền "làm đúng" những quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp không hoàn toàn trùng khít với quy định của pháp luật nên buộc người làm công tác quản lý phải vận dụng. Từ đây xuất hiện tình trạng sợ sai, không dám quyết khiến cho công việc bị ngưng trệ, hoặc chí ít cũng hạn chế sự sáng tạo trong xử lý công việc. Cũng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, quản trị vừa đòi hỏi làm đúng, vừa phải có sự sáng tạo là nắm nguồn lực một cách tốt nhất, sâu sắc nhất, hiểu biết đầy đủ nhất để đến lúc ra quyết định có thể khai thác tối ưu những nguồn lực đang có. 

Khi mới được bổ nhiệm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã được một đồng chí cán bộ lãnh đạo thế hệ trước khuyên rằng với mọi quyết định của cậu, tất cả những quyết định, dù là nhỏ nhất, nhất thiết cậu phải làm đúng theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và dàn trách nhiệm ra cho thuộc cấp. Bởi vì nếu sau này có sai phạm gì, người ta sẽ không nói đến việc cái này hiệu quả thế nào mà chỉ tìm những điểm sai để quy trách nhiệm thôi. Khi ấy tôi thấy là lời khuyên chí tình và vô cùng biết ơn người lãnh đạo đi trước.

Thế nhưng bắt tay vào thực tế tôi thấy hoang mang khi nghĩ tới lời khuyên ấy vì có rất nhiều việc không thể tìm thấy trong các văn bản pháp quy. Những văn bản này không thể bao trùm hết thực tiễn, thậm chí còn có văn bản chưa phù hợp thực tiễn. Nếu máy móc cứng nhắc quá có thể dẫn đến chậm trễ, mất thời cơ, thậm chí làm tổn hại đến lợi ích chung.

Tôi đã từng "va" vào một tình huống thực tế như vậy khi làm Trưởng ban chỉ đạo một kỳ thi. Sau khi thí sinh đã làm bài được khoảng 30 phút thì từ một điểm thi, một cán bộ thanh tra báo cáo có một số bài thi giám thị ký sai vị trí trên giấy thi. Đối chiếu với quy chế thì đây là dấu hiệu đánh dấu bài và đề nghị tôi cho các giám thị ký lại. Trong trường hợp này nếu làm đúng theo những điều ghi trong quy chế, thí sinh sẽ mất hơn 30 phút chép lại bài vào giấy thi ký lại.

Sau một thoáng suy nghĩ tôi quyết định vẫn để thí sinh tiếp tục thi bình thường, bất chấp vị thanh tra kia dọa rằng làm như vậy là vi phạm quy chế và tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Suy nghĩ của tôi khi ấy chỉ đơn giản là tôi có thể yêu cầu thí sinh dừng để giám thị ký lại, nhưng không có quyền bù cho họ 30 phút vì giám thị mà họ mất. Còn quy định trong Quy chế là để chống việc đánh dấu bài có thể gian lận khi chấm. Để loại trừ khả năng này, tôi đã yêu cầu niêm phong toàn bộ các bài thi trong phòng có sự cố để rồi sau đó đưa ra chấm tập thể.

Trong trường hợp này tôi đã xử lý theo hướng mình chịu trách nhiệm trên cơ sở tìm ra giải pháp tối ưu. Đó là cách xử lý theo hướng quản trị. Có thể thấy làm quản lý không dễ, bởi vì khi làm theo cách: Văn bản đâu? Quy định đâu? Có thể nói không phải bao giờ cũng có những văn bản quy định đúng tất cả việc mình đang phải giải quyết. Điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao với công việc, chứ nếu chỉ dựa vào văn bản, rất có thể trong nhiều trường hợp về cơ bản là không dám làm…

Nhìn từ góc độ tư duy quản trị, phải coi thời cơ là tài nguyên, nếu sợ trách nhiệm mà để thời cơ đến không chớp lấy là có tội chứ!

Singapore là một quốc gia nhỏ nhưng trở thành một hiện tượng được thế giới kính nể. Đó là một nước có nền quản trị quốc gia hiện đại và hoạt động rất hiệu quả. Họ coi thời cơ là một loại tài nguyên quý hiếm. Ông Lý Quang Diệu có một câu nói rất hay, đại ý: bên cạnh những phẩm chất thông thường thì phải chọn ra những người có phẩm chất lãnh đạo, trong đó có "helicopter vision" (tầm nhìn từ trên trực thăng). Nghĩa là nhìn toàn cục chứ không phải chỉ tập trung vào một việc cụ thể.

Đó là tư duy quản trị hiện đại, biết trong hệ thống ấy làm thế nào để chuyển động tốt nhất, chứ tư duy quản lý nhà nước chỉ xem có đúng với các quy định hay không, tức là văn bản chịu trách nhiệm chứ không phải người quản lý chịu trách nhiệm.

Tôi cho rằng làm cán bộ quản lý phải sáng tạo nhưng vẫn đúng trên nền pháp luật. Phải tìm ra cán bộ dám nói, dám làm, dám hy sinh. Không nên bổ nhiệm cán bộ theo kiểu xếp hàng chờ xe buýt, đến lượt thì lên, không cần công trạng gì. Có tình trạng một số cán bộ cho rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa. Họ thà không làm để bị kỷ luật còn hơn làm mà sai phải ra tòa. Hệ quả của tư duy này là công việc bị chững lại, nếu không nói là mất thời cơ.

Ở nước ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 9/2021, Bộ Chính trị có kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định cụ thể về nội dung này.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhiều lần đề cập đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần "7 dám", gồm: dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Tôi cho rằng tinh thần "7 dám" đó một cách tự nhiên đã có sự gắn kết với tư duy quản trị quốc gia mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./. 

Báo Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét