Năm 2023, Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là nghị quyết “Lên án sự khủng khiếp của chủ nghĩa xã hội” (H.Con.Res 9), thể hiện thái độ thù địch, chống phá quyết liệt, phủ nhận, “bác bỏ chủ nghĩa xã hội dưới mọi hình thức”. Song, phải khẳng định rằng, đó là cách nhìn định kiến, phản khoa học, thể hiện thói hàm hồ của những kẻ chống chủ nghĩa xã hội.
Điều dễ nhận thấy là, xuyên suốt nghị quyết lố bịch này đều dựa trên quan điểm của các vị tổng thống Mỹ về quyền cá nhân, quyền tư hữu và lấy các giá trị Mỹ để làm cơ sở tham chiếu đánh giá nhằm hạ thấp chủ nghĩa xã hội; áp đặt, ép buộc các quốc gia khác phải theo chế độ chính trị do họ định sẵn. Đây rõ ràng là một sự áp đặt chủ quan, phi lý; là hành động xâm lược, nô dịch về tư tưởng, chính trị, văn hóa. Bởi, thực tiễn mới là tiêu chuẩn khách quan kiểm nghiệm chân lý, không thể chỉ dựa vào vài ba lời trích dẫn của các cá nhân về tự do, bình đẳng, bác ái chung chung mà coi đó là giá trị “ưu việt” của chủ nghĩa tư bản rồi đòi áp đặt nó cho mọi quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, không chỉ tuyệt đối hóa quyền sở hữu cá nhân, họ còn cố tình đánh đồng quyền sở hữu cá nhân với chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu; từ đó xuyên tạc rằng chủ nghĩa xã hội muốn xóa bỏ quyền sở hữu của cá nhân, vi phạm nhân quyền, v.v. Trong khi đó, cả lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn các nước xã hội chủ nghĩa luôn đề cao con người với đầy đủ mọi quyền lợi và kiên trì đấu tranh cho lý tưởng xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu - nguồn gốc sinh ra mọi áp bức con người, bất công trong xã hội.
Trong khi đề cao quan điểm của các vị tổng thống Mỹ, coi đó như một “chân lý”, thì nghị quyết lại sử dụng ngôn từ miệt thị đối với tên tuổi, sự nghiệp của những cá nhân lãnh đạo các quốc gia khác, như V.I. Lênin (Liên Xô), Fidel Castro (Cuba), Hugo Chavez (Venezuela), v.v. Đó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng, kém văn minh, không phù hợp với thông lệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Thói hàm hồ của những kẻ chống chủ nghĩa xã hội càng được đẩy lên đến cực điểm khi toàn bộ những thông tin được dẫn chứng để quy kết cho cái gọi là “tội ác của chủ nghĩa xã hội” đều là sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử một cách trắng trợn. Họ cho rằng, chủ nghĩa xã hội gắn liền với chiến tranh, sự giết chóc bằng dẫn chứng về chế độ diệt chủng “Khơ-me đỏ” ở Campuchia và tự cho mình là đại diện cho văn minh, dân chủ, nhân đạo. Vậy, thử hỏi khi xảy ra nạn diệt chủng, khi “Người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu”1 thì những kẻ tự xưng là “văn minh”, “dân chủ”, “nhân đạo” ấy đang ở đâu? Và, khi Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn diệt chủng ấy, tại sao Mỹ và các nước phương Tây lại đi đầu trong việc lên án Việt Nam, cũng như ngầm hậu thuẫn, tiếp sức cho chúng chống Việt Nam?
Họ còn quy kết “cuộc cách mạng cộng sản tại Liên Xô” đã làm chết hàng chục triệu người mà lại lờ đi nguyên nhân chính dẫn đến những hy sinh, mất mát đó chính là sự can thiệp của liên quân 18 nước đế quốc vào Liên Xô nhằm bóp nghẹt chính quyền Xô Viết non trẻ và cũng quên luôn sự hy sinh cao cả của nhân dân Liên Xô trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nhân loại, góp phần kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu nhân loại khỏi họa phát xít. Lật lại trang sử nước Mỹ, để củng cố vai trò thống trị của mình, giai cấp tư sản chẳng phải cũng đã trải qua một cuộc nội chiến kéo dài hơn bốn năm (1861 - 1865) với giai cấp chủ nô đó sao? Cho đến nay, đây vẫn là cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, dẫn đến cái chết ước tính lên đến 03% dân số Mỹ?
Đây thực chất chỉ là trò “mập mờ đánh lận con đen”, quy kết một cách thô thiển, bất chấp lý lẽ và sự thật, nhằm đánh đồng, phủ nhận tính chất, mục đích tốt đẹp của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cuộc đấu tranh, sự hy sinh của quần chúng nhân dân lao động vì chính nghĩa để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng và bảo vệ chính mình. Nó hoàn toàn khác với việc huy động quần chúng đưa lưng ra gánh đỡ lấy trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho thiểu số giai cấp thống trị, như các cuộc cách mạng tư sản.
Trong khi trắng trợn bịa đặt cái gọi là những “tội ác ghê tởm” do chủ nghĩa xã hội gây ra, thì những tội ác của tư bản chủ nghĩa trong lịch sử và hiện nay được họ coi như là không có. Thực tế lịch sử cho thấy, hai cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc chiến tranh xâm lược, nô dịch các quốc gia dưới hình thức thực dân cũ và thực dân mới từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX; hành động can thiệp vào nội bộ các quốc gia có chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI,… đều do các nước tư bản gây ra để phục vụ lợi ích của mình. Đối với Việt Nam, nhân dân ta sẽ không bao giờ quên những tội ác mà quân xâm lược Mỹ, chư hầu và bọn tay sai ngụy quyền Sài Gòn đã gây ra, như: vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) năm 1968, Chiến dịch Linebacker II - “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” năm 1972, hậu quả của chất độc màu da cam, v.v.
Giống như trò đổ lỗi của trẻ con, họ còn quy kết chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân gây nên nạn đói ở nhiều quốc gia mà thực chất là do chính họ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Lấy danh nghĩa là chống khủng bố, vai trò của Mỹ và phương Tây trong các cuộc xung đột dai dẳng ở Somalia, Nam Sudan,… đã quá rõ ràng, trực tiếp hoặc gián tiếp khiến hàng chục triệu người nơi đây đối mặt với nạn đói cùng cực. Chẳng đâu xa, chúng ta hẳn không bao giờ quên chính do chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp để phục vụ cho chiến tranh là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nạn đói ở miền Bắc nước ta năm 1945, khiến hơn hai triệu người chết. Đó là thực tế không thể phủ nhận.
Thực tiễn chứng minh, chủ nghĩa xã hội không phải là sự ảo tưởng, mà là một chế độ xã hội có bản chất ưu việt, ra đời từ quy luật vận động tất yếu của lịch sử, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử nhân loại. Những thành tựu to lớn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, đối ngoại, mà chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô cùng hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đạt được là không thể phủ nhận.
Từ nội dung cơ bản của nghị quyết đã nêu, có thể thấy, nó không chỉ được xây dựng trên những cơ sở, luận cứ thiếu tính thuyết phục, phản khoa học, mà còn thể hiện một góc nhìn chủ quan của một số ít người tạo ra nó với sự định kiến, phiến diện, thái độ hằn học, thù địch của họ đối với chủ nghĩa xã hội. Với tính chất hàm hồ, phi lý, thiếu căn cứ như vậy, nhưng lại được cơ quan lập pháp của một quốc gia lớn trên thế giới thông qua. Cũng dễ hiểu, bởi đó là sản phẩm của những thủ đoạn chính trị và lòng đố kỵ của một số nghị sĩ Mỹ nhằm lấy lòng, thu hút sự ủng hộ của số cử tri có nguồn gốc tị nạn chính trị đã nhập cư vào Mỹ. Một cách hình tượng, nghị quyết chỉ là miếng “bánh vẽ” dành cho những kẻ “bán nước cầu vinh”, mưu cầu vài ba lá phiếu từ chúng để phục vụ cho con đường chính trị của các chính khách Mỹ. Vì vậy, nó hoàn toàn “không mang tính ràng buộc”, phạm vi của nó chỉ đủ để vuốt ve những kẻ “lưu vong” mà thôi. Song, với bầy “ưng khuyển” đó, mẩu “bánh vẽ” ấy đã làm chúng như “mở cờ trong bụng”, ra sức đón nhận, tung hô, mà không hề thấy hổ thẹn khi chỉ là quân cờ trong tay giới chủ.
Mặc dù về câu chữ nghị quyết không nhắc gì đến Việt Nam, nhưng đám người Việt phản động lưu vong và những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị trong nước vẫn ra sức tận dụng để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chống phá. Họ lu loa rằng, Bác Hồ, Đảng và Nhà nước Việt Nam là nguyên nhân gây ra hai cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, sinh ra các nạn đói rét, giết người, kìm hãm sự phát triển của dân tộc; rằng Đảng Cộng sản Việt Nam công ít, tội nhiều; con đường chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là ngõ cụt, hoàn toàn bế tắc, v.v. Mục tiêu của chúng luôn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tự do, dân chủ, nhân quyền theo hình mẫu phương Tây.
Thật ra, các chiêu trò bôi nhọ, xuyên tạc, phê phán, đả kích, lên án, bài bác, phủ nhận chủ nghĩa xã hội không phải là vấn đề mới, vẫn thường xuyên được các thế lực thù địch tiến hành trong hơn 100 năm qua. Khác chăng chỉ là sự điều chỉnh về phương thức, cường độ thực hiện và những chiêu trò dường như lố bịch hơn. Sự ra đời của nghị quyết hàm hồ trên cũng chỉ là một trong những chiêu trò như thế.
Vì vậy, đấu tranh phản bác, vạch trần các chiêu trò đả kích, lên án chủ nghĩa xã hội nói chung, các luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc, bài bác Đảng, Nhà nước ta nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nắm vững định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao “sức đề kháng”, khả năng “tự miễn nhiễm” cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trước các thông tin xấu độc. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, nền tảng số và hoạt động của các tổ chức, mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho các đối tượng; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự thấm sâu, là nền tảng tư tưởng vững chắc, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam; đồng thời, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị tinh thần của xã hội.
Thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho các tổ chức và cá nhân trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch về chính trị tư tưởng. Nhạy bén, chủ động sớm phát hiện, phòng ngừa tác động tiêu cực trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hóa. Đổi mới phương pháp, hình thức; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, phát huy nguồn lực chính trị tinh thần to lớn từ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống đoàn kết của dân tộc; khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phồn vinh; lấy thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, lấy thực tiễn tiến bộ xã hội để chứng minh cho sự đúng đắn, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là lựa chọn duy nhất đúng đắn trong thời đại ngày nay./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét