Sáng 23-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9-2024 để xem xét, cho ý kiến đối với 4 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế; Dự án Luật Dữ liệu; Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Đây là phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 2 trong tháng 9 và là phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 10 trong năm 2024 của Chính phủ. Dự Phiên họp có các Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật là 1 trong 3 đột phá chiến lược vì thể chế vừa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Theo Thủ tướng, tại Hội nghị Trung ương 10, Trung ương đã thảo luận, cho thấy phải đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cùng với yêu cầu thực tiễn đặt ra, một trong lý do, cán bộ còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai chính là do thể chế. Do đó phải tháo gỡ về thể chế để cán bộ công chức dám làm, không sợ sai. Trung ương cũng nhất trí tăng cường con người, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ những người tham gia làm thể chế.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần trong Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tránh bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên “xin” cấp trên mà phải căn cứ vào quy định. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; căn cứ quy định Bộ Chính trị, Ban Bí thư để làm; không thể bất cứ vấn đề đề nhỏ dù gì cũng phải trình lên Trung ương quyết; đề nghị bộ trưởng, lãnh đạo bộ, ngành, thủ trưởng các cơ quan phải quán triệt tinh thần này để tháo gỡ, thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đi đôi phân bổ nguồn lực, đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi từ cấp dưới.
Thủ tướng cho biết, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ ban hành cơ chế, định hướng, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra. Các bộ trưởng, trưởng ngành chỉ làm vấn đề chiến lược, quy hoạch, định hướng chương trình, đường lối phát triển quan trọng cho đất nước, không nên sa vào những vấn đề cụ thể, dễ tạo môi trường “xin-cho”, tránh nảy sinh tiêu cực. Ngân sách Trung ương chỉ đầu tư các chương trình dự án liên vùng, quốc gia, quốc tế; chương trình, dự án cấp tỉnh do tỉnh, thành phố quyết định đầu tư; phải đẩy mạnh cải cách hành chính ngay trong xây dựng pháp luật, thể hiện ngay ở các quy định của luật, thông tư, nghị định.
Bày tỏ không hài lòng về một số nghị định đã giao một số bộ, ngành phải hoàn thành sớm mà đến nay chưa xong, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phải nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cho rằng thủ tục hành chính nội bộ vẫn còn rườm rà, Thủ tướng yêu cầu việc lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ nếu quá thời hạn không có phản hồi thì phải coi như là đồng ý. “Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là thiểu số phục tùng đa số”, Thủ tướng lưu ý.
Nhằm tránh tình trạng càng ban hành luật lại càng khó làm, Thủ tướng yêu cầu xây dựng pháp luật để tăng cường quản lý nhưng phải kiến tạo môi trường phát triển chứ không phải thắt chặt, bó hẹp; khi sửa đổi luật thì phải mạnh dạn, vướng ở đâu tháo ở đó; các luật mà chồng chéo thì rất khó thực hiện, không khuyến khích được đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng pháp luật; ưu tiên nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính cho công tác này; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung dân chủ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; nếu ai sợ trách nhiệm thì “đứng sang một bên”. Các bộ, ngành khi trả lời phải cụ thể, không chung chung, phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, không đùn đẩy trách nhiệm, trước mắt phục vụ tốt Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung: Dự án Luật Dữ liệu; Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế; Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng, ban hành các luật, nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về các lĩnh vực nêu trên; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội thời gian tới.
Đối với Dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu thảo luận các nội dung liên quan đến khái niệm dữ liệu, kết nối, chia sẻ, thẩm quyền; về bảo đảm chi ngân sách thực hiện Chiến lược dữ liệu…
Về Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ về các chính sách liên quan: Xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu…
Ở Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chính phủ xem xét các nội dung liên quan đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tuyến chuyên môn kỹ thuật, kiểm toán, ứng dụng chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu; đăng ký khám, chữa bệnh; chuyển tuyến cấp chuyên môn kỹ thuật; quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế…
Trong Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi), Chính phủ nhất trí sửa đổi toàn diện Luật Luật sư năm 2006 nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền của công dân nhờ luật sư bào chữa; các chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chỉ đạo về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thảo luận và cho ý kiến đối với từng nội dung của các dự án luật, Đề nghị xây dựng luật; giao các Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ chủ trì xây dựng các dự án luật, Đề nghị xây dựng luật phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ, nghị quyết phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề lớn trong quá trình phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Kết luận phiên họp, cho biết tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, trong khi thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ tám còn rất ít. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên tối đa thời gian, công sức, trí tuệ, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng vào trong các dự án luật, pháp lệnh. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng pháp luật phải thiết kế công cụ tăng cường quản lý hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam, song phải kiến tạo cho sự phát triển và tạo điều kiện huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và có công cụ để xử lý những vi phạm của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, trên quan điểm không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét