Tình hữu nghị sớm như rạng đông

Trước cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại diện nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc, nhóm phóng viên chúng tôi đến rất sớm, vậy mà thật khó để tìm một chỗ đứng. Ngay trước cửa Trung tâm Hội nghị Bạch Vân (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), rất đông các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc đã có mặt từ sớm. Nhiều người trong số họ tuổi đã cao, tay chống gậy, mang theo cả ghế ngồi với mong muốn được gặp gỡ, tiếp xúc với đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xuất hiện, tất cả mọi người đã ùa ra, dành cho nhà lãnh đạo Việt Nam và đoàn những tràng pháo tay, những cái bắt tay nồng thắm, thân thiết. 

Tiếp nối quá khứ, hướng tới tương lai
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà. 

Ở hàng giữa khán phòng, chúng tôi gặp bà Dư Thư Huệ, người phụ nữ luống tuổi, da mồi, ngồi trầm ngâm, đôi mắt chăm chú không rời khỏi sân khấu. Thật đặc biệt, bà Huệ nói được một chút tiếng Việt. Bà tự giới thiệu mình nguyên là y tá viện trợ Việt Nam của Bệnh viện Nam Khê Sơn, Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, bà được mời sang Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và hôm nay được dự buổi gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Niềm vui này giúp bà cảm nhận sâu sắc Đảng và Nhà nước hai dân tộc chưa bao giờ quên sự đóng góp của Bệnh viện Nam Khê Sơn trong mối tình hữu nghị Trung-Việt.

Trở lại lịch sử, từ năm 1969 đến 1975, thông qua đầu mối phía Việt Nam là Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Khê Sơn đã thực hiện điều trị cho các thương binh, bệnh binh từ miền Nam Việt Nam và các cán bộ trung, cao cấp ở các địa phương của Việt Nam. Trong khoảng thời gian 7 năm, bệnh viện đã chữa trị cho hơn 5.430 bệnh nhân, trong đó, tiến hành hơn 2.000 ca phẫu thuật và tiếp 780.000ml máu cho các thương binh, bệnh binh Việt Nam. Bà Dư Thư Huệ xúc động chia sẻ: “Chúng ta nhất định phải tiếp tục phát huy tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em do lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, nhất định phải kế thừa qua nhiều thế hệ”.

Quảng Đông thật sự rất gần gũi, không chỉ gần trong khoảng cách mà còn trong cả tình thân, gắn bó. Mối tình ấy không phải bây giờ mới có mà được dệt nên từ lâu đời. Cách đây đúng 100 năm, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến nơi này sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, chuẩn bị về lý luận, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng nơi đây vừa lưu giữ kỷ niệm quan trọng của hoạt động cách mạng ở Quảng Châu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là nơi chứng kiến tình hữu nghị thắm thiết, vừa là đồng chí, vừa là anh em của hai đảng, hai dân tộc.

Những ngày ở Trung Quốc giúp chúng tôi có những cảm nhận sâu sắc về tình hữu nghị giữa hai nước đã được các bậc tiền bối xây dựng. Nếu như quá khứ là điểm tựa cho hiện tại thì tương lai lại được xây dựng từ những gì hai dân tộc đang làm hôm nay, trong đó có cả niềm tin, khát vọng, hướng tới những giá trị tốt đẹp. Đúng như điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ trong chuyến đi: “Mỗi chúng ta dù là ai, ở cương vị nào, cũng đều có một mong muốn chung lớn lao là quan hệ Việt-Trung sẽ mãi vững bền và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn; thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.

Cây hữu nghị đơm hoa, kết trái

Tháng 2-1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, phương châm “16 chữ” thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 được xác định, đó là: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Tháng 12-2000, Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thế kỷ mới được ký kết. Năm 2005, tinh thần “4 tốt”: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” ra đời.

Tháng 5-2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, quan hệ “hợp tác toàn diện” trở nên sâu sắc hơn bởi sự bổ sung, nâng tầm thành “quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện”. Sau những thử thách và cả thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã trở lại dòng chảy chính là hợp tác hữu nghị và phát triển. Kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc năm 2022 đã nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong dòng chảy mạnh mẽ, sôi động hơn của quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung và những kết quả đạt được trong các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; tuân theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, kiên trì thực hiện phương hướng “6 hơn”. Những nội dung tầm cao chiến lược đó, chúng tôi được nghe trong thông báo sau các cuộc hội đàm, hội kiến, trong tuyên bố chung của hai nước. Đó chính là những nhận thức chung mang tính chỉ đạo ở tầm chiến lược để từ đó lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đi sâu, định hướng hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Một trong những dấu ấn hợp tác trong chuyến thăm lần này, đó là hai bên mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và con đường” với khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai”; nhất trí đẩy nhanh xây dựng “kết nối cứng” về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc; xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định; ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia phát triển kinh tế tại Việt Nam... Với Tuyên bố chung cùng 14 văn kiện hợp tác được ký kết sau cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, chúng ta hoàn toàn có niềm tin, kỳ vọng về sự bứt phá, phát triển, thịnh vượng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua hợp tác hai nước đang ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, trong đó xây dựng hạ tầng là trọng tâm, tạo nền tảng cho trao đổi kinh tế-thương mại song phương. Có thể dẫn ra những số liệu mà chúng tôi có trong chuyến đi như: Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất nhập khẩu của Quảng Tây sang Việt Nam tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 41,3% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây trong cùng kỳ. Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án về điện mặt trời, hạ tầng đường sắt đô thị ở Việt Nam. Các chuyến tàu chở hàng liên vận giữa hai nước tăng vọt về số chuyến và số lượng hàng hóa, hai bên đẩy mạnh xây dựng cửa khẩu thông minh, kết nối hạ tầng cửa khẩu trên bộ...

Chúng ta tin tưởng rằng, những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới như mong muốn của hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hai nước, là đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững./.

ST.