Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: COI HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI DÂN LÀ MỤC TIÊU!

     Tại hội nghị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến mục tiêu năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao và lưu ý: Nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu mà rất lo. Bởi vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, nhược điểm mà Việt Nam cần tránh, đó là "giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước"!

Ông Nhân dẫn chứng, Nhật Bản là một quốc gia có thu nhập cao với dân số hơn 120 triệu người, dồn hết sức tăng vọt kinh tế nhưng cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để họ có gia đình và nuôi được 2 con.

"Đất nước họ giàu nhưng người dân không giàu. Thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố khủng hoảng lớn nhất của nước này là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ”, ông Nguyễn Thiện Nhân kể.

Ngoài ra, ông Nhân cũng dẫn câu chuyện của Hàn Quốc. Năm 1975, GDP đầu người của Hàn Quốc bằng 17% của Nhật Bản nhưng năm 2018 bằng 101% của Nhật Bản. Thành tích này của Hàn Quốc cũng để lại hậu quả nặng nề.

Cụ thể là từ năm 2018 GDP của Hàn Quốc nằm ngang, mức sinh năm vừa rồi còn 0,72. Năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc nói “không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.

Từ thực tiễn của 2 nước trên, ông Nhân cho rằng Việt Nam cần rút ra bài học kinh nghiệm, phải ứng phó ngay với thực trạng này, nhất là khi năm ngoái mức sinh của Việt Nam lần đầu tiên xuống dưới 2, chỉ ở mức 1,96.

“Chúng tôi nghiên cứu 42 nước có thu nhập cao trên toàn thế giới hiện nay đều không đẻ đủ, bình quân chỉ 1,54 và thực trạng này kéo dài 40 năm rồi”, ông Nhân phân tích.

Vì vậy, theo ông Nhân định hướng phát triển đất nước là người dân hạnh phúc; đất nước giàu mạnh; dân tộc trường tồn và dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong đó, phải coi hạnh phúc của người dân là mục tiêu. Bởi vì hạnh phúc không phụ thuộc vào sự giàu có, nghèo cũng có hạnh phúc chứ không phải chờ đến khi giàu mới có hạnh phúc.

Theo ông Nhân, Việt Nam cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng không tái tạo được con người, tránh bài học để chậm 25 năm như Nhật Bản./.
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét