Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA!

     Một buổi tối lão coi một video clip nói rằng trên thế giới có 7 nước được “phong tặng” danh hiệu quốc gia bẩn nhất thế giới. Mặc dù đôi lúc phải rùng mình vì độ bẩn ở một quốc gia nào đó, song phải coi cho đến hết để xem cái nước nghèo nàn lạc hậu với tên là Việt Nam có được “biểu dương” trong bản danh sách đó không? May quá, không có, không có, không có các bạn ạ.

Nghèo mà bẩn là lẽ đương nhiên rồi, nhưng trong số 7 nước lại có nước giàu vì nhiều tiền, có nước mạnh về quân sự, nhưng lại nằm trong số 7 nước bẩn nhất thế giới. 

Người Việt ta có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, hay lắm đó các bạn ạ. Cái sự giàu và nghèo, “tức nhiêng” là do sự chăm chỉ làm ăn của mỗi con người (đôi khi còn là số phận nữa), song quan trọng hơn cả là phong tục tập quán, thể chế và luật pháp ở quốc gia đó có giúp làm cho xã hội được công bằng hay không?

Trên thế giới này có mấy nước có sức mạnh kinh tế như Qatar? Song về độ bẩn thì nó đứng thứ bảy. Trên thế giới này có mấy nước có đất rộng người đông, có nền công nghiệp và công nghiệp quốc phòng hơn được Ấn độ? Thế mà quốc gia đó “được” xếp đầu bảng về “quốc gia bẩn nhất thế giới”. Lão không mô tả, những quốc gia này bẩn như thế nào, mà lão muốn nói, vì đâu nên nỗi?

Vì đâu nên nỗi? Bỏ qua phong tục tập quán như người Ấn Độ thiêu xác người bên bờ sông Hằng, có mấy gia đình nghèo đến mức không có tiền mua củi thì thả xác trôi sông. Rồi cũng trên dòng sông ấy người dân ra đó tắm giặt, dùng nước đó làm nước sinh hoạt. Rồi tôn giáo nọ coi con bò là vật linh thiêng, người ta có thể uống nước đái của bò, lấy phân bò xoa lên khắp người mình. Đó là phong tục, là tập quán rất khó bỏ.

Nhưng xã hội Ấn Độ là một điển hình “mẫu mực” về phân chia đẳng cấp. Họ dựa vào kinh Rig Vedas (kinh Vệ-đà), chia xã hội ra thành bốn đẳng cấp – cao nhất là Bà-la-môn (Brahmani) da trắng, họ coi đẳng cấp này là cái đầu của thần Brahma. Còn hai tay và hai chân thần Brahma là đẳng cấp Sát-đế-lợi (Kshatriya) và Phệ-xá (Vaishyia). Hai bàn chân của thần Brahma là đẳng cấp Thủ-đà-la (Shudra). Thủ-đà-la được coi là đẳng cấp hèn hạ nhất trong xã hội Ấn Độ. Người thuộc đẳng cấp này phải làm những việc nặng nhọc như thợ thuyền, đầy tớ; họ không được phép kết hôn với những người thuộc đẳng cấp trên. Thậm chí nếu có người ở đẳng cấp trên lỡ kết hôn với người thuộc đẳng cấp dưới thì bị tẩy chay và đẩy xuống đẳng cấp dưới.

Chẳng những thế, khi đế quốc Mughal của Ấn cổ đại sụp đổ và sự xâm lược của thực dân Anh đã tạo ra một tầng lớp người Ấn da trắng thượng đẳng, lúc đó người ta gọi Ấn Độ thuộc Anh hay British Indian hay Raj, đó là tên gọi nước Ấn Độ từ giữa năm 1858 đến năm 1947. Như vậy, trong thời kỳ đó còn có sự phân biệt chủng tộc nữa, đó là sự phân biệt của những người da trắng đến từ Anh quốc và người da nâu bản xứ.

Lão không có ý định kể hết các quốc gia khác nằm trong 7 quốc gia “thượng bẩn”, chắc chắn bạn không thích nghe. Lão chỉ muốn nói với các bạn, Việt Nam mình nghèo đấy, song nghèo mà không hèn; Việt Nam mình đói đấy, song đói mà vẫn sạch; Việt Nam mình rách đấy, song rách mà vẫn thơm. Lão không nói về nơi các thành phố có những ngôi nhà cao hàng trăm tầng lầu. Đó là chuyện kinh doanh của người ta, mà lão muốn mọi người đến xem những “nông thôn mới” và “nông thôn mới kiểu mẫu” đang phát triển rầm rộ trên khắp các địa phương ấy. Đó mới chính là cách xóa bỏ bất bình đẳng xã hội, xóa đi sự khác biệt giữa miền xuôi và miền ngược, giữa thành thị và nông thôn.

Có mấy con số lão lượm được, nói lại để các bạn chiêm nghiệm. Đó là, mục tiêu của nhà nước ta, năm 2025 sẽ hỗ trợ cho dân xóa hết nhà dột nát và nhà tạm. Xin nêu vài ví dụ, năm nay (2024), chỉ riêng tỉnh Cao Bằng đã thực hiện như vậy được 3.656 hộ nghèo và cận nghèo; tỉnh Bắc Giang trong hai năm đã xây cho dân được 3.000 ngôi nhà và mục tiêu đặt ra là trong năm 2024 sẽ xóa 100% nhà dột nát, nhà tạm. Xin nhớ, kinh phí dùng cho việc này là từ ngân sách nhà nước.

Muốn là được như thế thì chúng ta phải có một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” các bạn ạ./.
Ảnh: Nông thôn Việt Nam ngày nay (H. trên); Nhà sàn của người Dao tỉnh Yên Bái (H. dưới).
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét