Chúng tôi quay lại con đường Quốc lộ 32C hướng về phía Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. Vài ngày trước, trên cung đường này hai bên mênh mang là nước. Hoa màu, cây cối, nhà cửa, các công trình bị nhấn chìm. Lũ rút đi rồi, Hạ Hòa dần trở lại với cảnh sắc vốn có: Núi cao, đầm rộng, sông dài, hồ nước trong xanh bát ngát, cây cỏ tốt tươi...
Chỗ dựa vững chắc của nhân dân
Huyện Hạ Hòa nằm phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ, gồm 20 xã, thị trấn nằm hai bên bờ sông Thao, địa hình thoải dần theo hướng Đông Nam. Lưu vực sông Thao bao trùm toàn bộ địa phương, kéo dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam với chiều dài 33,5km. Có lẽ vì thế, khi nước lũ dâng cao do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, đây là một trong những huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Phú Thọ.
Lúc cao điểm, mực nước sông Thao tại huyện lên trên mức báo động 3 là 1,45m (mức 27,45m). Những người cao niên ở đây cũng bất ngờ, chưa bao giờ họ thấy nước dâng cao như thế.
Gần hai tuần vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hạ Hòa luôn trong trạng thái hoạt động hết công suất. Trong những ngày cao điểm mưa lũ, những chiếc áo mưa của họ chẳng biết đâu là mặt trong, đâu là mặt ngoài, đều ướt sũng. Mặc như không mặc - mọi người đùa vui với nhau như thế. Các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khó, gác lại việc cá nhân cùng dân chống lụt.
Mọi người cũng kể câu chuyện Thiếu tá QNCN Trần Thị Thúy Hằng, nửa căn nhà bị ngập. Chị Hằng ở cùng con gái đang học cấp 3, chồng chị cũng là bộ đội, đang công tác tại Quân khu 2, cũng đang căng mình giúp dân chống lũ. Sau khi bảo đảm an toàn cho con gái, đồng chí lại tiếp tục tham gia hỗ trợ đồng đội giúp nhân dân.
Trong cơn dông bão, bộ đội cùng với các đồng chí trong ban phòng chống lụt bão của địa phương liên tục khảo sát, bám nắm tất cả các địa điểm xung yếu trên địa bàn. Lúc nước chưa lên, lực lượng quân sự địa phương đã giúp bà con ở một số nơi có nguy cơ ngập vận chuyển tài sản, dựng các biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở...
Đêm trước khi nước lũ tràn vào, khoảng 300 đồng chí dân quân từ 6 xã đã có mặt ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, dưới sự chỉ huy của Đại tá Đỗ Trọng Khánh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện. Cùng với đó là sự có mặt chỉ đạo, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo UBND, HĐND các xã, cùng các ban, ngành và cán bộ trong Ban CHQS huyện. Họ mang theo bao tải, cuốc, xẻng và các dụng cụ cần thiết. Nhiệm vụ của họ là giúp đắp bờ ngăn nước, hỗ trợ người dân trong khu vực bị ngập. Con trạch cao 1-1,5m, tổng chiều dài các đoạn khoảng 20,5km với trên 40 điểm có cao độ thấp đã được đắp, dọc tuyến Quốc lộ 32 C, tuyến Quốc lộ 2D.
Khi nước lũ bắt đầu tràn vào các xã Xuân Áng, Hiền Lương, Đan Thượng, Tứ Hiệp,... rồi thị trấn Hạ Hòa vào sáng 10-9, 300 đồng chí cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 (Quân khu 2) kịp thời có mặt cùng bộ đội địa phương. Trên con đường tỉnh 320 đi qua trung tâm thị trấn Hạ Hòa, nước lũ cuốn ngang người Thiếu tá Trần Văn Nguyên, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 và các cán bộ, chiến sĩ. Họ cẩn trọng vượt qua những vùng nước xiết, từng tốp đến rà soát từng hộ dân, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu trợ giúp. Trong nửa ngày, các lực lượng chức năng cùng Quân đội đã di dời được 1.980/3.309 hộ có nguy cơ phải di dời. Nhiều cháu nhỏ, người già được đưa đến nơi an toàn kịp thời.
Công tác cứu hộ, cứu nạn được tiến hành khẩn trương không kể ngày đêm. Khó khăn nhất là lúc trời tối. Đại tá Đỗ Trọng Khánh kể lại, địa hình nơi đây bình thường tất cả đều thuộc như lòng bàn tay, nhưng khi nước đã ngập gần hết những ngôi nhà và trong đêm tối, mọi người gần như mất phương hướng. Hơn nữa, chân vịt của cano rất dễ vướng phải dây điện, lưới đánh cá, cây cối và nhiều vật khác. Một phương pháp đồng chí đưa ra để tránh các vật cản và đi đúng đường là cho thuyền đi giữa những hàng cau, rồi theo các cột điện lớn để thoát ra.
Lũ qua, bộ đội lại có mặt giúp nhân dân dọn dẹp nhà cửa. Gia đình cụ Vũ Lương Bằng chỉ có hai vợ chồng già, hơn 70 tuổi, khi nước lũ ào vào sân nhà, cụ ông và cụ bà chỉ biết nắm tay nhau, đứng tựa vào góc nhà. Chưa bao giờ họ thấy nước dâng cao đến thế. Nước nhanh chóng tràn qua cổng, ào ạt đổ vào. Khi dâng đến đầu gối, bộ đội đã kịp thời đến cõng vợ chồng cụ ra nơi an toàn. Khi nước rút, cũng chính các chiến sĩ ấy quay lại giúp cụ dọn dẹp đồ đạc, gột rửa bùn đất. Sự có mặt của Quân đội giúp bà con nhân dân Hạ Hòa vững tâm hơn.
Một lối sống đẹp
Đến sông Thao mới hiểu sâu hơn điều đáng quý trong lối sống truyền thống của người dân nơi đây: Tính cộng đồng. Họ quan tâm giúp đỡ người khác, coi trọng tình làng nghĩa xóm, đề cao tinh thần đoàn kết và cố kết làng xã. Nghĩa tình của người dân nơi đây đã trở thành truyền thống quý báu, truyền từ đời này sang đời khác thành câu thơ: Sông Thao nước đỏ như son/ Người đi có nhớ nước non quê mình. Trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thống ấy càng tỏa sáng.
Khi chiếc xe của chúng tôi cẩn trọng tiến vào tâm lũ tại xã Đan Thượng. Nước sông Thao dâng mấp mé mặt đường. Trong đoàn xe và người vội vã, có một thanh niên đang chạy, dẫn đường cho một người đàn ông chở theo một chiếc thuyền nhỏ. Chúng tôi liền mời anh lên xe. Qua câu chuyện ngắn ngủi, biết anh là một kỹ sư điện đang công tác xa nhà. Khi nghe tin quê hương gặp nạn, anh xin nghỉ rồi nhanh chóng trở về, mua một chiếc thuyền nhỏ đưa vào xã để hỗ trợ lực lượng chức năng giúp đỡ người dân. Người thanh niên vội vã đến nỗi chúng tôi còn chẳng kịp hỏi tên của anh.
Rồi chúng tôi gặp anh Đinh Tiến Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đan Thượng ở đầu vùng đang bị chia cắt, nơi tập kết hàng cứu trợ và điều hành công tác cứu nạn là đã 4 ngày anh chưa về nhà. Vợ con anh ở cách vị trí này hơn 1 cây số, cũng trong vùng đang bị cô lập. Anh Quân tâm sự, dù cũng nóng lòng, nhưng anh có thể yên tâm điều hành các hoạt động ở đây bởi ở nhà đã có bà con nhân dân trong khu, cùng lực lượng tại chỗ trợ giúp. Gia đình an vẫn an toàn.
Tiến sâu vào vùng bị chia cắt, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quốc Chính đang vận chuyển nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho các gia đình bị ngập sâu trên chiếc thuyền nhỏ. Anh Chính tâm sự, nhà anh ở xã Vô Tranh, cách đây khoảng 15 cây số. Khi nghe tin Đan Thượng gặp nạn, anh cùng 5-7 người dân trong xã lập tức đến đây. Ở đây chúng tôi thấy cửa hàng tạp hóa cung cấp miễn phí đồ ăn, nước uống cho nhân dân, thấy nhiều tiệm sửa xe treo biển sửa miễn phí cho người dân bị thiệt hại do lũ... Nhiều hộ dân chỉ nhận một phần nhỏ đồ cứu trợ, mong muốn chuyển tới những nơi khó khăn trong cơn lũ, như Lào Cai, Yên Bái...
Trông những cánh đồng lúa chuẩn bị đến mùa gặt chìm trong bể nước, tất cả đều ngậm ngùi. Gia đình ông bà Trần Văn Hòa, 58 tuổi, ở khu 9, xã Hiền Lương mất hơn 100 con gà và 5 sào lúa sắp thu hoạch. Đó là toàn bộ cơ nghiệp của hai vợ chồng. Dù mất trắng, ông Hòa vẫn giữ vững tinh thần lạc quan: "Gia đình nông nghiệp chỉ trông chờ vào đó, lũ vào coi như mất trắng. Nhưng chúng tôi hạnh phúc hơn những nơi khác vì vẫn còn người. Của cải mất thì sẽ lại có, vất vả một thời gian rồi cũng qua thôi".
9 giờ tối, đến lúc các cán bộ, chiến sĩ tạm trở về nghỉ ngơi, các hộ dân gần Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (nơi bộ đội Sư đoàn 316 tạm trú) lại không ngần ngại mở sẵn cửa nhà, chuẩn bị trước nước nóng để đón bộ đội về tắm.
Tinh thần đoàn kết, tính cách đôn hậu của người dân Hạ Hòa nói chung, người dân Phú Thọ nói riêng đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Truyền thống quý báu này đã được ghi nhận từ xa xưa trong sử sách như Lê Quý Đôn từng viết trong Kiến văn tiểu lục: "Một giải sông Thao, dân tục thuần hậu, biết lễ phép văn tự". Những lời ca ngợi này là minh chứng cho sự đoàn kết và lối sống đẹp của người dân Hạ Hòa qua bao đời. Ở đây, truyền thuyết về Mẹ Âu Cơ cùng các con lên miền ngược khai phá vùng đất Hiền Lương vẫn luôn được người dân kể lại như một niềm tự hào về quê hương, về cội nguồn của mình. Đó không chỉ là câu chuyện về sự khởi đầu, mà còn là niềm tin vào sự vươn lên, dù khó khăn đến đâu, người dân vẫn sẽ cùng nhau gây dựng lại từ đầu, như cha ông họ đã từng làm suốt bao đời.
Lũ sông dâng cao tràn qua các tuyến đê trên địa bàn huyện Hạ Hòa, với trên 40 điểm tràn. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 1.000ha lúa, 460ha rau màu, 210ha chuối, 73,5ha rừng và 398,9ha thủy sản bị hư hại... Nhờ công tác chống lũ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, những thiệt hại được hạn chế tối đa, nhất là thiệt hại về người. Trong đợt lũ lịch sử này, Hạ Hòa có 2 người thiệt mạng, 1 người bị thương. |
Bài, ảnh: PHÚ SƠN - HOÀNG VIỆT
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét