Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 168-HD/BTGTW tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2024, tập trung tuyên truyền nội dung:

Tuyên truyền “Niềm tin mới, khí thế mới”

- Phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình, những thời cơ, thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức tác động đến nước ta từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, qua đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; sự điều hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tình hình đất nước tiếp tục ổn định và phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật: các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra; tăng lương nhưng không tăng giá; các điểm nghẽn, rào cản được nhận diện trực diện và quyết liệt tháo gỡ; xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, góp phần làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, niềm tin của Nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng tầm…

- Khẳng định sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng sau khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với số phiếu tuyệt đối (100%) tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 03/8/2024; đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kế thừa, phát huy những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước; có nhiều hoạt động, phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực (gồm cả đối nội và đối ngoại) thể hiện tư tưởng, tầm nhìn chiến lược gắn với hành động thực tế, được cán bộ, đảng viên, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, kỳ vọng vào sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.

- Chú trọng phân tích, lan tỏa những quan điểm, tư tưởng, định hướng lớn của đồng chí Tổng Bí thư được thể hiện qua phát biểu khai mạc, bế mạc tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII); phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024); bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”; bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; bài viết “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”; phát biểu tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; phát biểu tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát biểu tại cuộc gặp mặt đại biểu, kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4; phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

Tuyên truyền “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đất nước sau 40 năm đổi mới” (chắt lọc từ kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới đất nước và các nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh cụ thể trên các lĩnh vực).

- Khẳng định sau 40 năm đổi mới “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế…

- Phân tích sâu sắc những nhân tố làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sau 40 năm đổi mới, đó là tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc, của Nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích.

- Phân tích, nêu bật những thành tựu lý luận của Đảng ta trong 40 năm đổi mới đất nước: Xác định, bổ sung, định hình ngày càng rõ hơn nội dung các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam trên cơ sở nhận thức đúng đắn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam; Đảng ta đã tiến hành đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước, xác lập mục tiêu phát triển trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; tổng kết, kế thừa, làm rõ phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phát hiện và xác định các mối quan hệ lớn cần giải quyết trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước; hình thành khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; nhận thức ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn về động lực và nguồn lực xây dựng chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa với tư cách là sức mạnh nội sinh, xung lực quan trọng của quá trình phát triển đất nước; tập trung xác lập mục tiêu, hệ giá trị nhân văn của chủ nghĩa xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới; lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, phát triển; phát triển lý luận về vai trò, sứ mệnh của Đảng, đặc biệt là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh…

- Tuyên truyền, khẳng định tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, với chính quyền và các cơ quan Nhà nước; ý Đảng - lòng dân; tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước.

- Tuyên truyền những đánh giá tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà nghiên cứu và báo chí, truyền thông quốc tế đối với Việt Nam.

Tuyên truyền “Thời cơ, thách thức và trách nhiệm lịch sử của Đảng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới”

- Phân tích đánh giá những biến chuyển mang tính thời đại của tình hình thế giới, khu vực; những khó khăn, thách thức và cơ hội mang đến cho Việt Nam; mục tiêu, tầm nhìn, triển vọng phát triển đất nước với các dấu mốc lịch sử đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp bách.

- Khẳng định Đảng ta kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc; nghiên cứu lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để định ra phương pháp cho Cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

- Nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá rất cao sự bản lĩnh và đoàn kết, thống nhất trong Đảng từ lãnh đạo chủ chốt đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hạt nhân để tăng cường đoàn kết trong Đảng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ hội lịch sử để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy thành tựu có ý nghĩa lịch sử đã đạt được qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Phân tích, lý giải một cách khoa học, thuyết phục những tư tưởng chỉ đạo mang tầm chiến lược được thông qua tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, trong đó chú trọng, làm rõ và sâu sắc một số nội dung quan trọng:

- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025. Nhiệm vụ này cần các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất; tập trung mọi nguồn lực, biện pháp, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

- Nhiệm kỳ Đại hội XIV, tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc hệ trọng; là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

- Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải thực sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Cần chú trọng tập trung cao nhất các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng cao của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, đặc biệt là đối với các địa phương chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và không ngừng nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam vào hoà bình, ổn định phát triển của khu vực và thế giới.

Giai đoạn từ năm 2025 đến Đại hội XIV của Đảng, tập trung tuyên truyền các nội dung:

- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung trọng tâm đã nêu ở trên gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và gắn với tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025 như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025); 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025); 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026)… Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Tuyên truyền đậm nét việc triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2025 và các năm tiếp theo; phản ánh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở bộ, ngành, địa phương; cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy cao độ tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, đoàn kết, tin tưởng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), tạo tiền đề vững chắc để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo (2026 - 2030), góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội XIV của Đảng.

- Thông tin đối ngoại về những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước; củng cố mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các đối tác; quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, hợp tác và phát triển; thông tin tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, vấn đề dân chủ, quyền con người; qua đó tạo sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài nước, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Về hình thức tuyên truyền: Trên báo chí, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Tổ chức hội nghị nội bộ của Đảng (hội nghị cấp ủy mở rộng, hội nghị sinh hoạt đảng): cấp ủy, tổ chức Đảng tuyên truyền, quán triệt, phổ biến. Tuyên truyền qua hội nghị (báo cáo viên, sinh hoạt của các đoàn thể thường kỳ...); tổ chức hội thảo, tọa đàm. Tuyên truyền thông qua bản tin thông báo nội bộ, các tài liệu, ấn phẩm sách, tờ gấp với nội dung phong phú, dễ hiểu, hướng đến nhiều đối tượng. Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, phát huy vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên. Tuyên truyền, cổ động trực quan; xây dựng các khẩu hiệu, panô, áp phích tại các cửa ngõ đô thị, trục đường chính, khu hành chính, trung tâm văn hóa thể thao, khu đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học... Tuyên truyền qua hoạt động văn hóa - văn nghệ; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn trong Đảng và xã hội. Tuyên truyền trên Internet nhất là mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét