Đây là quan điểm được chuyên gia phân tích chính trị quốc tế người Nga Grigory Trofimchuk, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, đưa ra trong bài viết mang tiêu đề “Việt Nam: Thể chế xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người” được đăng tải trên Báo “Độc Lập”, chuyên trang phân tích chính trị, thời sự hàng đầu của Nga.
Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh một trong những khía cạnh khó khăn nhất của vấn đề nhân quyền là tôn giáo. Tại Việt Nam, một nhà nước xã hội chủ nghĩa, đời sống tôn giáo của người dân hoàn toàn cởi mở. Hiện 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí còn cao hơn ở Nga.
Ngoài ra, ở Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.
Nhiều loại hình tín ngưỡng, di tích, đồ thờ cúng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. Tác giả nhấn mạnh điều này có vẻ xa lạ đối với một nhà nước chủ nghĩa xã hội, nhưng đó là sự thật tại Việt Nam.
Đối với quyền tự do đi lại và cư trú, chuyên gia Grigory Trofimchuk cho biết, hàng triệu lượt người từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Việt Nam mỗi năm là bằng chứng rõ nhất cho quyền tự do này. Người nước ngoài có thể đến Việt Nam, làm việc, nghỉ ngơi mà không gặp bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, tất nhiên là trên cơ sở tuân thủ luật pháp sở tại.
Năm 2023, Việt Nam điều chỉnh Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, với nhiều điểm mới, thuận lợi hơn cho công dân và người nước ngoài, như cấp thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Hơn 90 điều ước quốc tế đã được ký kết, các hiệp định quốc tế về chế độ miễn thị thực cho công dân Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ, các hiệp định biên giới với các nước láng giềng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.
Chuyên gia Grigory Trofimchuk đánh giá cao sự đa dạng về loại hình và nội dung của các phương tiện truyền thông tại Việt Nam, với 1 hãng thông tấn quốc gia và 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 79 kênh phát thanh và 198 kênh truyền hình. Điều này chứng minh cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin của Việt Nam. Tác giả bài viết cũng đề cập tới quyền sống, quyền được tôn trọng nhân phẩm và sự toàn vẹn về thể chất trong những nỗ lực đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.
Kết thúc bài viết, tác giả Grigory Trofimchuk khẳng định, Việt Nam luôn công nhận các nguyên tắc và tiêu chuẩn cơ bản về quyền con người, đồng thời cũng sẵn sàng hoàn thiện vấn đề này thông qua việc thực hiện các khuyến nghị quốc tế hợp lý. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng, việc nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, trong đó có các chỉ số kinh tế cao, không thể tách rời việc cải thiện đời sống của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét