Chiến thắng Điện Biên Phủ qua dư luận quốc tế
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Chiến thắng lịch sử đó không chỉ có ý nghĩa trực tiếp quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, mà còn mang tầm thời đại và có ý nghĩa quốc tế to lớn. Tiến tới Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07.05.1954 - 07.05.2019), xin trân trọng giới thiệu đôi nét về dư luận quốc tế xung quanh Chiến thắng lịch sử này.
Ngày 08-5-1954, tức là chỉ sau một ngày Điện Biên Phủ thất thủ Báo Pa-ri Mát đã đăng tin: Điện Biên Phủ thất thủ đến Pa-ri “qua một bức điện ngắn ngủi ba dòng lan nhanh như vệt thuốc súng”. Thủ tướng Pháp La-ni-en vội chạy đến Buốc-đông (Quốc hội) để thông báo tình hình: “…ông La-ni-en nặng nề bước lên các bậc của diễn đàn, các nghị sĩ đứng dậy trong một sự im lặng nặng nề. Chỉ riêng các nghị sĩ cộng sản và ông Đờ Săm-broong là vẫn ngồi im. Ông La-ni-en bắt đầu bằng giọng đứt quãng: “Chính phủ… vừa được tin… tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ… đã thất thủ”. Ông nói chầm chậm như thể tai họa vừa ập xuống nước Pháp - “người ta nghe tiếng nói của La-ni-en như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó”. Thật không ngờ, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến nước Pháp như vậy! Thế lực hiếu chiến Pháp không tin điều đó và khi nó xảy ra họ không hiểu và không thể cắt nghĩa được tại sao lại như vậy. Báo Chiến đấu, của Pháp, trong số ra cùng ngày (08-5-1954) đã viết: “Trên toàn thế giới, việc thất thủ Điện Biên Phủ xuất hiện như một sự kiện hàng đầu trong những năm gần đây, khiến những đồng minh phương Tây buồn rầu, còn những nước cộng sản thì vui mừng”.
Đối với đế quốc Mỹ thì sao? Tin Điện Biên Phủ thất bại đã làm cho chính quyền Mỹ cũng choáng váng không khác chính quyền Pháp. Báo Pa-ri Mát, ra ngày 22-5-1954 đã mô tả: “cả phòng họp của Chính phủ đều im lặng…”; và rằng, “Đằng sau sự sụp đổ của Điện Biên Phủ có những dự đoán tối tăm và những giả thuyết còn khiến cho người ta nản lòng hơn là những sự thật phũ phàng nhất…”. Trước thất bại ở Điện Biên Phủ, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đưa ra những nhận định đầy mâu thuẫn. Một mặt, họ tỏ vẻ thái độ cứng cỏi khi đánh giá: “…sự thất thủ Điện Biên Phủ không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến tình hình quân sự ở Đông Dương…”; mặt khác, lại phân tích: “…Tuy nhiên, ở Lầu năm góc, người ta cho rằng sự tổn thất ở Điện Biên Phủ đã rơi trúng vào những đơn vị chiến đấu khá nhất và cơ động nhất, hơn nữa trận đánh lớn ở vùng rừng núi không hề làm giảm bớt sự uy hiếp đối với vùng sống còn ở đồng bằng…”. Rồi, họ phê phán các tướng lĩnh Pháp nào là “bạc nhược, sai lầm”, nào là “quá huênh hoang”; đồng thời, lại “…lo lắng rằng nếu xảy ra chiến đấu ở đồng bằng thì, với những nguyên tắc và phương pháp như thế, sẽ dẫn đến một sự thất bại còn thảm hại hơn Điện Biên Phủ…”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ gây chấn động lớn làm suy sụp ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, mà còn vang vọng khắp năm châu; cũng không chỉ in đậm dấu ấn ở thời điểm đó, mà đọng mãi với thời gian, qua các thế hệ. Vì thế, giáo sư cũng là ký giả Đại học Mỹ Béc-na Phôn (gốc Pháp) đã viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến tranh này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”.
Đồng cảm với và chia sẻ niềm hân hoan, tự hào với nhân dân Việt Nam, đồng chí Uy-li-am Phao-xtơ, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ đã viết trên Công nhân nhật báo, ngày 10-5-1954 như sau: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ,… Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đồng thời sự phát triển ở Đông Dương trong giai đoạn gần đây đã thúc đẩy và làm tăng cường phản kháng cái chính sách khống chế tàn bạo của Mỹ ở các nước tư bản khác,… Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới. Thắng lợi này là thắng lợi mà Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã giành được trong cuộc đấu tranh anh dũng để chống lại một kẻ địch được trang bị những vũ khí tối tân, ưu việt hơn. Đây lại một lần nữa chứng minh một cách hùng hồn rằng nhân dân thế giới sẽ không cho phép xiềng xích của phố Uôn quàng lên cổ họ”.
Báo Sao đỏ (Liên Xô), ra ngày 08-5-1954 cũng tỏ rõ sự vui mừng: “Việc giải phóng cứ điểm Điện Biên Phủ đã chứng tỏ lực lượng của QĐND Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình”. Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), ra ngày 09-5-1954, cũng hết sức đề cao sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chính nghĩa: “Cuộc chiến đấu của QĐND Việt Nam trong những điều kiện cam go đã đưa đến thắng lợi trên chiến trường Điện Biên Phủ. Nhân dân Việt Nam đã đạt được những thắng lợi vĩ đại và đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho toàn thế giới thấy rằng, nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có lực lượng nào khuất phục nổi”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm các bạn Lào và Cam-pu-chia - những người anh em chung một chiến hào - tỏ ra vô cùng vui mừng với chiến công vĩ đại đó. Đài phát thanh Pa-thét Lào, ngày 07-5-1964 khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của QĐND Việt Nam mà còn là thắng lợi chung của nhân dân các nước Đông Dương”. Báo Tin nhanh Cam-pu-chia, ra ngày 10-5-1964 nhấn mạnh: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi một trang mới trong lịch sử của nhân dân bị áp bức”. Và, ngày 07-5-1954, Thông tấn xã Triều Tiên bình luận: “Tất cả những người yêu chuộng chính nghĩa toàn thế giới đều vô cùng phấn khởi về thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam,… Thắng lợi của QĐND Việt Nam ở Điện Biên Phủ sẽ vĩnh viễn ghi lại trên những trang sử đấu tranh vẻ vang giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nó tỏ rõ lực lượng bất khả chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của bọn thực dân để bảo vệ tự do và độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam”.
Lực lượng vũ trang cách mạng Cu-ba do đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô lãnh đạo, trong những năm tháng đấu tranh đánh đổ bọn độc tài tay sai Mỹ Ba-ti-xta, cũng cảm thấy: “…những tiếng súng ở Môn-ca-đa và Điện Biên Phủ đã hòa nhịp với nhau”. Và rằng “…Điện Biên Phủ và Hi-rôn là những dòng chữ ghi trên mồ chủ nghĩa đế quốc”.
Báo Al Gum Gyrria (Ai Cập), ra ngày 08-5-1954 khẳng định và dự báo: “…Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất cả các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục các dân tộc hoặc phá hoại nền độc lập của họ,... Bất kể những nguyên nhân của sự thất bại Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ”.
Ông Giăng Báp-ti-xtơ Đê-en, trường đoàn đại biểu Tổng liên đoàn lao động Ghi-nê sang dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ hai (từ ngày 23 đến ngày 27-5-1961) đã viết những dòng sôi sục và thắm thiết về Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Điện Biên Phủ! Cái tên ấy kêu như một cái roi bi thảm đánh ngang tai bọn thực dân, nhưng lại thổi to ngọn lửa chiến đấu của những người đang cầm khí giới trong tay để chống lại sự áp bức. Điện Biên Phủ! Tiếng chuông đưa ma của chủ nghĩa đế quốc kéo liên hồi bởi một dân tộc khao khát muốn phục hồi địa vị và nhân phẩm của mình, đã mãi mãi trở thành một gương sáng cho các nước Á - Phi anh em đang sống trong vòng nô dịch. Điện Biên Phủ! Cái bóng ma đang làm cho bọn xâm lược chưa hết cơn run sợ, và cái bóng ma đó từ nay sẽ như lưỡi gươm Đa-mô-clét treo trên đầu chủ nghĩa đế quốc ở An-giê-ri, ở Ca-ma-run, Công-gô, Gu-an-đa, U-run-đi và ở Lào,...”.
Điểm qua dư luận quốc tế về Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy, tuy cách nói, viết khác nhau, nhưng có điểm chung là bạn bè quốc tế đều ca ngợi và tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, coi Chiến thắng đó là tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân cũ và là nguồn lực to lớn cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh cũng như hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét