XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
HỌC TẬP QUÁN TRIỆT THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh người cha kính yêu của dân
tộc Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế, người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới. Người đã
giành trọn đời cho mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Người đã để lại cho dân tộc ta một di sản tư tưởng hết sức to lớn và vô cùng
giá trị; trong đó tư tưởng về nhà nước pháp quyền có ý nghĩa sâu sắc cả về lý
luận và thực tiễn.
Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai
trò quan trọng của pháp luật trong điều hành và quản lý xã hội của Nhà nước. Để
có được những tư tưởng tiến bộ, đúng đắn về Nhà nước pháp quyền, Người đã trải
qua một quá trình nghiên cứu công phu cả về lý luận và thực tiễn, nhất là trong
các tác phẩn của các nhà kinh điển Mác – Lênin. Người đã buôn ba nhiều nơi,
nghiên cứu không ít mô hình nhà nước khác nhau trên thế giới, những di sản văn
hoá pháp luật của thế giới trong Tuyên
ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1789), Tuyên ngôn độc lập (1776) và Hiến pháp (1789) của nước Mỹ, các tác
phẩm về pháp luật của Mông-te-xki-ơ và Rút-xô, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung
Sơn, Người cũng đã trải qua việc tìm hiểu thực tiễn sinh động của các kiểu nhà
nước của Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc... và một số mô hình các nước trên thế giới.
Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu về khoa học pháp lý, tinh hoa văn hoá
pháp luật của nhân loại, kết hợp với nghiên cứu thực tiễn các kiểu nhà nước
trên thế giới, Hồ Chí Minh đã luận giải cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
mang lại hạnh phúc cho nhân dân ta, nhằm thiết lập và kiến tạo một nhà nước
công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, là cuộc đấu tranh “hợp lẽ tự nhiên” cả về
phương diện lý luận cũng như phương diện thực tiễn – lịch sử. Nó hướng theo và
tuân thủ những giá trị nhân bản mà loại người đã nhận thức được qua nhiều thế
kỷ tồn tại và phát triển. Người đã chỉ ra cái bản tính chung cơ bản nhất của
con người bằng cách dẫn ra những luận đề bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ
và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, đó là quyền được sống, quyền
được mưu cầu hạnh phúc của mọi dân tộc, mọi con người. Từ thực tiễn tình hình
đất nước ta, năm 1919 Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Véc-Xây Yêu sách của nhân
dân An Nam, có 4 trong 8 điểm của Yêu sách đề cập đến vấn đề pháp quyền, đặc
biệt ở điểm 7 có viết: “thay thế chế độ ra Sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo
luật”. Với tầm hiểu biết sâu sắc về nhà nước và pháp luật, Hồ Chí Minh đặc biệt
quan tâm xây dựng nhà nước hợp pháp, hợp hiến và đặt nền móng cho một Nhà nước
pháp quyền Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh một cách đậm nét tư tưởng lớn đó của
Người. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ
Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương “Thành lập chính quyền cách mạng” ở các căn
cứ thuộc địa và các khu giải phóng. Đầu tháng 8 năm 1945 dù tình thế rất khẩn
trương, Hồ Chí Minh kiên quyết triệu tập Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra “Uỷ
ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam”. Lần đầu tiên một tổ chức có tính chất tiền
Chính phủ được đại biểu của nhân dân bầu ra đảm bảo tính hợp pháp để lãnh đạo
nhân dân đấu tranh giành độc lập. Người chỉ rõ: “Uỷ ban Dân tộc Giải phóng cũng
như Chính phủ lâm thời của ta lúc này hãy đoàn kết xung quanh nó, làm cho chính
sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước”(1). Bởi thế cho
nên ngay từ khi giành được độc lập, Người tuyên bố: “Chúng tôi lâm thời Chính
phủ của nước Việt Nam mới đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn
quan hệ với thực dân Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký kết về nước
Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”(3).
Người cũng đi đến một kết luận quan trọng khẳng định cần phải có một lý luận
quan trọng làm thay đổi diện mạo dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân:
“Trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là
của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân
tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh
làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước, để thực
hành dân chủ chuyên chính”(6).
Ngay sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là nhà nước kiểu mới, trong đó
tất cả các quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân được quyền bầu ra các đại biểu
của mình theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ngay
sau ngày đọc tuyên ngôn độc lập tại quản trường Ba Đình lịch sử, đến ngày 03
tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước và
Chính phủ Việt Nam. Trong đó có nhiệm vụ thứ 3 là: “Phải có một hiến pháp dân
chủ”, và dù tình hình đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn Người vẫn đề
nghị Chính phủ tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Tư tưởng lập hiến là một trong những nét luôn nhất quán trong việc xây dựng Nhà
nước pháp quyền của Hồ Chí Minh. Sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng
hoà, ngày 29 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
đã ký sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Hồ Chí Minh
làm trưởng ban. Bản dự thảo Hiến pháp hoàn thành khẩn trương và nghiêm túc dưới
sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp lần thứ 2 của Quốc hội Khoá 1
vào tháng 10 năm 1946, Quốc hội đã thảo luận dân chủ và thông qua bản dự thảo
Hiến pháp. Trong phiên họp Quốc hội thông qua Hiến pháp, Hồ Chí Minh đã phát
biểu: “Hiến pháp, đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt
Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”. Và nhấn mạnh
rằng: “Chính phủ cố gắng làm đúng 3 chính sách: dân sinh, dân quyền, dân tộc”(4).
Điều đó được thể hiện ở các chế định phản ánh trong Hiến pháp 1946 và hoàn
thiện hơn nữa trong Hiến pháp 1959. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thần kỳ
của nhân dân ta do Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo đã gắn liền với cuộc đấu
tranh giai cấp, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, giành lại các quyền
tự do, dân chủ cơ bản cho mọi người, gắn mật thiết cách mạng giải phóng dân tộc
vì độc lập tự do với đấu tranh giai cấp xoá bỏ tình trạng người bóc lột người.
Hồ Chí Minh luôn gắn liền độc lập của dân tộc với tự do của con người, sớm phất
cao ngọn cờ bảo vệ nhân quyền chân chính, vì các quyền dân tộc cơ bản và quyền
cơ bản của con người, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khi miền Bắc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên xây dựng
chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước,
dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hồ Chí Minh, luật pháp được ban hành theo đà tiến
triển của đất nước về chính trị, xã hội, kinh tế: “Thay chế độ ra sắc lệnh bằng
chế độ ra đạo luật”(2), càng chứng minh Nhà nước ta là Nhà nước theo
xu hướng pháp quyền. Khi xây dựng các đạo luật, Hồ Chí Minh đều lấy điểm xuất
phát từ ý nguyện và lợi ích của nhân dân. Người vẫn coi luật là ý chí chung của
toàn dân, luật phải do nhân dân đóng góp ý kiến làm ra, mới đúng cái ý nghĩa là
luật. Trong Nhà nước pháp quyền người công dân phải hiểu rõ mình có những quyền
gì: quyền công dân, quyền sở hữu, quyền được bảo vệ... Chính việc ý thức được
các quyền này mà người dân phải có bổn phận và trách nhiệm đối với quốc gia.
Mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân được Hồ Chí Minh diễn
giải; “chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”(5).
Một nhà nước như vậy chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Quan liêu, hách
dịch, khinh thường dân là đi ngược lại với bản chất của Nhà nước đó. Vì thế,
trong Hiến pháp năm 1992, Điều 2 ghi rõ: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân và trong dự thảo xin ý kiến đóng góp
bổ sung Hiến pháp năm 1992 của Ban soạn thảo cũng nhất quán và đề cao vấn đề
này.
Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh
thể hiện rõ nét trong hoạt động của Chính phủ và của bản thân. Người nghiêm
khắc đòi hỏi bản thân mình và mọi tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải tuân
thủ pháp luật. Người nói: “pháp luật của ta là pháp luật thực sự dân chủ, vì nó
bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi của nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện
nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn
trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà
phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”(1). Người yêu cầu mọi
quy định và luật pháp đều phải vì dân, chính quyền từ Trung ương đến địa phương
phải thực sự trong sạch, bản thân Người là một tấm gương mẫu mực cho chúng ta
noi theo.
Tư duy chính trị sắc bén, Hồ Chí Minh luôn đánh giá đúng xu hướng phát
triển của tình hình, từ đó đề ra những quyết định rất sáng suốt, khôn khéo tạo
nên bước ngoặt cho cách mạng. Người là một nhà chính trị lỗi lạc, chèo lái con
thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những ghềnh thác nguy hiểm, quyết đoán khi
gặp thời cơ, vận hội, ra những quyết định lịch sự của cách. Cùng với nội dung
phong phú, sâu sắc trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về
Nhà nước pháp quyền thật là rộng lớn, sâu sắc nhưng lại rất bình dị và thiết
thực biết bao. Việc nghiên cứu tư tưởng và phương pháp của Người trên mọi lĩnh
vực xây dựng nhà nước và pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự
nghiệp xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân
và vì dân ở nước ta hiện nay. Giá trị tư tưởng thành quả vĩ đại đó là cơ sở
vững chắc để Đảng ta và nhân dân ta tiếp tục vững bước tiến lên xây dựng Nhà
nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh, phấn đấu vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh. dân chủ, công bằng văn minh./.
Cường Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét