MỘT
SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”,
“TỰ
CHUYỂN HÓA” TRONG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY
“Tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” là một trong những nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, Nhà
nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; là cách thức để các thế lực thù địch thực hiện
mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội. Vì vậy, nhận diện và phòng, chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về bản chất là một quá
trình suy thoái từ bên trong của lực lượng cách mạng; một mặt do tác động khách
quan như: mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; từ âm mưu, thủ đoạn
“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; mặt khác, là từ nguyên nhân chủ
quan do một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống. Trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Thực tiễn ở Liên
Xô và các nước XHCN Đông Âu những thập kỷ cuối thế kỷ XX cho thấy: nếu ban lãnh
đạo các đảng cộng sản không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giữ vững quyền
lãnh đạo xã hội; quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang kiên quyết bảo vệ đảng,
nhà nước và chế độ XHCN thì các thế lực thù địch không thể xóa bỏ được chế độ
XHCN. Đúng như V.I.Lê-nin đã căn dặn: không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ
chính những sai lầm của chúng ta. Do đó, cần phải thống nhất nhận thức: phòng,
chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực chất là phòng ngừa, triệt tiêu
nguyên nhân chủ quan dẫn đễn thoái hóa, biến chất là vấn đề có ý nghĩa quyết định.
Vì vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta nhận diện với những biểu
hiện cụ thể; đồng thời xác định: chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn
chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Trong Quân đội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tuy
chưa biểu hiện rõ nét, phạm vi không rộng, tính chất chưa nghiêm trọng, song nó
có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân
dân, tính dân tộc; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội. Nhận thức rõ điều
đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc
phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn tích cực, chủ động đấu tranh
phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”;
coi đó là một nội dung trọng tâm trong tổng thể các nội dung, biện pháp đấu
tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” gắn với xây dựng các tổ chức đảng trong
sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Trong tình hình mới, để đấu tranh, phòng chống có hiệu
quả với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong Quân đội, cần tiến
hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành
chính...; phát huy sức mạnh của mọi tổ chức, lực lượng, của từng cán bộ, đảng
viên và quần chúng. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản
sau:
Một
là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi mục tiêu cốt lõi của chiến lược “Diễn
biến hòa bình” cũng như hệ quả cuối cùng của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là
tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, phải thường xuyên giữ vững và
tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương đối với Quân đội; bảo đảm
cho Quân đội luôn tuyệt đối trung thành và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng trong
mọi tình huống. Vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay là phải củng cố, kiện toàn,
xây dựng hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội trong sạch,
vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; có năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu cao, đủ sức lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối,
chính sách quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, gắn xây dựng các
tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện;
giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo với chỉ huy, giữa tổ chức đảng với các
tổ chức trong đơn vị, giữa đảng viên với quần chúng, giữa cán bộ với chiến sĩ.
Xây dựng đơn vị thực sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là đoàn kết trong cấp ủy,
chỉ huy và chính ủy, chính trị viên các cấp.
Cùng với đó, phải quan tâm giáo dục, rèn luyện, quản
lý đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác
tốt, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần chú trọng
xây dựng bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch,
chiến lược. Công tác bố trí, sử dụng, đánh giá cán bộ phải bảo đảm dân chủ,
công tâm, khách quan, chính xác; tốt công tác chính sách, giải quyết triệt để,
thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng, tạo động lực để
họ phấn đấu và cống hiến. Đó là yếu tố quan trọng để triệt tiêu mầm mống của “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai
là, thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần
chúng. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả từ nhiều
nguyên nhân, song cốt lõi là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng thiếu
tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội,
thực dụng; quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân; ngại
khó, ngại khổ; vi phạm nguyên tắc, điều lệ Đảng, nói không đi đôi với làm,
thoái hóa, biến chất về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, cần chú
trọng giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm
của Đảng, chủ nghĩa yêu nước, nền tảng văn hóa Việt Nam, truyền thống Quân đội,
đơn vị...; từ đó, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lập trường tư
tưởng, bản lĩnh chính trị cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Đồng thời, phải
thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức, lối sống
trong sạch, lành mạnh; có tinh thần tự giác, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng;
không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực công tác, tận tụy, tâm huyết với công
việc, gắn bó với cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường
xuyên cập nhật tình hình, làm cơ sở để giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ âm
mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, nhất là các hoạt
động chống phá trên không gian mạng. Qua đó, nâng cao khả năng “miễn dịch” cũng
như trình độ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ,
chiến sĩ.
Mặt khác, cần quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất,
tinh thần cho bộ đội; xây dựng môi trường văn hóa phong phú, tốt đẹp, lành mạnh
để Quân đội trở thành nơi nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất tốt đẹp cho mọi quân
nhân. Từ đó, tăng cường sức đề kháng, tạo “màng lọc” ngăn chặn văn hóa phản động
xâm nhập vào Quân đội. Đó là cơ sở để ngăn ngừa tác động từ bên ngoài, làm vô
hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ của các thế lực thù địch.
Ba
là, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu,
tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực trong Quân đội.
Các yếu tố đó chính là kẻ thù hết sức nguy hiểm, phá hoại từ trong nội bộ, làm
suy yếu sức mạnh của tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” càng trở nên phức tạp. Để thực hiện tốt nội dung này, các cấp ủy
đảng trong Quân đội cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương,
quyết tâm và “khí thế” của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực
hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, không nể
nang, né tránh”, từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt tự phê bình và phê
bình; nhận diện và đánh giá đúng mức độ nguy hại của suy thoái, biến chất đối với
cán bộ, đảng viên, quân nhân; cần chỉ rõ ở cơ quan, đơn vị mình có chủ nghĩa cá
nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, các tiêu cực khác và có những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hay không? Nếu có thì đó là ai, phạm
vi, tính chất, mức độ như thế nào? Trên cơ sở đó, xác định biện pháp khắc phục,
giáo dục, rèn luyện, xử lý nghiêm minh, triệt để, không bao che, dung túng; tránh
tình trạng đánh giá chung chung, hình thức; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”.
Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ trong các cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng
viên phải thực sự được bàn bạc, tham gia giám sát mọi mặt hoạt động của đơn vị
thông qua các tổ chức đảng, chính quyền, quần chúng.
Xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin tiêu cực,
sai trái trong các cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt vai trò nêu gương của cán bộ,
đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì theo Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương
(khóa XII), Quy định số 101của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ
chốt các cấp ”. Tăng
cường kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng trong chấp hành Cương lĩnh, Điều
lệ Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định
của Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm đảng viên, tổ chức đảng vi phạm. Thực hiện có
hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy
lùi các hiện tượng tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.
Bốn
là, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chống quan điểm sai
trái, thù địch. Đây là mặt trận nóng bỏng, gay go, quyết
liệt hiện nay, bởi các thế lực thù địch luôn coi mặt trận này là đòn bẩy nhằm
thúc đẩy nhanh hơn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Để đấu
tranh có hiệu quả, trước hết, cần chú trọng thực hiện tốt hơn nữa công tác đào
tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận trong Quân đội, bảo đảm lực
lượng này có đủ phẩm chất, năng lực, nhạy bén, sắc sảo để có thể theo kịp sự vận
động, phát triển của thực tiễn và đấu tranh với những thủ đoạn ngày càng tinh
vi, xảo quyệt của kẻ thù. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải
hướng trọng tâm vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến
sĩ đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch. Thường
xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao cảnh giác cho bộ bội trước những âm mưu, thủ
đoạn của kẻ thù; đặc biệt là các chiêu trò sử dụng internet, mạng xã hội để
tuyên truyền, kích động, hòng làm lung lạc nhận thức và ý chí của cán bộ, đảng
viên, chiến sĩ. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công
tác định hướng, quản lý tư tưởng trong cơ quan, đơn vị trước những vấn đề nhạy
cảm, được dư luận xã hội quan tâm.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức đấu tranh rộng
rãi trên mọi phương tiện, với mọi lực lượng, bằng nhiều
hình thức, biện pháp; trong đó, cần quan tâm bồi dưỡng lực lượng nòng cốt,
chuyên sâu có tinh thần trách nhiệm cao, năng lực, trình độ lý luận và dũng khí
đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù trong mọi tình huống. Đồng thời, bảo đảm
tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ; xây dựng cơ chế cung cấp thông
tin nhanh, nhạy, kịp thời cho các lực lượng nhằm động viên, khuyến khích đông đảo
quân nhân tham gia, hình thành thế trận đấu tranh rộng khắp, nhiều tầng, nhiều
lớp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm thất bại âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.
Nhận
diện và có giải pháp đấu tranh ngăn chăn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu biện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ là yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, chiến
sĩ hiện nay. Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần xây dựng Quân đội vững
mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa
bình” của các thế lực thù địch; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội
chủ nghĩa.
MĐT
MĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét