Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019


LÝ LUẬN ĐI ĐÔI VỚI THỰC TIỄN
HỌC TẬP THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


Khi nghiên cứu về vai trò của lý luận và thực tiễn trong cải tạo và xây dựng xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định, lý luận là những kinh nghiệm đã được tổng kết đúc rút từ thực tiễn và khái quát hoá trong ý thức con người, lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Thực tiễn là nguồn gốc, động lực của nhận thức, là tiêu chuẩn của chân lý. Lý luận và nhận thức là hai mặt của quá trình nhận thức và cải tạo tự nhiên, xã hội và bản thân con người. V.I Lênin, người đặt nền móng cho nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước Nga đã đặc biệt quan tâm đến nguyên lý kết hợp giáo dục với lao động sản xuất và đấu tranh cách mạng, Người nói: “Người ta không thể hình dung được xã hội lý tưởng tương lai mà trong đó nền giáo dục lại sẽ không kết hợp với lao động sản xuất hoặc lao động sản xuất không có sự giảng dạy và giáo dục thích hợp”.
Kế thừa tư tưởng về kết hợp giáo dục với lao động sản xuất và đấu tranh cách mạng trong chỉ đạo xây dựng nền giáo dục ở Việt Nam đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều tới vấn đề giáo dục “Học đi đôi với hành, lý luận gắn với gia đình và xã hội”. Trong lần nói chuyện với cán bộ, học sinh Trường Chu Văn An – Hà Nội, Người đã nhấn mạnh: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường học đi đôi với lao động, lý luận đi đôi với thực tiễn”.
Bác Hồ là người Thầy vĩ đại, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng Quân đội về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề giáo dục cán bộ, chiến sĩ. Khi bàn về vấn đề huấn luyện quân nhân, các nội dung huấn luyện đã toát lên tư tưởng của Người về huấn luyện phải bảo đảm tính toàn diện, tính thiết thực và tính hệ thống. Tính toàn diện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bao hàm cả chính trị, văn hoá, lý luận và nghề nghiệp, Người khái quát: “Quân nhân phải biết võ, biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ biết văn mới là quân nhân hoàn toàn”.
Đối với công tác huấn luyện bộ đội, Người đặc biệt nhấn mạnh huấn luyện phải thiết thực, nội dung huấn luyện phải gắn với hoạt động thực tiễn của bộ đội. Trong bài “Nói về công tác huấn luyện và học tập”, Người đặt vấn đề thiết thực lên hàng đầu. Người đưa ra và tự trả lời cho các câu hỏi: “Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện gì? Huấn luyện như thế nào? Tài liệu huấn luyện ở đâu?”.
Theo tư tưởng của Người, tính thiết thực phải xuyên suốt trong tất cả các khâu của quá trình huấn luện. Từ việc xác định mục đích, vai trò đến cấu trúc chương trình, lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức huấn luyện.
Nội dung thiết thực có ý nghĩa là trong huấn luyện phải lựa chọn những nội dung ngắn gọn, đầy đủ sát với thực tiễn chiến đấu của Quân đội ta – phải thực sự cần thiết, sát thực, không thiếu, không thừa theo chức trách, nhiệm vụ mà người quân nhân đảm nhiệm, sau khi học tập người học có thể áp dụng, thực hành được ngay. Người nói: “Những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích”.
Đối với huấn luyện quân sự, nghiệp vụ, nhất là trong điều kiện có chiến tranh hoặc trong những điều kiện hoạt động nghiệp vụ có tính chất khó khăn, phức tạp, thì yêu cầu tính thiết thực trong huấn luyện càng phải nghiêm ngặt hơn. Người phê phán mọi biểu hiển của việc huấn luyện thiếu thiết thực như: “Dạy chính trị thì mênh mông, học rồi không dùng được”, Người chỉ ra phải chống các bệnh “chủ quan, hẹp hòi, ba hoa” trong huấn luyện đó là chứng bệnh huấn luyện không thiết thực.
Về con đường và cách thức huấn luyện, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn hoạt động quân sự. Huấn luyện không được tách rời công tác và chiến đấu của quân nhân. Người nói: “Học tập thì theo nguyên tắc kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”. Người phê phán mọi biểu hiện tách rời giữa lý luận với thực tiễn: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông, thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay mù quáng”(5). Người chỉ ra cách thức kết hợp lý luận với thực tiễn là: “Phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận gắn với thực tiễn được biểu hiện trên hai mặt, cụ thể:
Một là, phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới. Nghĩa là trong huấn luyện phải nghiên cứu học tập những kinh nghiệm trong lịch sử, những kiến thức đã được đúc kết thành lý luận để vận dụng thực hành trên cương vị công tác của mình. Người nói: “Đọc chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”. Đề cao những kiến thức, kinh nghiệm lịch sử, nhưng Người đòi hỏi phải áp dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo vào hoàn cảnh mới. Tránh giáo điều sách vở, máy móc. Khi nói chuyện tại Trường Trần Quốc Tuấn (Trường sĩ quan Lục quân I ngày nay) ngày 05 tháng 4 năm 1958, Người nhắc nhở: “Khoá học này sắp kết thúc, các cháu sắp đi nhận công tác mới, các cháu cần mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã học được, nhưng cần phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta, chớ giáo điều, chớ máy móc.
Hai là, phải đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho dồi dào thêm. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tổng kết hoạt động thực tiễn, rút kinh nghiệm tìm ra mạnh, yếu. Thông qua đó đẩy cái tốt, cái mạnh, cái đã làm được lên một bước mới; đồng thời, uốn nắn, sửa đổi cái xấu, cái chưa làm được, Người chỉ rõ: “Mỗi chiến dịch có nhiều kinh nghiệm tốt, xấu đều có, cần phải tổng kết, phổ biến và học tập”. Thông qua thực tiễn hoạt động chiến đấu và công tác mà rút ra kinh nghiệm quân sự đã được tổng kết.
Như vậy, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, lý luận gắn với thực tiễn nghĩa là “Trong lúc học tập lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, lúc học rồi họ có thể tự tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo”. Với cách huấn luyện như vậy sẽ làm cho người học luôn có óc sáng tạo và có khả năng ứng dụng, đồng thời làm cho lý luận luôn được bổ sung phát triển theo sát với sự vận động của thực tiễn. Lý luận không bị chết cứng, không bị lạc hậu so với sự phát triển của thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở chúng ta phải gắn chặt lý luận với thực tiễn. Trong nhiều bài nói, bài viết hoặc trong thực tiễn chỉ đạo công tác huấn luyện của Người, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều lời huấn thị, chỉ đạo, yêu cầu về huấn luyện phải đảm bảo tính thiết thực bám sát thực tiễn... Trong bài “Nói về công tác huấn luyện và học tập”, khi trả lời câu hỏi: “Huấn luyện như thế nào”, Người chỉ ra có 5 cách như sau:  Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều;  Huấn luyện từ dưới lên trên; Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế; Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu; Huấn luyện phải chú trọng cải tạo tư tưởng.
Do đó, huấn luyện thiết thực, gắn lý luận với thực tế đã trở thành một trong những vấn đề có tính nguyên tắc trong huấn luyện của Quân đội ta nói chung và của Học viện Quốc phòng nói riêng. Xác định rõ sự cần thiết phải tiến hành huấn luyện trong mối liên hệ chặt chẽ với thực tiễn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thực tiễn hoạt động quân sự của từng loại hình đơn vị, cần học tập theo tư tưởng của Người.
Cường Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét