Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019


ĐỔI MỚI, NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO HAY CÁ NHÂN CHỦ NGHĨA
Trước xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, yêu cầu mới mà cuộc sống hôm nay đặt ra, đổi mới, năng động sáng tạo có ý nghĩa như một tất yếu, một động lực cho sự phát triển, tiến bộ của từng tổ chức và cá nhân. 
Đổi mới, năng động sáng tạo đúng đắn đã làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng trở nên tràn đầy sức sống. Sự đổi mới, năng động của đất nước bao giờ cũng khởi đầu từ mỗi tổ chức, mỗi con người. Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Cần phải xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự công hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, một chính phủ thân thiện. Những năm gần đây, trong vô vàn các thử thách, khó khăn song đã có biết bao tập thể, cá nhân, hoạt động trong mọi lĩnh vực đã dám nghĩ, dám làm, có cách nghĩ đúng, việc làm hay để tạo ra những giá trị lành mạnh, to lớn, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của tổ chức và mỗi cá nhân. Những kết quả mà đất nước ta đã đạt được, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững hoà bình, ổn định đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế trong những năm vừa qua, nhất là ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là điều không thể chối bỏ. Song bên cạnh những cái đúng, cái hay về đổi mới, năng động, sáng tạo cũng còn không ít cách nghĩ, việc làm sai lệch. Một số tổ chức, cá nhân trong trào lưu đổi mới và năng động, sáng tạo đã đơn giản cho rằng: lợi ích kinh tế mới thực là cái gốc của mọi vấn đề nên bằng mọi cách phải biết cách làm giàu “làm giàu bằng mọi giá”, quên đi cả chức năng, nhiệm vụ chính của mình và không cần phải tính là làm giàu bằng cách gì? Họ đua nhau “đổi mới, năng động, sáng tạo” để có được nhiều “thành tích”, được dồi dào ngân sách, kinh phí từ nguồn ngoài luồng để chia nhau làm giàu cho cá nhân trên lưng người lao động, từ nguồn ngân sách Nhà nước, hoặc đem biếu xén chạy chọt để được để mắt tới trong “cất nhắc”, đề bạt, để có suất đất, suất nhà hơn tiêu chuẩn đáng được hưởng... đã có biết bao cách thức, biện pháp mới được vận dụng, làm phức tạp hơn nhiều “mối quan hệ nhằng nhịt” vốn có trong đời sống xã hội. Xa hơn nữa là còn cả những thủ đoạn bòn rút ngân sách Nhà nước, thậm chí làm ngơ, tiếp tay cho tội phạm để làm những việc phi pháp. Đối với một bộ phận, hay cá nhân nào đó, sự “đổi mới, năng động, sáng tạo” như trên có thể chỉ mang lại những cái lợi cụ thể, nhất định (đành rằng không chính đáng), song trong tổng thể của tổ chức và lợi ích quốc gia - dân tộc thì sự “đổi mới, năng động sáng tạo” đó đã gây ra những tác hại không lường hết. Bài học nhãn tiền từ thực tế đã cho thấy có không ít người (kể cả cán bộ cao cấp - người đã có quá trình phấn đấu, cống hiến dày dạn), bước vào thời đoạn mới vẫn bị gục ngã bởi những phủ dụ, lôi kéo từ những điều mang nặng toan tính vụ lợi cá nhân, những cám dỗ, vật chất, quyền lực được khoác dưới cái vỏ “đổi mới, năng động, sáng tạo”. Họ bị mờ mắt trước “những lợi ích vật chất tầm thường”, sa vào tội lỗi, bị pháp luật trừng trị, xã hội lên án, đồng thời uy tín của tổ chức một phần cũng vì họ mà suy giảm trong quần chúng... Suy cho cùng đó chính là họ đã xuất phát từ quan điểm cá nhân chủ nghĩa để “đổi mới tư duy và phát huy tính năng động, sáng tạo”. Những sa ngã bởi những việc làm trên phần lớn trách nhiệm là thuộc về sự phấn đấu, tu dưỡng từ mỗi cá nhân, song vai trò của tập thể, của tổ chức nơi cá nhân đó đang làm việc, sinh hoạt là hết sức cần thiết, quan trọng. Điều đáng tiếc là bên cạnh hầu hết các tổ chức, cá nhân đã chủ động, tích cực tham gia ngăn ngừa, đấu tranh, khắc phục tình trạng trên, vẫn còn sự dửng dưng, thậm chí dung túng cho những biểu hiện ấy. Một cách vô tình hay hữu ý, một số người còn biểu hiện sự đồng tình, hay “cảm phục” về những cách nghĩ, lối sống “sinh lợi nhiều” ấy. Họ cố lờ đi rằng những biểu hiện sai lệch trên là đi ngược lại với chiều hướng phát triển của xã hội, trái với đạo lý cộng đồng cũng như bản chất cần có của tổ chức và của người đảng viên, cán bộ.
Đổi mới để phát triển, xong đổi mới phải năng động, sáng tạo, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, đổi mới phải đúng tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân; chứ không phải “đổi mới bằng mọi giá”. Hơn 30 năm đổi mới, đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta kiên quyết không để “con sâu” làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét