Chiều
3-10, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời phóng viên về việc đề
nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Liêm chính tài chính
toàn cầu ra báo cáo cho rằng Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về rửa
tiền, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Những
thông tin về Việt Nam do Tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu đưa ra là không
chính xác, không phản ánh đúng thực tế cũng như quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ
Việt Nam trong việc phòng, chống rửa tiền. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ
những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, xây
dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, vận dụng chuẩn mực quốc tế, thực hiện
nghiêm túc các khuyến nghị và các cam kết quốc tế để ngăn chặn hành vi này”.
Nêu dẫn
chứng Việt Nam đã có đầy đủ khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền trong Bộ
luật Hình sự, Luật Phòng, Chống rửa tiền, Kế hoạch hành động giải quyết những
rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, đẩy mạnh hợp tác quốc tế
về phòng, chống tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia như tham gia thành viên của
Nhóm châu Á- Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố
(APG) và là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont),
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Nỗ lực và kết quả
trong phòng, chống rửa tiền của Chính phủ Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế,
trong đó có APG ghi nhận và đánh giá cao".
* Về
nhóm tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt
Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc.
Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ
nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi
phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp
của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép".
Trả lời
câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với phát biểu ngày 18-9 của Người Phát
ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị
Thu Hằng nêu rõ: "Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ
trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12-9-2019. Khu
vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của
đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác
định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn
toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có
bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công
ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua
đã khẳng định rõ điều này".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét