Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

THÓI “NỊNH BỢ” TRONG CÔNG SỞ


Trong mối quan hệ giữa con người với con người sự chuẩn mực trong giao tiếp rất quan trọng, nó không những giúp làm đẹp “văn hóa công vụ” mà còn thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hành vi ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với nhau, chính là biểu hiện nhân cách của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong thực tế không phải mối quan hệ nào cũng có cách ứng xử văn hóa, mà từ xưa đến nay còn tồn tại thói “nịnh bợ” trong nhiều mối quan hệ và đôi khi nó trở thành lố bịch.

Tâm lý con người, ai cũng muốn được người khác biểu dương, khen ngợi khi đạt được tiến bộ hay một thành tích nào đó. Đó là điều bình thường, là chuẩn mực giúp người được khen tiếp tục phát huy khả năng của mình. Như chúng ta đã biết, “nịnh” khác với “khen”. Đều cùng mục tiêu tán dương hành động hay suy nghĩ của người được khen, nhưng khi người thật tâm khen với sự ngưỡng mộ, tôn vinh, tôn trọng thì có ý nghĩa rất lớn. Trong khi đó, người có hành vi “nịnh”, không những không tôn trọng chính người được khen mà “khen” luôn thể hiện ở dạng tâng bốc, nói sai sự thật điều đó chẳng những không tốt mà còn rất nguy hiểm đến người được khen hay tập thể, đơn vị có người “nịnh bợ”. Trong lịch sử Việt Nam có không ít những bậc quân tử “khí độ bất phàm như hoa sen tinh khiết” cũng đã thẳng thắn đối đầu với bọn xu nịnh.   
Ngôn ngữ “nịnh” trong tiếng Việt vô cùng phong phú và con người cũng có nhiều cách để thể hiện sự nịnh nọt nhằm mục đích cầu lợi cá nhân. Mặc dù là một thói xấu nhưng nó đã được hình thành như một thói quen, một yếu tố thuộc về văn hóa truyền thống trong xã hội phong kiến trước đây. Đáng lẽ, trong xã hội hiện đại ngày nay, mối quan hệ con người với con người, đồng chí với đồng chí, đồng đội là nhân ái, thân tình thì thói xấu này phải dần mất đi, dần bị loại bỏ. Thế nhưng, xã hội càng phát triển thì những biểu hiện, hành vi “xu nịnh” lại càng biến tướng dưới muôn hình vạn vẻ và có xu hướng lan rộng. Thói xu nịnh thực chất là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu ra. Cũng như trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ” .
Trong điều kiện ngày nay, muốn phòng, chống, đẩy lùi biểu hiện hành vi “nịnh bợ” cần phải:
- Tăng cường giáo dục nâng cao vai trò, trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ đảng viên.
- Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, đức độ và tài năng thực của mình để người khác tôn trọng, vị nể một cách thực chất, chứ không phải phô trương thành tích.
- Từng cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức sâu sắc và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, chứ không được thu vén cho bản thân cả về lợi ích vật chất lẫn lợi ích tinh thần. Phải có lòng tự tôn đúng mực, cán bộ, đảng viên luôn tự cảm nhận, đánh giá đúng mình để phát huy ưu điểm, mặt mạnh của cá nhân và từng bước hạn chế, khắc phục những nhược điểm của bản thân để không ngừng hoàn thiện giá trị nhân cách, qua đó luôn tự tin với chính mình.
- Để triệt tiêu được thói xu nịnh trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị đòi hỏi mọi người cần chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ, ứng xử với nhau trên tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội.
- Bên cạnh đó, các cơ quan báo, đài cần tích cực lên tiếng, đẩy mạnh tuyên truyền việc đấu tranh đẩy lùi, loại trừ thói nịnh bợ trong công sở.
Như vậy, để phòng, chống căn bệnh “nịnh bợ” cần tạo môi trường dân chủ, nhân văn, tôn trọng lẫn nhau coi đó là nét đẹp văn hóa, từ đó họ không còn phải dùng chiêu trò “xu nịnh” để tiến thân nữa. Triệt tiêu thói “nịnh bợ” là việc khó, nhưng cần phải ngăn ngừa, hạn chế để góp phần làm lành mạnh văn hóa, đạo đức công vụ. Một khi văn hóa công vụ xem trọng việc chuyên môn nghiệp vụ, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tránh cảm tính thì những kẻ cơ hội, thực dụng sẽ khó có “đất” để tồn tại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét