Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

ỨNG XỬ VỚI DI SẢN - NHÌN TỪ MÃ PÌ LÈNG


Vụ việc công trình kiến trúc không phép gây tác động xấu đến cảnh quan danh thắng đèo Mã Pì Lèng tiếp tục để lại một bài học cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý di sản cũng như người dân về kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản.
Xa hơn nữa, đó là cách ứng xử với góp ý của những người muốn thể hiện sự quan tâm, trân trọng của mình đối với các di sản.
Nói về di sản, nhiều nước phải nhìn chúng ta với "ánh mắt ghen tị” bởi hệ thống di sản, bao gồm cả di sản thiên nhiên, di sản tư liệu và nhất là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam vừa nhiều vừa rất phong phú, đa dạng. Nhiều năm qua, Việt Nam đã biết cách nâng tầm những di sản văn hóa trở thành độc đáo, hiếm có, xứng đáng là di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Ngành du lịch cũng như cả nền kinh tế của Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ hệ thống di sản. Bằng chứng là số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng nhanh, nhưng từ đó cũng kéo theo những áp lực, “quá tải” trong không gian di sản.
vinh dự nhiều thì trách nhiệm cũng lớn. Cái đáng lo hiện nay không phải là cơ sở vật chất, hậu cần, dịch vụ để hưởng lợi từ du lịch mà là ý thức, cách đối xử của người dân đối với các di sản. Việt Nam hiện có 27 di sản thế giới được UNESCO công nhận (3 di sản thiên nhiên, 5 di sản ký ức, 1 di sản hỗn hợp, 18 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Cao nguyên đá Đồng Văn là di sản thiên nhiên, cùng với Phong Nha-Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long). Điều đáng tiếc là trong những năm qua, Việt Nam đã nhiều lần bị UNESCO lên tiếng cảnh bảo, khuyến nghị vì những nguy cơ làm giảm giá trị của di sản thế giới, trong đó có nhiều nguy cơ có thể làm mất danh hiệu di sản thế giới mà UNESCO từng công nhận. Điều này cho thấy mỗi khi lơ là trách nhiệm bảo vệ là khi ấy các di sản có nguy cơ bị xâm hại.
Những xâm hại với di sản, danh thắng thời gian qua được phát hiện bởi người dân đã cho thấy vai trò làm chủ của nhân dân đối với các di sản của đất nước. Thật vậy, vì di sản được người dân trân trọng, yêu mến nên đã không ngại bày tỏ cảm xúc, ý kiến nhằm giữ gìn, bảo vệ. Nhưng mọi cảm xúc, sự thể hiện cũng cần được chọn lọc để phù hợp với văn hóa, hoàn cảnh của cộng đồng dân cư sở hữu di sản đó. Bởi thế, khi nêu ý kiến cũng nên thể hiện sự hiểu biết, sự tôn trọng của mình đối với cộng đồng sở hữu di sản.
Ở chiều ngược lại, mỗi cộng đồng là chủ thể sáng tạo, hoặc chủ nhân của một di sản cụ thể nào đấy cũng cần tiếp thu những ý kiến đúng, những phê bình chính xác. Đó cũng là cách thể hiện lối ứng xử đẹp của cộng đồng mình đối với niềm trân trọng, quý mến của cộng đồng khác, dân tộc khác với các di sản mà mình đang sở hữu. Việc điều chỉnh những nghi lễ nặng tính bạo lực, gây phản cảm trong lễ hội ở một số địa phương đã cho thấy cách ứng xử đẹp. Nhìn vào sự việc ở đèo Mã Pì Lèng, những di sản thiên nhiên vốn là tài nguyên của đất nước cũng cần toàn xã hội chung tay gìn giữ. Cần lắm những ý kiến đóng góp, sự giám sát của cộng đồng và xã hội đối với những di sản-tài sản quý báu này.
Chính quyền địa phương ngoài trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin để người dân phát huy vai trò làm chủ đối với các di sản, còn cần phải biết chọn lọc, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía. Đối với những di sản thiên nhiên mang tính toàn cầu như “Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” thì việc tiếp thu ý kiến, xử lý sai phạm của chính quyền địa phương không chỉ thể hiện lối ứng xử văn hóa với di sản mà còn là biểu đạt mang tính thể diện quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét