Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

CẦN LOẠI BỎ NHỮNG KẺ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ


Trong phiên họp của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lêch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị”. Tổng Bí thư cho rằng: Những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là rất đúng. Khi chui luồn vào đội ngũ lãnh đạo, họ luôn giả dạng bằng lời nói, biểu hiện, đôi khi còn thể hiện bản thân rất vững vàng về lập trường, thông hiểu lý luận... nhưng động cơ sâu thẳm của họ là không vì những lý tưởng đó mà họ chỉ giành lấy quyền lực mà thôi. Sau khi có vị trí, có quyền lực thì họ thực thi mục tiêu rất cá nhân của họ. Còn theo GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt NamPhần tử cơ hội chính trị là họ tìm mọi cách để xâm nhập vào bộ máy quyền lực, tìm mọi cách để có quyền. Từ vị trí đó, họ dùng quyền lực để thực hiện mục đích cá nhân của họ”.

Chúng ta thường thấy, những kẻ cơ hội thường bất chấp mọi thủ đoạn nhằm tận dụng thời cơ, điều kiện may mắn để vụ lợi cá nhân hoặc cho phe nhóm mình. Họ chỉ chú trọng lợi ích trước mắt và bất chấp hoặc không quan tâm đến lợi ích lâu dài về sau. Đôi khi, để đạt được mục đích cá nhân, kẻ cơ hội sẵn sàng tìm mọi cách luồn lách, len lỏi, triệt để lợi dụng sự sơ hở của cơ chế, chính sách, sự yếu kém trong công tác quản lý để đục khoét của công. Những kẻ cơ hội chính trị không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc cơ bản trong đường lối của Đảng. Con người của kẻ cơ hội lúc ngả theo bên này, khi ngả bên kia, cốt sao có lợi cho mình và phe cánh. Thường những lúc cách mạng gặp khó khăn, hoặc chuyển giai đoạn là lúc kẻ cơ hội sẽ lộ rõ nguyên hình của nó. Những kẻ cơ hội chính trị thường hành xử theo lối “phò thịnh, không phò suy”. Khi cấp trên gần hết nhiệm kỳ, sắp sửa về hưu, hoặc khi kẻ cơ hội tìm được chỗ dựa vững chắc hơn ở cấp trên cao hơn của cấp trên, thì họ sẽ dần xa lánh, thậm chí còn “phản kích” cấp trên mà một thời họ đã hết lòng “phụng sự”. Tệ hại hơn, khi họ “đánh mùi” biết cấp trên đang bất bình một người nào đó, họ lập tức có chiêu vu cáo, hãm hại, lật đổ người đó để “tâng công” với cấp trên của họ. Kẻ cơ hội rất biết sử dụng đồng tiền để mua chuộc, che chắn tội lỗi và để “lót” đường quan lộ khi có thời cơ. Kẻ cơ hội thường “làm thì láo, báo cáo thì hay”, thổi phồng thành tích của bản thân, đơn vị, lừa dối cấp trên, trong khi đó, tình hình của đơn vị thì bê bối, kém hiệu quả. Trong công việc, kẻ cơ hội thường đùn đẩy cho người khác những việc “khó gặm”, không “chấm mút” được gì. Họ chỉ “tìm kiếm” những việc nhẹ nhàng, dễ “kiếm chác” và có “uy danh”... Khi có sai lầm, khuyết điểm, họ sẵn sàng “đánh bùn sang ao”, đổ lỗi cho người khác, cho cấp dưới; ngược lại khi có công lao, thành tích thì họ vơ tất cả vào mình. Trong cuộc sống, hay trong công việc những kẻ cơ hội thường hoạt ngôn, hoạt giao, thực dụng, xu thời và có nhiều cách ngụy trang khéo léo. Trong quan hệ xã hội, kẻ cơ hội thường hay “ba phải”, “dĩ hòa vi quý”, gió chiều nào che chiều ấy, ai mạnh thì theo, ai thất thế thì lánh, thậm chí hùa vào đả kích, dìm dập thậm tệ. Loại cán bộ đảng viên này có thể thờ ơ tình hình cơ sở nhưng mọi di biến động của cấp trên từ tình cảm, đời tư cho đến công tác tổ chức cán bộ thì lại rất quan tâm, nắm rất sát sao. Có thể nói những kẻ cơ hội chính trị là thứ giặc nội xâm, một loại vi khuẩn độc hại, một thứ ung nhọt ẩn náu trong cơ thể Đảng.
Vì vậy, cần sớm phát hiện những kẻ cơ hội chính trị; tăng cường đấu tranh đẩy lùi và khắc phục chủ nghĩa cơ hội dưới mọi biểu hiện của nó là vấn đề cấp thiết trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời phải sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ, với sự tham gia của mọi tổ chức, mọi lực lượng. Vì để những kẻ như thế chui vào hàng ngũ lãnh đạo, nắm quyền lực thì cái hại sẽ thể hiện trên rất nhiều mặt. Trước hết là sẽ không có cán bộ theo đúng nghĩa của nó phục vụ sự nghiệp chung, nhưng điều tệ hại hơn là làm mất uy tín của tổ chức, bị nhân dân nhìn nhận với con mắt khác cũng như làm giảm uy tín của Đảng. Đặc biệt, cần phải ngăn ngừa, không cho những phần tử cơ hội chính trị chui vào bộ máy của Đảng, chính quyền./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét