Trong
điều kiện xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội đã trở
thành một nhu cầu không thể thiếu của số đông người dùng mạng.
Tuy
nhiên, bên cạnh những lợi ích thấy rõ thì những năm gần đây, lợi dụng sự phát
triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng Internet, các thế lực
thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông
tin sai trái, thù địch, độc hại trên mạng xã hội với mức độ, tần suất ngày càng
tăng nhằm chống phá cách mạng nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội, đòi hỏi người
dùng mạng nói chung, mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sỹ nói riêng cần phải tỉnh
táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong ứng xử trên không gian mạng.
Tận dụng
tối đa những chức năng và lợi thế từ mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước đã quyết liệt chống phá Đảng và Nhà nước ta với nhiều hình thức,
mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nội dung chống phá, xuyên tạc của các
thế lực thù địch, phản động thông qua thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, từ
kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế đến pháp luật, quốc phòng,
an ninh, trật tự, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng
chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Vì vậy,
hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mỗi cán bộ, chiến
sỹ trong lực lượng vũ trang cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện
chức trách của mình; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận
đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, trong đấu tranh trên mạng
xã hội.
Mỗi cá
nhân cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội,
nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch,
xấu, độc của thế lực phản động.
Để làm
được điều đó, trước hết cần giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên
và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích và sự nguy hại
đến từ không gian mạng, đặc biệt là việc giáo dục các quy định của pháp luật về
quản lý không gian mạng. Phổ biến các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (mục
2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông;
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số
09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản
lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những
hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội.
Tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh mạng năm 2018, nhất là việc tuyên truyền
sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, đặc biệt các hành vi
sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, câu
kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà
nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, thông tin sai sự thật, xúi giục, lôi kéo, kích
động người khác phạm tội; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng
để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi. Bồi dưỡng kỹ năng nhận
diện các âm mưu, thủ đoạn trên mạng xã hội cho mỗi cán bộ đảng viên và quần
chúng nhân dân.
Bên cạnh
đó, mỗi người dân, tổ chức và các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,
nhà trường cần nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên,
quần chúng, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp
thời; có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, đảng viên
và quần chúng, có kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng nói
chung, hoạt động trên mạng xã hội nói riêng.
Sự phát triển của nền kinh
tế, xã hội nói chung, công nghệ thông tin và mạng xã hội nói riêng ngày càng đặt
ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi con người cần phải luôn học tập để có thể
thích ứng với sự biến đổi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta quên mất sự cảnh
giác đối với những thế lực lợi dụng sự phát triển để chống phá. Mạng xã hội
không xấu, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải phải tự xây dựng được cho mình bản
lĩnh tiếp nhận và vững vàng khi tham gia vào không gian ảo những cũng không ít
cạm bẫy này./.
Thu Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét