Ngày 25/12/2019, trang mạng "China*com" đăng bài viết của ông Lâm Dũng Tân, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Con đường tơ lụa trên biển thuộc Viện Nghiên cứu Hải Nam, Trung Quốc về tình hình Biển Đông năm 2019. Ông Lâm Dũng Tân đã xuyên tạc tình hình thực tế ở Biển Đông, vu cáo Việt Nam “gây ra tình hình căng thẳng” ở Biển Đông, đổ vấy cho Việt Nam “đơn phương triển khai hoạt động tác nghiệp khoan thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính từ tháng 5 đến tháng 10/2019, dẫn đến việc hai nước đối đầu trên biển”.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại tình hình thực tế ở Biển Đông trong năm 2019 để có cái nhìn khách quan về việc ai là kẻ gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Với tham vọng của mình, Trung Quốc đã gia tăng các hành động gây hấn với 3 nước láng giềng ven Biển Đông là Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Với Philippines, Trung Quốc đã cho một số lượng lớn tàu hải cảnh, tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa các tàu cá bao vây, đe dọa các hoạt động trên biển của Philippines; uy hiếp các hoạt động tàu cá của ngư dân Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough, thậm chí tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines rồi bỏ mặc các ngư dân Philippines trên biển và các ngư dân Việt Nam đã cứu sống họ hồi tháng 6/2019; nhiều lần Trung Quốc cho tàu khảo sát xâm nhập sâu vào vùng biển của Philippines, có lúc đi vào cả lãnh hải của Philippines.
Với Malaysia, Trung Quốc liên tiếp cho các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển quấy phá, ngăn cản các hoạt động dầu khí của Malaysia quanh khu vực bãi cạn Nam Luconia, trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia.
Với Việt Nam, trong vòng 113 ngày (từ 3/7 – 24/10) Trung Quốc liên tiếp cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm lấn ngày càng sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đồng thời đe dọa, uy hiếp hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam ở khu vực lô 06-1, gây ra tình hình căng thẳng nhất trên biển trong vòng 5 năm qua.
Ngoài ra Trung Quốc còn đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, tăng cường tập trận quân sự, tiến hành thử tên lửa đạn đạo….
Việc Trung Quốc gây ra những hành động trên Biển Đông đã bị các nước liên quan đấu tranh phản đối mạnh mẽ.
Cộng đồng quốc tế hết sức sáng suốt và công tâm, trong khi không có bất cứ một tiếng nói nào “phê phán” Việt Nam, Philipipine hay Malaysia mà họ chỉ lên án những hành động sai trái của Trung Quốc.
Ông Lâm Dũng Tân cho rằng “hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đã khiến tâm lý chủ nghĩa dân tộc ảnh hưởng, lan rộng ra nhiều lĩnh vực”. Trên thực tế, người dân Việt Nam luôn có tinh thần hòa hiếu, nhưng khi nào chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa thì người dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc. Chính những hành động xâm lấn, gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam gây phẫn nộ trong lòng người dân Việt Nam. Nếu Trung Quốc không có những hành động đó thì người dân Việt Nam luôn tỏ thái độ hữu nghị với Trung Quốc.
Nói về chủ nghĩa dân tộc ư? Chính Trung Quốc đang tuyên truyền bóp méo sự thật lịch sử cũng như diễn biến tình hình ở Biển Đông đã làm bùng lên chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Bài viết còn thể hiện sự lo ngại của Trung Quốc với việc Việt Nam là Chủ tịch của ASEAN trong năm 2020, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành một tâm điểm tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN. Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích của các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN nên tình hình Biển Đông luôn là mối quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực.
Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang, hung hăng mới ở Biển Đông thì chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ là một nội dung quan trọng được bàn thảo tại các hội nghị liên quan cho dù Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào là Chủ tịch ASEAN.
Ông Lâm Dũng Tân nhận định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường can dự vào Biển Đông. Mục tiêu của Mỹ là duy trì một trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, ngăn chặn sự leo thang bành trướng hòng khống chế, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chính những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân Mỹ có cớ tăng cường can dự vào Biển Đông.
Hy vọng, Trung Quốc có cái nhìn thực tế khách quan, không có những hành động hiếu chiến mới ở Biển Đông để tình hình Biển Đông được bình yên trong năm 2020./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét