KẾT CỤC BI THẢM CỦA CHIẾN LƯỢC TẬP KÍCH
BẰNG ĐƯỜNG KHÔNG- LINEBACKER II CỦA MỸ TRÊN BẦU TRỜI MIỀN BẮC CUỐI THÁNG
12/1972
Ngạo mạn và coi thường, chính
quyền Mỹ cho rằng, cùng với tàu ngầm nguyên tử, tên lửa vượt đại châu mang đầu
đạn hạt nhân và những loại vũ khí chiến lược như siêu pháo đài bay B52, có thể
ép được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Paris theo những
điều khoản có lợi cho Mỹ. Nhưng trái lại, chỉ sau ba ngày Mỹ mở cuộc tập kích
đường không chiến lược, đã có tới 12 máy bay B52 bị
bắn rơi. Và “nếu B52 cứ rơi với tốc độ này thì sau hai tuần lễ sẽ không còn máy
bay ở Đông Nam Á để chiến đấu nữa”. Điều dự kiến đó không phải là thiếu căn cứ.
Bởi trước đó bảy tháng, từ tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ
tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không - Không quân đã đặt vấn đề: “Tỷ
lệ B52 bị bắn rơi ở mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển? Mức độ nào thì Mỹ
không chịu nổi, phải thua?”. Sau mấy tuần lễ, câu trả lời đã được đưa ra: N1: Tỷ
lệ chịu đựng được là 1 - 2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2: Tỷ lệ Nhà
Trắng rung chuyển là 6 - 7%; N3: Tỷ lệ buộc Mỹ phải thua cuộc là trên 10%.
Quân chủng Phòng không - Không quân loại trừ N1, quyết tâm đạt
N2 và vươn tới N3. Không những thế, trên thực tế chiến trường, bộ đội ta còn
thực hiện vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, tỷ lệ B52
bị bắn rơi là 17,6% (34/147 chiếc, trong đó Hà Nội góp công 23 chiếc).
Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B52 của Mỹ
vào Hà Nội, Hải Phòng đã hoàn toàn bị đánh bại. Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất
kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến
thuật các loại.
Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng
lợi một chiến dịch phòng không - một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện
đại - đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch
phòng không độc nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Ta đã bắn rơi 81 máy
bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, giáng đòn quyết định vào cố
gắng cuối cùng - đồng thời là cố gắng cao nhất của Mỹ trong năm 1972, và cũng
là trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp
định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Với lý do thất bại nặng nề như vậy, đúng 7 giờ ngày 30-12-1972,
Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và
đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Paris, bàn việc ký kết Hiệp định./.
NTK.16.12.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét