Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã để lại một chân lý, một quy luật, một truyền thống là dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Bác Hồ kính yêu căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12) cũng là dịp biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của nhân dân ta bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc thiêng liêng.
Trong những tháng năm khói lửa của các cuộc chiến tranh đánh giặc cứu nước, một tập quán mới và tốt đẹp đã nảy nở và phát triển, trở thành sinh hoạt bình dị nhưng rất sâu nặng nghĩa tình, đó là những ngày hội quân - dân, xây đắp nên tình quân dân cá - nước. Mỗi chiến công, mỗi bước trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều gắn liền với sự tin yêu đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng của nhân dân. Nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh vô tận để quân đội luôn luôn vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Trung ương Ðảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/T.Ư lấy ngày 22-12, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam là Ngày hội quốc phòng toàn dân.
Ngày 22-12-1989, lần đầu Ngày hội quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22-12 đã thật sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cổ vũ, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, tiếp tục xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới. Ðó thật sự là Ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Ba mươi năm qua, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ngày hội quốc phòng toàn dân như: mít-tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân dân, giáo dục truyền thống, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; thăm các đơn vị quân đội; biểu diễn văn nghệ, đại hội thanh niên, thi đấu thể thao, hội thao quân sự... Có những biện pháp tổ chức chặt chẽ, phù hợp, hướng trọng tâm vào đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; tăng cường xây dựng, phát triển tiềm lực quốc phòng - an ninh qua các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tình hình thế giới còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nước ta đang đứng trước những vận hội, thời cơ lớn để tăng cường hội nhập, hợp tác và phát triển, nhất là khi đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); nhưng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn, thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Ngày hội quốc phòng toàn dân càng có ý nghĩa sâu sắc và có tầm quan trọng để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trên cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Ðại hội lần thứ XII của Ðảng, nắm vững quan điểm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, cần tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, quận, huyện; xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện phù hợp nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương, từng ngành theo hướng CNH, HÐH. Ðặc biệt, cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh; đồng thời, tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước về quốc phòng - an ninh đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như: Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Nông dân..., trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phù hợp điều kiện của đất nước và sự phát triển của nghệ thuật quân sự, quân đội cần luôn thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hiểu và thực hiện đúng đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai... Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, các ngành, các cấp làm tốt công tác vận động quần chúng trên từng địa bàn, tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét