Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Nhận diện các website mạo danh

Nhào nặn thông tin, trộn lẫn thật giả, “lập lờ đánh lận con đen” là những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt mà các thế lực thù địch, phản động đang tích cực sử dụng để tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt nhắm vào một bộ phận lớn cư dân mạng có trình độ hạn chế về công nghệ thông tin, công nghệ mạng, và nhận thức chính trị.
Chính vì vậy, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trang thông tin điện tử giả, mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động không chỉ lập các trang web mạo danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều các bộ, ban, ngành, tổ chức khác, mà chúng còn lập ra các trang thông tin điện tử mạo danh các cá nhân, nhân vật nổi tiếng… với các tên miền, tên cá nhân chấm “.com”, “.net”, “.org”, “.info” và “.biz”. Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) các trang tin điện tử của các nhân vật, tổ chức ở Việt Nam mà có các tên miền mở rộng, quốc tế này thường là mạo danh.
Mục đích của chúng là tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, vu khống để gây mất ổn định xã hội, làm suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, từ đó đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thủ đoạn chính mà chúng thường dùng là lợi dụng sự quan tâm nhưng lại lơ là, mất cảnh giác, ngộ nhận của người dùng mạng khi truy cập vào các trang thông tin điện tử của nhân vật nổi tiếng bị giả mạo, cung cấp những thông tin nhanh và đúng như các tờ báo chính thống tại Việt Nam về các hoạt động của các tổ chức, nhân vật nổi tiếng để tạo sự tin tưởng từ phía người đọc. Sau đó, chúng nhào nặn, trộn lẫn, cắt xén, thậm chí là bịa đặt ra những câu nói, phát ngôn, bình luận … của các nhân vật nổi tiếng thể hiện quan điểm hoài nghi, trái chiều, thậm chí là đi ngược lại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Cấu trúc của một trang thông tin điện tử chính thống được quy định tại các văn bản pháp luật. Cụ thể:
Theo Điều 28 Trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước (Luật Công nghệ thông tin ngày, 29.6.2006) và Điều 6 Tên miền truy cập cổng thông tin điện tử (Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13.6.2011) quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, các nguồn tin chính thống, đặc biệt là tin tức chính trị, luật pháp của Việt Nam được đăng, phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước với “nhận diện” là sử dụng tên miền “.vn”.
Theo quy định Pháp luật, báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. 
Vì vậy, chúng ta cần nhận diện rõ các website giả mạo, đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, để tránh tiếp nhận phải những thông tin xấu, độc, gây hại cho bản thân và mất ổn định xã hội. 
Chanh Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét