Đầu
nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, có cảm nhận việc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng (PCTN) ở cấp Trung ương cương quyết hơn, “nóng” hơn, còn các cấp dưới có
vẻ như “lạnh” hơn, chủ yếu là thụ động chờ các hành động của trên thì nay, tổ
chức đảng ở các địa phương cũng đã chủ động PCTN, tiêu cực trong hệ thống. Điều
này cho thấy, công tác PCTN đã lan tỏa, trên đã quyết tâm thì dưới dứt khoát phải
chuyển động. Cụ thể như, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa kỷ luật một số cán
bộ của huyện Phúc Thọ, trong đó cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông
Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ do có sai phạm
nghiêm trọng trong chỉ đạo, quản lý, để xảy ra vi phạm tại một số dự án đầu tư
xây dựng trên địa bàn huyện trong thời gian ông này là Chủ tịch UBND huyện. 6
tháng đầu năm 2019, các địa phương đã khởi tố 176 vụ án/425 bị can về các tội
tham nhũng, chức vụ (tăng 13,5% về vụ và 32,8% về số bị can so với cùng kỳ năm
2018).
Một
khí thế chống tham nhũng, tiêu cực đang dâng cao trên khắp cả nước. Theo báo
cáo tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ đầu năm 2019 đến
nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức đảng và
7.923 đảng viên; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng,
cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật
đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản
lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng
viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử
lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ
đồng và 142ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá
nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra
Chính phủ tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc
theo kế hoạch của Ban chỉ đạo.
Thời
gian qua, việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế
lớn đạt kết quả khá cao. Cụ thể, vụ Giang Kim Đạt thu hồi hơn 300 tỷ đồng; vụ
Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm
Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng… Theo báo
cáo tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, hiện nay, việc tạm
giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng
tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có giá trị
tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.
Sự
quyết liệt đấu tranh khiến tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi. Theo báo cáo
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 được công bố vào tháng 3 vừa
qua thì hiện tượng “tham nhũng vặt” (chi phí "bôi trơn" quy mô nhỏ mà
doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép) trong năm 2018 đã giảm
so với thời kỳ trước, với chỉ 54,8% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không
chính thức, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Quy mô chi trả chi phí không
chính thức có xu hướng giảm, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả
hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%
doanh nghiệp). Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ý kiến chung của cử tri và nhân
dân đều tỏ ý tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hoàn
thiện các quy định của Đảng, của pháp luật (Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính
trị; Luật PCTN đã được ban hành...) và kiên quyết xử lý sai phạm thì tham nhũng
dứt khoát sẽ bị đẩy lùi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét