Là việt kiều định cư tại Mỹ, đã khá lâu tôi mới về thăm đất nước lần thứ hai (lần đầu cách đây 05 năm), thấy diện mạo VN thay đổi nhiều từ thành thị đến nông thôn.
Vào thời điểm tôi về nước thì xảy ra sự kiện TQ cho tàu Hải Dương HD8 và các tàu hộ tống xâm phạm bãi Tư Chính trên Biển Đông và tôi thấy cách phản ứng của Nhà nước VN tự tin, bình tĩnh và chủ động. Nếu so sánh với sự kiện năm 2014 TQ cho giàn khoan 981 hạ đặt ở vùng biển thuộc chủ quyền của ta thì tôi thấy dư luận phản ứng ở VN lần này cũng “đằm” hơn rất nhiều so với các cuộc biểu tình, tập trung đông người với băng rôn, khẩu hiệu của các tầng lớp dân VN của năm 2014 mà tôi được biết qua chuyến về nước lần ấy. Nhưng khi đọc bài trên internet phê phán phát biểu của Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐLHQ) vừa rồi thì tôi thấy ngạc nhiên là tại sao người ta lại có thể viết như thế này: “Thật nhục nhã khi chứng kiến cảnh ông Phạm Bình Minh đọc bài phát biểu tại Kỳ họp 74 ĐHĐLHQ. Hội trường gần như vắng tanh, trên các hàng ghế chỉ còn lơ thơ vài người, còn ông Phạm Bình Minh nhìn vào giấy để đọc, chất giọng hầu như không có sinh khí… Điều mà mọi người chờ đợi là nghe VN lên án TQ ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình thì ông Phạm Bình Minh lại không dám nói. Ngươc lại, còn ám chỉ một cách chung chung về các thế lực vi phạm chủ quyền biển, đảo của VN. Người nghe có cảm tưởng VN không chỉ ám chỉ TQ mà còn ám chỉ cả Mỹ vì trong thời gian qua Mỹ cũng thường xuyên mang chiến hạm đến Biển Đông, tập trận trên biển Đông, thậm chí còn tiến sát vào vùng lãnh hải thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của VN”.
Trong thời gian Kỳ họp 74 của ĐHĐLHQ diễn ra, tôi ở New York cũng thường xuyên bật ti vi để xem, nhất là hôm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu. Tôi thấy cử tọa trong Hội trường khá đông nghe Phó Thủ tướng của VN phát biểu. Tôi thấy Phó Thủ tướng phát biểu rõ ràng, lập luận có căn cứ chắc chắn, nhất là đoạn nói về biển Đông. Tuy không nêu đích danh TQ xâm phạm vùng chủ quyền và quyền tài phán của VN theo Luật Biển quốc tế nhưng khi Phó Thủ tướng VN nói thì mọi người có mặt tại khán phòng hiểu ngay đó là TQ.\
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ VN sẽ giải quyết theo ba bước: Đàm phán, hòa giải và giải quyết theo luật pháp quốc tế (nghĩa là kiện TQ ra tòa án quốc tế, như Philippines đã từng kiện TQ và tòa quốc tế phán quyết bác bỏ cái gọi là đường lưỡi bò về biển Đông mà TQ cố tình áp đặt). Cuối bài phát biểu Phó Thủ tướng VN đã đề nghị các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tôi nghĩ phát biểu của Phó Thủ tướng VN như vậy đã khẳng định VN là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, không có ý đồ bành trướng như TQ. Còn đại diện của TQ ngồi nghe mặt hơi cúi xuống và không phản ứng gì. Nếu phản ứng có nghĩa TQ tự nhận mình là nước đang gây bất ổn trên Biển Đông.
Phương thức giải quyết đúng đắn thứ hai của VN là tranh thủ được dư luận cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn như Mỹ, Australia và Liên minh châu Âu đã ủng hộ VN. Tại Mỹ, từ Tổng thống Mỹ đến Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc Phòng, Hạ viện Mỹ đều ra những tuyên bố lên án TQ gây sức ép với các nước nhỏ, tức là cậy nước lớn để dọa nạt, bắt nạt các nước khác. Ngay Tổng thống Mỹ phát biểu tại Kỳ họp 74 của ĐHĐLHQ cũng cảnh báo TQ không được có những hành động ngang ngược để xâm chiếm tài nguyên của nước khác. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông tại VN đưa tin rất có mức độ, không tập trung vào những gì đang xảy ra trên thực địa như 2014, người dân cũng không tập trung xuống đường biểu tình ngay trước cửa Đại sứ quán TQ tại Hà Nội.
Tôi cũng khá ngạc nhiên khi người viết trên mạng lại xuyên tạc Phó Thủ tướng VN không chỉ ám chỉ TQ mà ám chỉ cả Mỹ nữa. Tôi nghĩ nói như vậy là có ý “mù mờ” để xuyên tạc nước xâm chiếm chủ quyền của ta và nước lên tiêng ủng hộ ta về chủ quyền. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ chúng ta luôn thực hiện đúng đắn để không phụ thuộc vào bất cứ nước nào.
Ba lần TQ cho tàu HD Hải Dương 8 vào và ba lần đã phải tự rút ra khỏi bãi Tư Chính. Tôi nghĩ cách phát biểu của Phó Thủ tướng VN tại LHQ là thể hiện đúng đắn đường lối của Đảng, Nhà nước VN vừa đạt mục tiêu đề ra vừa tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của các nước trên thế giới. Vì vậy theo truyền thống của cha ông ta không cần “đao to búa lớn” để giải quyết mọi vấn đề bởi kết quả vẫn là thước đo. Với tư cách một Việt kiều tôi có đôi lời mạn đàm như vậy để mong góp một tiếng nói nhỏ giúp cộng đồng trong nước và nước ngoài hiểu rõ hơn vấn đề.
New York, tháng 11-2019
Bài của Jonathan Phuong Nguyen, một Việt kiều tại Mỹ được share trên một số diễn đàn sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét