Lợi dụng tình
hình dư luận xã hội đang bức xúc về tệ nạn tham nhũng và công tác quản lý kinh
tế; công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng của Đảng còn những mặt
hạn chế, khuyết điểm, một số người đã tung ra luận điểm: “Đảng Cộng sản Việt
Nam độc tôn lãnh đạo không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”. Nhưng sự thật từ hiệu quả và sự chuyển
biến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” ở Việt Nam thời gian qua,
điển hình là vụ án AVG cùng nhiều vụ án trọng điểm do Trung ương chỉ đạo vừa
qua là dẫn chứng sinh động bác bỏ luận điệu sai trái đó.
Họ
cho rằng: Tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền vì
“Đảng vừa đá bóng, vừa thổi còi”; vì xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống
tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, nhưng đều không
thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó, họ kết luận cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công.
Đảng
Cộng sản Việt Nam, từ khi ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền,
cán bộ, đảng viên của Đảng tuyệt đại đa số đều là những nhà cách mạng tự nguyện
từ bỏ lợi ích bản thân, xả thân chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng,
của dân tộc. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt của các nhà lãnh đạo, các cán
bộ, đảng viên, mãi mãi lưu danh trong lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tuy
nhiên, ngay từ đó, trong cuộc đấu tranh một sống, một chết dưới ách thống trị
tàn bạo của chính quyền thực dân phong kiến, cũng đã có những người không chịu
nổi thử thách gian nguy, tự rời bỏ hàng ngũ cách mạng, thậm chí đầu hàng địch,
phản bội cách mạng. Những người thiếu kiên trung với cách mạng, có biểu hiện
dao động, cầu an, Đảng đã thải loại họ. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hết
sức cá biệt. Đảng không vì thế mà yếu đi. Đảng càng trong sạch và ngày càng
phát triển vững mạnh, được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, tôn vinh vai trò
lãnh đạo và tình nguyện chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.
Thời
gian qua, công tác đấu tranh PCTN, suy thoái ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam đạt những kết quả bước đầu quan trọng cả trong nhận
thức và hành động. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế quản lý kinh tế-xã hội
và PCTN tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tương đối
đồng bộ, toàn diện. Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ
thị về công tác đấu tranh PCTN; đồng thời Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa
nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần
đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái. Công tác thông tin, tuyên
truyền, giáo dục về PCTN được quan tâm, vai trò của báo chí
trong PCTN bước đầu được phát huy, tạo sự chuyển biến về nhận thức và
hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Vai trò,
trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng
đầu cơ quan, đơn vị trong PCTN được nâng lên.
Việc
xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ
để PCTN được quan tâm. Cải cách hành chính công khai, minh bạch trong
hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và
đạt những kết quả tích cực. Việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng
viên đã được coi trọng thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý
các hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ
nét. Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách
về PCTN từng bước được kiện toàn, phát huy hiệu quả.
Nhiều
vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhất là những vụ
án nghiêm trọng được Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo điều tra,
truy tố, xét xử nghiêm minh; bước đầu khắc phục tình trạng án treo về tội phạm
tham nhũng; từng bước chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tính từ
đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với 11 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng
đã diễn ra, trong đó có đến 5 Hội nghị Trung ương (6, 7, 8, 9 và 11) có nội
dung xử lý, kỷ luật cán bộ sai phạm, gần 60.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý
kỷ luật. Trong số 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ
luật có cả Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung
ương Đảng; nguyên Phó thủ tướng; bộ trưởng và nguyên bộ trưởng; bí thư tỉnh ủy;
nguyên bí thư tỉnh ủy...
Dưới
sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam đã đem lại những quyền cơ
bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam. Đó là
độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi
quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình; là quyền tự do
lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các
thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn
liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã
hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện
của con người… Những thành tựu không thể phủ nhận đó đã khẳng định và ngày càng
củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của
dân tộc.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Còn những việc làm, mà chưa làm được
thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống
chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một
đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong. Theo đó,
cuộc đấu tranh PCTN của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như việc “nhổ cỏ”
đòi hỏi phải có thời gian, không thể một sớm, một chiều có thể khắc phục triệt
để tệ tham nhũng. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và hệ thống chính trị,
cùng sự đồng lòng, đoàn kết, đồng thuận của nhân dân, cuộc chiến chống tham
nhũng, lãng phí dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chúng ta tin rằng sự
nghiệp ấy sẽ ngày càng thành công!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét