Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

THẮNG LỢI CỦA SỰ NGHIỆP CHÍNH NGHĨA


          Với hơn 600.000 quân cùng với 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn pháo phòng không... chia làm 2 cánh bất ngờ mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Sau hơn 10 ngày thực hiện ý đồ “đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu”, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế quân đông, vũ khí trang bị nhiều và hiện đại đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng, có chỗ vào sâu hàng chục kilômét. Tuy nhiên, trước sự chống trả kiên cường của quân dân Việt Nam, quân đội Trung Quốc bị tổn thất nặng nề và sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế. Để khỏi bị sa lầy trong cuộc chiến, ngày 5-3-1979, Chính phủ Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến ngày 18-3-1979, về cơ bản, quân Trung Quốc đã rút về nước theo kế hoạch. Mặc dù vậy, hòa bình vẫn chưa được vãn hồi trên tuyến biên giới phía Bắc, nhất là ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang)...
          Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến tháng 9-1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam, bước đầu đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, có thể so sánh với thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước khi mới giành được độc lập năm 1945-1946.
          Xong, với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước.
          Cho đến nay, một số người Trung Quốc vẫn nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”, nhưng không ai tin điều đó! Chính vì vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc ở thời điểm đó đã bị nhân dân thế giới phản đối. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra cùng hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, đòi nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam…
          Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 cũng nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ cho phép chúng ta “gác lại quá khứ”, để hướng tới tương lai mà không được phép “khép lại quá khứ”. Phải tiếp tục thấu suốt bài học đề cao cảnh giác, tự lực tự cường - bài học muôn thủa trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của cha ông. Chúng ta phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc... bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Đồng thời, tỉnh táo ngăn chặn và đẩy lùi những tư tưởng và hành động quá khích biểu tình, bạo loạn gây phương hại tới mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc, phá vỡ môi trường hoà bình, ảnh hưởng tới tiến trình phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đất nước.
          Chúng ta không kích động hằn thù dân tộc và luôn vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhưng cũng không được quên những lần Nhân dân, Quân đội Việt Nam buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cuộc chiến tranh chống quân bành trướng xâm lược năm 1979 hay trận hải chiến Gạc Ma 1988... là những bài học xương máu cần nhắc nhớ trong mỗi người con đất Việt này./.
                                                                                                                          Đa20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét