ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
(tiếp theo và hết)
Để
phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay có hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện
kiên quyết và đồng bộ nhiều giải pháp.
Một
là, nhận thức đúng những biểu hiện của tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ
cán bộ, đảng viên và tính chất phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống
tệ cơ hội chính trị hiện nay. Thực tế, tệ cơ hội chính trị đang diễn ra ở nước
ta hiện nay là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội mà những kẻ cơ hội chính
trị lại rất tinh vi và xảo quyệt, bằng trực quan chúng ta không thể xét đoán được
bộ phận nào trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đúng như V.I. Lênin đã nhận định:
“Đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là nó mang
tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu được... Phái cơ hội chủ nghĩa
bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và rứt khoát, bao giờ nó
cũng tìm con đường chung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai
quan điểm đối chọi nhau”.
Nhận
dạng đúng những biểu hiện của tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên và nhận thức đúng tính chất phức tạp, khó khăn, lâu dài, quyết liệt của cuộc
đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị hiện nay chính là để tạo sự thống nhất
về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân. Từ đó, chủ động, kịp thời,
kiên quyết thực hiện những biện pháp, bước đi thích hợp, kết hợp chặt chẽ giữa
“phòng” và “chống”, không thỏa hiệp với những tư tưởng, biểu hiện của tệ cơ hội
chính trị ở mọi nơi, mọi lúc. Đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư
tưởng, lý luận, kinh tế, văn hóa, xã hội, không cho chúng có cơ hội trở thành một
trào lưu, một lực lượng ảnh hưởng tới sự nghiệp cách mạng, góp phần vào việc
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc tiến
lên. Quá trình đó cần gắn với đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và cuộc đấu
tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Một điều
có tính nguyên tắc là luôn phải giữ vững tính đảng trong cuộc đấu tranh này,
tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Hai
là, tăng cường sức chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận và
công tác tổ chức. Cần phải làm cho công tác tư tưởng luôn chủ động, kịp thời, sắc
bén, có tính thuyết phục cao, góp phần củng cố sự đoàn kết thống nhất về chính
trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đổi mới công tác giáo dục chính trị,
tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cho đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập,
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết, kịp thời đấu
tranh chống những quan điểm sai trái, những biểu hiện cơ hội chính trị, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong
công tác tổ chức phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện chế tài xử lý
nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội... như Nghị
quyết Đại hội XII của Đảng chỉ ra, cho dù họ ở bất cứ cương vị nào. Đặc biệt phải
thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Việc kiểm soát
quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Trong đó, kiên
quyết xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền
và hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền theo Điều 10 và Điều 11
của Quy định này. Quá trình đó, chúng ta phải chấp nhận chịu “đau xót” cần thiết
để loại bỏ những phần tử cơ hội chính trị ra khỏi đội ngũ của Đảng. Cần kiên
quyết thực hiện điều V.I.Lênin đã nhắc nhở những người cộng sản: “Điều rất cần
thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội
chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”, dù cho bản thân Đảng có “phải tạm thời
chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”.
Ba
là, đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ
Chí Minh chỉ rõ một số cán bộ, đảng viên “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại
gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục
lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh
quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh
quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập
để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính
kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách
của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Do
chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm và sinh ra nhiều chứng bệnh, mỗi chứng
bệnh là một kẻ địch hết sức nguy hiểm, vì nó phá hoại từ trong nội bộ Đảng phá
ra. Từ đó, làm cho tệ cơ hội chính trị càng diễn biến phức tạp, làm suy yếu sức
mạnh của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gây ra thách thức đối với vai trò lãnh đạo
của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Chính vì thế, để phòng và chống tệ cơ hội
chính trị, đòi hỏi toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức,
có quyền phải đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng, của Đảng lên trên hết.
Phải kiên quyết đấu tranh “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân, nêu cao tinh thần đoàn
kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Thường xuyên cảnh giác đấu tranh ngăn ngừa
và đẩy lùi tệ cơ hội chính trị trong Đảng.
Bốn
là, tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phát huy vai trò của người
đứng đầu cơ quan, đơn vị và của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể quần chúng
nhân dân. Để phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tệ cơ hội chính trị, đòi hỏi cấp
bách hiện nay và trong các năm tới là phải tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức
đảng, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây là yếu tố có
ý nghĩa quan trọng hàng đầu, quyết định nhất, bởi các cấp ủy đảng có chức năng,
nhiệm vụ lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối mọi hoạt động của tất cả các tổ chức, đội
ngũ cán bộ, đảng viên trong phạm vi phân cấp quản lý. Đi liền với đó, người đứng
đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cao nhất trước cấp ủy và cấp trên việc
quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà
Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Theo
đó, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò lãnh đạo của
tổ chức đảng và trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tệ cơ hội
chính trị. Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ
chức đảng các cấp và xây dựng đội ngũ người đứng đầu có phẩm chất, năng lực,
trình độ tương xứng, thực sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị,
trong sáng về đạo đức, lối sống. Tổ chức đảng và người đứng đầu phải lãnh đạo,
chỉ đạo toàn diện nhưng cần chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt
công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Muốn
loại trừ tệ cơ hội chính trị, vừa phải đấu tranh mạnh mẽ vừa phải đi sâu, sát
quần chúng để tìm hiểu rõ, hiểu đúng từng loại cơ hội chính trị. V.I. Lênin đã
nhắc nhở: “Bổn phận của chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn còn là những người xã hội
chủ nghĩa, là phải đi sâu, đi sát hơn vào quần chúng thật sự, đấy là toàn bộ ý
nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và toàn bộ nội dung cuộc đấu
tranh đó”. Theo đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ
chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của mình để phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp
tay chạy chức, chạy quyền và kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra,
xử lý; đồng thời, giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định. Cùng với đó,
cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân
dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về
hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Đấu
tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng
sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt, phức tạp và lâu dài. Thành bại của cuộc đấu
tranh này hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng tâm, hiệp lực và sự nỗ lực của cả hệ
thống chính trị. Do đó, phải luôn luôn đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”; phải coi trọng ngăn chặn, đẩy lùi tệ cơ hội chính trị. Hơn lúc
nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin:
“Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân
chúng ta... Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ” để
từ đó không ngừng đấu tranh phòng, chống tệ cơ hội chính trị trong đội ngũ cán
bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức
và đạo đức./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét