Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (chủ tịch Hội đồng phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật trung ương): Văn hóa giữ vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh của một quốc gia. Khi thực sự có bản lĩnh và tầm nhìn văn hóa, quan chức mới không tham nhũng hoặc bớt tham nhũng, càng không tham nhũng trắng trợn; doanh nghiệp, doanh nhân không vì lợi ích thuần túy mà phá hủy di sản văn hóa, hủy hoại môi trường, bóc lột người lao động; nông dân không trồng rau hai vườn, nuôi lợn hai chuồng để lợi mình hại người, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng người khác...
Đường lối, quan điểm của Đảng về văn hóa luôn được bổ sung, phát triển, từng bước hoàn thiện; xác định văn hóa luôn quan trọng như chính trị, kinh tế, xã hội nhưng khi thực thi, nhất là quá trình thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bắt đầu có khoảng cách, thiếu đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Đến khi thực hiện lại có thêm sự thiếu hụt, hẫng hụt, đứt gãy...
Đội ngũ cán bộ làm văn hóa, cũng giống các lĩnh vực khác, phải am hiểu văn hóa từ chiều sâu, từ bản chất, có tính hệ thống.
Muốn có được điều đó, phải coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ bài bản, có tính lâu dài chứ không phải như ủ giá đỗ, từng mẻ, cho những nhu cầu, yêu cầu ngắn hạn, tình thế.
Đừng tưởng cán bộ văn hóa không có chuyên môn thì không làm "chết" người, thậm chí nó có thể làm yếu, làm hỏng, làm "chết" nhiều việc, nhiều khâu, có khi là nhiều thế hệ.
Đảng đã xác định quan điểm văn hóa có vị trí ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội nhưng hiện nay ngay cả cán bộ ngành văn hóa cũng không thấy mình ngang hàng với cán bộ các lĩnh vực vừa nêu, thậm chí không thích làm văn hóa. Hình như ở đây có nguyên nhân sâu xa là lợi ích kinh tế, là quyền lực.
Khi nói đến văn hóa là nói đến hàng nghìn năm xây dựng, bồi đắp, sáng tạo các giá trị văn hóa dân tộc, hun đúc thành tinh hoa văn hóa; làm văn hóa mà không nhìn lâu dài, không có tầm chiến lược, chỉ quanh quẩn những điều cụ thể, sự vụ, tình thế, tư duy nhiệm kỳ, không nhìn văn hóa là một hệ thống, là một cấu trúc sâu rộng, bền chặt của xã hội; nếu cứ "chặt" ra từng khúc, làm từng phần việc cát cứ, rời rạc, giống kiểu "thầy bói xem voi" thì đương nhiên không tránh khỏi kết quả hạn chế, bất cập, có khi dị hình, méo mó, NTM./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét