Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

ĐẤU TRANH VỚI QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG CỦA NƯỚC TA TRONG HƠN 90 NĂM QUA

 Thành quả cách mạng của nước ta trong hơn 90 năm qua, là kết quả của lớp lớp thế hệ người Việt Nam anh dũng chiến đấu hy sinh để giành độc lập cho dân tộc từ khi có Đảng, là kết quả cuộc đấu giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung làm rõ những luận cứ khoa học để đấu tranh với quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận thành quả cách mạng của nước ta trong hơn 90 năm qua, bảo vệ thành quả cách mạng vẽ của toàn thể dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành chặt chẽ của Nhà nước, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước ta đã và đang đạt được những thành tựu rực rỡ, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Thế nhưng, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội về chính trị với dã tâm và những hằn học sẵn có, chúng luôn tìm cách phủ nhận những thành quả cách mạng mà nước ta đã đạt được trong hơn 90 năm vừa qua. Đây là một thủ đoạn chính trị không có gì mới mẽ của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh, chúng ta đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIVcủa Đảng, để hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, các thế lực thù địch đã cố tình đổi trắng thay đen, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta, phủ nhận thành tựu to lớn của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng trong hơn 30 vừa qua. Vì vậy, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch đó là hết sức cần thiết và cấp bách, nếu không sẽ ảnh hưởng tới uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của cả một chế độ. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số cơ sở lý luận và thực tiễn để đấu tranh với những luận điểm cực kỳ nham hiểm nói trên:

Một là, âm mưu nham hiểm phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch

Trước hết, chúng tìm cách phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được: Các thế lực thù địch luôn mạnh miệng cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”. Vì vậy, “không có gì thay đổi chế độ xã hội ở Việt Nam, chẳng qua chỉ là thay từ chế độ từ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”. Chúng cho rằng, những thắng lợi mà Việt Nam giành được trong quá khứ chẳng qua chỉ là “đó là sự ăn may, vì lúc này, phát xít Nhật đã thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì”; rằng “do khoảng trống quyền lực, nên Việt Nam dễ giành được kết quả nhanh chóng”, những điều này dường như đã trở thành các chiêu trò thuyết giảng của các thế lực thù địch.

Tiếp theo, chúng trắng trợn phủ nhận thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta: Cuộc chiến tranh Việt Nam (cách gọi của chúng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta) là “cuộc chiến in đậm dấu ấn dân tộc”, “cuộc nội chiến giữa một bên là chính quyền Sài Gòn, được Mỹ và một số nước phương Tây hậu thuẫn và một bên là chính quyền Hà Nội, được Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ”, v.v.. Chúng cho rằng: “Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ không hề muốn cai trị người Việt Nam, người Mỹ can thiệp vào Việt Nam là để giải phóng chứ không phải để cai trị; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản”. Từ đó, chúng đi đến kết luận rằng: “Cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh khỏi”. Chúng còn cho rằng: “Cuộc chiến tranh (Việt Nam) mang tính chất ủy nhiệm, cuộc chiến tranh mang tính ý thức hệ”; “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của nước nhà thì quý biết nhường nào?”;.

Đối với những kết quả trong sự nghiệp đổi mới của đất nước chúng phủ nhận bằng cách tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, trái với quan điểm, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Chúng kết hợp chống phá đường lối chính trị với chống phá trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Các thế lực thù địch tập trung công kích, xuyên tạc thành tựu của đổi mới là do Đảng, Nhà nước Việt Nam “tự vẽ lên”, “tự mình khen mình”, chứ thực chất, theo chúng, là “không có thật”. Chúng còn nói xằng rằng, những thành tựu đổi mới nếu có chỉ là “chui vào túi của bọn độc tài”, bọn tham nhũng, tham quan; còn đất nước vẫn trong cảnh nghèo nàn, tụt hậu, đời sống của nhân dân còn rất khó khăn, người dân nghèo thì không được thụ hưởng. Sau 45 năm thống nhất đất nước, 35 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là “nước tụt hậu, nhân dân còn đói nghèo, tham nhũng tràn lan, đạo đức suy đồi, xã hội vô kỷ cương...”.

Các thế lực thù địch cho rằng, Việt Nam chỉ đổi mới kinh tế mà không hề đổi mới chính trị, vẫn giữ nguyên bộ máy lãnh đạo chuyên quyền của Đảng Cộng sản. Thực chất là chúng phủ nhận và đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, quyền con người bị vi phạm. Chúng luôn lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để đả kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Sự thật là, khi xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, cần phải nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền và quyền làm chủ của nhân dân, tức là quan hệ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đây là vấn đề lớn về lý luận, về thực tiễn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị trong xã hội văn minh, hiện đại mà con người và nhân dân là trung tâm.

Hai là, cơ sở lý luận và thực tiễn phê phán quan điểm sai trái, thù địch nói trên

Luận cứ không thể phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Như chúng ta đã biết, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sai lầm về lịch sử, bởi đó là kết quả của một quá trình đấu tranh mà trước đó toàn thể dân tộc Việt nam đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo để giành thắng lợi do Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc một cách đúng đắn.

Điều này, được minh chứng rõ nét trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư duy lý luận sắc sảo của mình Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Vì vậy, Người đã trực tiếp tổ chức thành lập Đảng và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào các phong trào cách mạng ở Việt Nam, tạo ra các phong trào cách mạng nối tiếp nhau, như: phong trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 thực sự là những “cuộc tổng diễn tập”, là tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Khi tình thế và thời cơ cách mạng chín muồi, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đúng thời cơ, vào thời điểm thuận lợi nhất nên đã giành thắng lợi.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta không thể có cơ đồ, vị thế, uy tín và tiềm lực như hiện nay; nhân dân ta không có được địa vị người làm chủ như bây giờ. Bởi, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn và lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới; trình độ dân trí thấp, với 95% dân số không biết viết, không biết đọc. Nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật gây ra đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu đồng bào, bằng khoảng 10% dân số của Việt Nam lúc bấy giờ.

Vì vậy, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó cứu đói là nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Biện pháp cơ bản để giải quyết tận gốc nạn đói là tăng gia sản xuất. Khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, “Không để một tấc đất bỏ hoang”, “Tấc đất tấc vàng”... trở thành hành động thực tế của toàn Đảng, toàn dân. Kết quả là, đến đầu năm 1946, sản lượng hoa màu tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Giặc đói đã được đẩy lùi, tài chính bước đầu được gây dựng lại. Chiến thắng giặc đói là một trong những thành tựu lớn đầu tiên của Nhà nước cách mạng. Nó thể hiện tính ưu việt của chế độ mới, của chính quyền nhân dân, góp phần củng cố khối liên minh công nông. Uy tín của Đảng và Chính phủ ngày càng được nâng cao trong quần chúng. Nhân dân càng thêm tin tưởng, gắn bó và quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Nhà nước đã tích cực vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch của chế độ thực dân, phong kiến; phát triển phong trào bình dân học vụ. Vì vậy, chỉ trong vòng một năm, từ ngày 08/9/1945 đến ngày 08/9/1946, trên toàn quốc đã tổ chức được 75.805 lớp học với hơn 97.664 giáo viên và đã xoá mù chữ cho 2.520.673 người. Tiếng Việt được chính thức dùng trong hệ thống trường học. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh cũng được quan tâm. Thế nên, nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “giặc đói”, “giặc dốt” không thể bị đẩy lùi chỉ trong thời gian rất ngắn như vậy.

Hôm nay, nhìn lại gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu trên đã bác bỏ sự vu cáo, bịa đặt hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ tình phủ nhận những thành quả cách mạng mà chúng ta đã đạt được.

Tìm hiểu và nghiên cứu sâu về thành công của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ sự thống trị của thực dân, phát xít và phong kiến, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đánh đổ đế quốc Pháp, phát xít Nhật và bọn phong kiến, tay sai, giành độc lập dân tộc hoàn toàn, độc lập dân tộc thực sự để đi đến xây dựng một xã hội hoàn toàn ấm no, tự do, hạnh phúc. Đó không phải là sự chuyển giao từ chế độ “vua trị sang “đảng trị” mà là sự thay đổi về bản chất, từ chế độ “quân chủ phong kiến” sang chế độ “dân chủ cộng hòa", từ chế độ cai trị tàn bạo của thực dân, phong kiến sang chế độ nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước dân chủ nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân”1. Đồng thời, đối với công cuộc xây dựng một chế độ xã hội mới, khác hẳn về chất so với chế độ cũ (phong kiến, thực dân và đế quốc): “Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hoà và thông nhất độc lập”2.

Và hơn thế nữa, thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam. Bởi lẽ, sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được bao lâu, thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay trở lại cướp nước ta một lần nữa. Trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách để gìn giữ hòa bình, tránh “cuộc chiến tranh đổ máu vô nghĩa”. Tuy “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã trường kỳ kháng chiến và giành thắng lợi, làm nên mốc son Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương. Song, với bản chất hiếu chiến, phản động, thực dân Pháp đã cấu kết và “bật đèn xanh” cho đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam và Đông Dương, buộc nhân dân ta phải tiếp tục bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm sau đó. Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh của nhân dân ta, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Như vậy, nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp dẫn đến hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta, chính là bản chất hiếu chiến xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai chứ không phải một lý do nào khác, càng không phải do Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Luận cứ không thể phủ nhận bản chất, tính chính nghĩa và thành quả của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét