Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về tự học.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Tinh thần tự học, tự rèn luyện bền bỉ của Người đã hun đúc nên tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương tự học, học suốt đời của Hồ Chí Minh là một trong những việc làm thiết thực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh _ Ảnh tư liệu

1. Mở đầu

Học tập là hoạt động cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức, hình thành kỹ năng làm việc, là hoạt động có mục đích của con người. Tự học, tự rèn luyện bền bỉ là một trong những yếu tố hình thành nên tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng của Người về giáo dục. Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tự học tập, tự rèn luyện suốt đời để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo.

Hồ Chí Minh diễn đạt giản dị, ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về khái niệm “tự học”, chính là “tự động học tập(1). “Tự động học tập” là việc học tập do bản thân người học quyết định, người học tích cực, chủ động, tự giác trong xác định nội dung, hình thức, phương pháp học tập, tự kiểm tra, đánh giá kết quả mà không cần sự sắp đặt, giao nhiệm vụ của người khác. Hồ Chí Minh giải thích: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”(2).

2. Hành trình tự học và kết quả tự học của Hồ Chí Minh

Quá trình học tập, tự học tập của Người bắt đầu từ thuở ấu thơ, khi được nuôi dạy trong sự yêu thương, chăm sóc của ông bà ngoại và cha mẹ, được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của quê hương Xứ Nghệ cần cù, chịu khó, hiếu học, tình nghĩa và kiên trung. Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham hiểu biết, thích tìm hiểu, thích nghe chuyện và hay hỏi người lớn những điều thắc mắc, thích khám phá sự vật, hiện tượng xung quanh.

Thời niên thiếu, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành lớn lên trong bối cảnh lịch sử đầy đau thương của đất nước, Người chứng kiến cảnh nhân dân ta bị đọa đày, đau khổ, chịu áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân Pháp, phong kiến tay sai. Đó cũng là thời kỳ đấu tranh sôi nổi, anh dũng, chống giặc ngoại xâm của các sỹ phu yêu nước. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành thi đậu và học trường Quốc học Huế, đây là khoảng thời gian mà người thanh niên ưu tú được ảnh hưởng nhiều bởi các tư tưởng văn minh tiên tiến và tinh thần yêu nước từ các thầy giáo như Hoàng Thông, Lê Văn Miến và một số thầy giáo người Pháp. Người tiếp cận các ấn phẩm, sách báo tiến bộ trên thế giới, các tư tưởng cấp tiến của các nhà khai sáng Pháp. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã tìm tòi, tự đọc, tự học, không ngừng quan sát, trau dồi kiến thức, vốn sống cho bản thân để thực hiện mơ ước, lý tưởng “đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”.

Mặc dù rất ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh oanh liệt của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh… song, với trí tuệ và khả năng dự cảm sáng suốt, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra rằng những cuộc khởi nghĩa, bạo động hay cải lương đó chưa phải là con đường đấu tranh cách mạng đúng đắn để mang lại độc lập cho nước nhà.

Với ý chí, hoài bão lớn lao và tư duy mới, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã rời đất nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn để đi tìm con đường cứu nước phù hợp, đúng đắn, “xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Khi ra đi, Người đem theo lòng yêu nước thương dân, ý chí tự lực tự cường và tinh thần tự học hỏi không ngừng để quyết tâm giải phóng đất nước khỏi đêm trường nô lệ. Trên hành trình đi tìm chân lý, Nguyễn Tất Thành đã qua nhiều quốc gia, châu lục và đã đặt chân lên đất Pháp, đất nước phát triển vào bậc nhất châu Âu về mọi mặt, nơi được mệnh danh là vùng đất của “tự do, bình đẳng, bác ái”. Năm 1923, trong cuộc trao đổi với một nhà báo Liên Xô, Người kể: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn náu sau những chữ ấy”. Đó là minh chứng cho ý chí, nghị lực ham hiểu biết, tự khám phá những điều mới trong văn hóa phương Tây của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tự học, tự tích lũy được rất nhiều kiến thức và đúc rút kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho lý tưởng cách mạng của mình. Sau thời gian tự học miệt mài, có trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo, năm 1919, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc để viết báo và trở thành nhà báo có tiếng ở Paris, đồng thời Người là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Tác phẩm chính luận điển hình của Người là Bản án chế độ thực dân Pháp - lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột của nhà cầm quyền Pháp, thể hiện ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao quá trình tự học của Nguyễn Ái Quốc.

Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, đi đến đâu Người cũng tranh thủ tự học, tự nghiên cứu về tình hình; Người tự học, tự suy ngẫm và đúc rút kinh nghiệm để làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hóa phương Đông và phương Tây, trên cơ sở kế thừa truyền thống tốt đẹp văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Người tìm hiểu các nền văn hóa, văn minh phương Tây, quan sát, nắm bắt đời sống, tâm tư nguyện vọng và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp lao động. Người nhận thức rõ bản chất của chế độ thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Quá trình tự học, tự trưởng thành và những năm tháng bôn ba đã giúp Nguyễn Ái Quốc tự rút ra một tư tưởng cách mạng vô cùng đúng đắn và giá trị, đó là: muốn giải phóng dân tộc, cứu đồng bào thì trước hết phải trông cậy vào chính mình, vào sức mạnh của dân tộc. Tư tưởng đó minh chứng cho sự nhạy cảm về chính trị, sắc bén về tư duy, tầm nhìn vượt thời đại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ khi còn trẻ.

Cuối năm 1917, khi Người trở lại Pháp, Cách mạng Tháng Mười Nga đã thành công, mở ra một trang mới trong lịch sử nước Nga và thế giới, đánh dấu một xu thế phát triển xã hội mới. Chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhanh chóng nhận thấy đây là một bước ngoặt lịch sử lớn, có sức lôi cuốn, thức tỉnh quần chúng nhân dân lao động đấu tranh giành, thiết lập chính quyền mới. Với bề dày tự học, tự trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn và qua nghiên cứu sách báo, tài liệu cùng tư duy nhạy bén về chính trị, Nguyễn Tất Thành đã có những nhận thức sâu hơn về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đối với các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh tự giải phóng.

Khi bắt gặp, đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo), ngày 16 và ngày 17-7-1920, đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được đọc một tài liệu đề cập trực tiếp và mạnh mẽ về vấn đề dân tộc tự quyết và cách mạng giải phóng thuộc địa. Người nhận thấy tác phẩm “là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” và từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin lý luận cách mạng và khoa học về con đường cứu nước đúng đắn, gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người mà Người đang khát khao đi tìm.

Quá trình tự học, tự rèn luyện và hoạt động đấu tranh bền bỉ của Nguyễn Ái Quốc vì phong trào tiến bộ ở Pháp như được tiếp thêm sức mạnh về tư tưởng cộng sản khi đọc Luận cương của V.I.Lênin. Ngày 30-12-1920, tại Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III. Đây là sự kiện chính trị có tính bước ngoặt lịch sử đối với Nguyễn Ái Quốc và cả dân tộc. Từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã dành toàn bộ tâm huyết của mình để nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, đồng thời tìm hiểu những học thuyết khác, kết hợp với xu thế vận động, yêu cầu của lịch sử và phù hợp với tình hình trong nước để xác định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn địa chủ phong kiến tay sai.

Sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân theo cách mạng vô sản là minh chứng rõ nhất kết quả của quá trình tự học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, tự trải nghiệm và tự đúc kết của Người và đã trở thành phương hướng hành động cho cách mạng Việt Nam. Người kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản(3). Đây là một lý luận rất ưu việt, được hun đúc qua quá trình lao động và tự học nghiêm túc, bền bỉ, tạo nên một chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, rất khác biệt với những bậc yêu nước tiền bối, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, là tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản và đặc biệt là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Sau 30 năm hoạt động cách mạng đầy gian khổ ở nước ngoài, cũng là 30 năm tự học, tự khảo nghiệm, tự tìm con đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước về Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc trở về nước, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cuộc cách mạng đã đập tan chế độ thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần thúc đẩy các dân tộc, thuộc địa bị áp bức, bóc lột đứng lên đấu tranh cách mạng tự giải phóng. Thắng lợi vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, là minh chứng của việc tự học tập nghiêm túc và vận dụng linh hoạt học thuyết khoa học, cách mạng, tiến bộ của chủ nghĩa Mác - Lênin, những kinh nghiệm đúc rút từ lịch sử và thực tiễn hoạt động cách mạng của Người.

3. Mục đích và phương pháp tự học của Hồ Chí Minh

Trong mọi hoạt động của con người, vấn đề quan trọng là phải xác định được mục đích, động cơ và phương pháp thực hiện. Với Nguyễn Ái Quốc, trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đầy hy sinh gian khổ, Người đã xác định mục đích, động cơ học tập của mình là tự học, tích lũy kiến thức để “phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc”(4), đó là động lực giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình tự học để tìm ra chân lý cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, việc xác định mục đích, động cơ học tập không chỉ là vấn đề học tập mà còn là vấn đề đạo đức, là nhân cách của người học. Người chỉ ra rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ: Học để làm gì? Câu hỏi được Người lý giải vào dịp dự lễ khai giảng khóa đào tạo tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9-1949. Trong sổ vàng truyền thống, Người viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư(5). Như vậy, quan niệm về học tập của Hồ Chí Minh rất toàn diện: Học tập tri thức đi đôi với rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập để hoàn thiện đạo làm người, nâng cao trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; học để phục vụ lợi ích của Đảng, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.

Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(6). Người nhấn mạnh, tự học và học tập suốt đời là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Người yêu cầu, trong học tập phải tự giác, “không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập(7). Tự học chính là sự nỗ lực của bản thân người học một cách có kế hoạch, trên tinh thần tự giác học tập.

Về phương pháp học tập, theo Hồ Chí Minh, nếu không học thì không thể làm việc tốt được. Mà đã học thì phải học cho tốt; muốn vậy phải có phương pháp học tập. Cùng với mục đích học tập, phương pháp học tập là nội dung không thể thiếu trong quan điểm của Hồ Chí Minh về học tập. Hồ Chí Minh khẳng định, trong tất cả các phương pháp, phải lấy tự học làm cốt. Tự học là yếu tố cốt lõi của hoạt động học, là nội lực quyết định chất lượng học tập. Người chỉ dẫn trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: Cách học tập: Tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp. Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”(8). Trong học tập, cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học, đây là vấn đề quyết định hiệu quả của người học.

Phương pháp tự học ngoại ngữ của Người rất hiệu quả, ngay từ khi làm phụ bếp trên tàu buôn của Pháp và trong lao động mưu sinh trên đất khách. Để thuộc những từ mới, Người viết vào mảnh giấy dán lên những nơi dễ thấy, viết lên cánh tay, nhẩm lại khi đi đường, cứ như thế Nguyễn Ái Quốc đã thành thạo nhiều ngoại ngữ, để rồi có thể viết báo, biên tập sách bằng tiếng nước ngoài.

Họa sĩ Êrích Giôhanxơn (Thụy Điển) đã trực tiếp gặp và viết về Hồ Chí Minh: “Trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi khoảng 4 tháng, Người đã học rất nhanh tiếng Thụy Điển và Người đã có thể làm cho người Thụy Điển hiểu một cách dễ dàng”(9). Trong bản khai lý lịch tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva vào tháng 7 và 8-1935, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Lin đã khai ở mục thứ 18, biết “tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Ý, tiếng Đức”. Người làm quen, học hỏi từ những chính trị gia, văn sĩ để nâng cao kiến thức chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, cũng như tăng cường ngôn ngữ nước ngoài của mình.

Trong phương pháp tự học, Người chỉ rõ: “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, học để sửa chữa tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng, học để hành. Đây là nguyên tắc Hồ Chí Minh đặt ra không chỉ cho việc tự học mà cho các quá trình học tập nói chung. Người giải thích: “Do thực hành mà tìm ra sự thật. Lại do thực hành mà chứng thực sự thật và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới. Thực hành, hiểu biết. Lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng”(10). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(11).

Hồ Chí Minh chỉ rõ tầm quan trọng của lý luận đối với hoạt động thực tiễn, Người viết: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”(12). Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người thường nhắc nhở mọi người học lý luận đồng thời phải học từ thực tiễn. Người giải thích, lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận, rồi đem nó chứng minh với thực tế.

Về học tập suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên qua lời dạy của V.I.Lênin: Học! Học nữa! Học mãi! Do đó, việc học phải diễn ra liên tục. Ngày 21-7-1956, khi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(13). Điều quan trọng nhất là áp dụng những điều đã đọc vào thực tế công việc và cuộc sống.

4. Cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tự học, học tập suốt đời theo tấm gương Hồ Chí Minh

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Bên cạnh đó, thực tiễn đất nước cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thấy hết ý nghĩa, vai trò của tự học và chưa xác định được mục đích, động cơ học tập, thậm chí có cán bộ, đảng viên có biểu hiện lười học tập lý luận. Để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới, khắc phục tình trạng lười học, ngại học, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, chức trách, nâng cao nhận thức, thái độ tự học, tự rèn luyện bền bỉ để xứng đáng với vai trò, vị trí của mình.

Hai là, phát huy tinh thần, ý chí và nghị lực, tự giác trong học tập

Tinh thần tự học và học tập suốt đời là phẩm chất đạo đức cách mạng phải được rèn luyện bền bỉ. Học tập là yếu tố hình thành năng lực cá nhân trong khung năng lực làm việc của cán bộ, đảng viên. Tự học tập, rèn luyện và xây dựng phương pháp phải được thể hiện qua sự quyết tâm, bền bỉ từng ngày, không thể học cho xong, học “đến đâu hay đến đó”. Hơn nữa, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay làm cho cái mới trở thành cái cũ rất nhanh, chỉ buông xuôi, không cập nhật tri thức mới thì kiến thức của mỗi người sẽ trở nên lạc hậu. Cán bộ, đảng viên muốn làm chủ được tri thức thì phải thông qua con đường tự học tập, tự nghiên cứu để tích lũy kiến thức cho bản thân và áp dụng vào công việc, trong cuộc sống hàng ngày một cách hiệu quả nhất.

Ba là, tự học, học tập suốt đời một cách bền bỉ, chủ động và sáng tạo

Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(14). Do vậy, Người nhấn mạnh, tự học được xem là quy luật của sự tồn tại, sự khẳng định và phát triển cá nhân; là điều kiện tiên quyết để hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của mỗi người. Để tự học, tự rèn, tự tu dưỡng nâng cao phẩm chất và năng lực, mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động xây dựng và nghiêm túc thực hiện kế hoạch tự học, tự rèn, tự tu dưỡng. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để khẳng định mình trước những yêu cầu và đòi hỏi khách quan của quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học, phù hợp với công việc mình đảm nhiệm và phải tự nguyện, tự giác, tích cực, kiên trì với quyết tâm cao, thực hiện đến cùng; không lùi bước trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào để hoàn thành nhiệm vụ, tận tụy phục vụ nhân dân.

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức và phương pháp tư duy

Tinh thần tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chỉ có kết quả tốt khi nhận thức đúng đắn những yêu cầu, chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác của người cán bộ, đảng viên và tự nhận thức đúng về bản thân. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao tính tự giác, tích cực học tập, để cán bộ, đảng viên biến yêu cầu, đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới thành nhu cầu tự thân bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên.

Năm là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên về tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nhân dân noi theo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(15). Do đó, gắn tự học, tự rèn, tự tu dưỡng với thực hiện chức trách của cán bộ, đảng viên và giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Đây là biện pháp nêu gương quan trọng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải năng động, nhạy bén, kết hợp hài hòa giữa học với hành, gắn lý luận với thực tiễn để hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia, thực hiện phong trào cách mạng.

5. Kết luận

Tư tưởng và tấm gương tự học Hồ Chí Minh đã trở thành một triết lý nhân văn sâu sắc, với ý chí và quyết tâm bền bỉ, tinh thần sáng tạo, kế hoạch cụ thể, khoa học, phương pháp phong phú. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét