Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động hợp tác quốc tế được Học viện ngày càng chú trọng và không ngừng mở rộng, góp phần đắc lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, nâng tầm vị thế Học viện trong nước, khu vực và trên thế giới. Thành tựu, kinh nghiệm đạt được trong lĩnh vực hợp tác quốc tế những năm 2019-2024, là cơ sở nền tảng để Học viện ngày càng khẳng định vai trò, vị thế Trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; tham mưu, tư vấn chính sách chiến lược cho Đảng và Nhà nước.
1. Mở rộng hợp tác quốc tế, một đòi hỏi tất yếu khách quan
Những năm qua, các hoạt động nói chung và hoạt động hợp tác quốc tế nói riêng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi và đan xen những khó khăn, thách thức. Đó là những biến động trong môi trường quốc tế: sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, mở rộng hơn; bất ổn địa - chính trị ngày càng phức tạp; sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cộng đồng quốc tế phải đối phó với những thách thức lớn như: an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh tài chính, năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các hình thái xung đột, chiến tranh kiểu mới.... Song, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; hợp tác đi đôi với đấu tranh, cạnh tranh quyết liệt để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia. Những nhân tố trên tác động nhiều chiều, vừa tạo ra cơ hội, vừa là thách thức đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nói chung và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng.
Trong bối cảnh tất yếu của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, là một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, tham mưu, tư vấn hoạch định đường lối, chính sách cho Đảng, Nhà nước, việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện là một tất yếu khách quan. Đây là lĩnh vực hoạt động đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế của Học viện trong nước, khu vực và quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống vẻ vang của Học viện (năm 2019), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: “Học viện phải phấn đấu trở thành một trường học hiện đại, bản sắc và hội nhập... cần chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự cao cấp và trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý tiên tiến”(1). Thực hiện những huấn thị của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Học viện đã chủ động xác định những quan điểm, mục tiêu, nội dung định hướng chiến lược đối với hoạt động hợp tác quốc tế trên cả lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn hoạch định đường lối, chính sách cho Đảng, Nhà nước; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên; hiện đại hóa cơ sở vật chất...
Với vị thế, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là với vai trò của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện ngày càng nhận được sự quan tâm hợp tác của các đối tác quốc tế, bao gồm các tổ chức quốc tế như: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Quỹ Temasek thuộc Tập đoàn đầu tư toàn cầu Xinhgapo... và các đối tác lớn như: đại sứ quán, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức Think Tank thuộc nhiều nước, đảng chính trị trong khu vực và thế giới, nhất là ở các nước lớn, các nước phát triển, các nước có quan hệ đặc biệt, các nước có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam...
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện đã chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh các nội dung chương trình, phương thức hợp tác quốc tế, xác định đây là nhiệm vụ có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tham mưu tư vấn chính sách.
2. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược hợp tác quốc tế
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, với mục tiêu xây dựng và phát triển lên một tầm cao mới, Học viện đã xây dựng “Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, xác định rõ: mục tiêu, quan điểm, sứ mệnh, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045, Học viện trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu, có uy tín cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp theo hướng “hiện đại, hội nhập, có uy tín hàng đầu ở khu vực châu Á và trên thế giới” và dựa trên 5 giá trị cốt lõi “Kiên định - Đổi mới - Mẫu mực - Phụng sự - Phát triển”. Đây là nhiệm vụ, yêu cầu và tiền đề quan trọng thúc đẩy, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và tham mưu, tư vấn chính sách của Học viện. Công tác hợp tác quốc tế của Học viện được xác định không chỉ góp phần quan trọng vào việc tạo lập, làm sâu sắc tầm nhìn, mục tiêu, các giá trị cốt lõi trên, mà cần phải lan tỏa, thể hiện sinh động, cụ thể các giá trị cốt lõi đó trong các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và tham vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước.
Quan điểm chỉ đạo
Thứ nhất, công tác hợp tác quốc tế là một hoạt động quan trọng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Học viện được quy định tại Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học với các tổ chức quốc tế, cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nước, các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng tiến bộ, các chính đảng và đảng cầm quyền ở các nước trên thế giới”(2).
Thứ hai, công tác hợp tác quốc tế của Học viện phải tuân thủ quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; quán triệt những vấn đề căn cốt được xác định một cách cơ bản, toàn diện từ nguyên tắc, mục tiêu, phương châm và định hướng lớn và những nội dung cụ thể về nhiệm vụ đối ngoại được xác định trong Cương lĩnh năm 2011 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ ba, công tác hợp tác quốc tế là trách nhiệm của các chủ thể, nhất là Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Trong đó, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện quan tâm, tạo điều kiện để triển khai các hoạt động hợp tác; Vụ Hợp tác quốc tế phát huy tốt vai trò tham mưu, quản lý hệ thống một cách hiệu quả, tích cực và chủ động trong việc phát triển, mở rộng phạm vi, lĩnh vực và tổ chức hiệu quả các hoạt động hợp tác; các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước và quy định của Học viện trong hoạt động hợp tác quốc tế.
Thứ tư, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế một cách đồng bộ, hiệu quả và mang tính hệ thống với phương châm “lấy bên ngoài phục vụ bên trong”. Đổi mới, hoàn thiện kịp thời các văn bản thể chế về hợp tác quốc tế, bảo đảm có sự thống nhất trong quy trình thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, tránh trùng lặp; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp và chủ động của các đơn vị trực thuộc Học viện trong việc đề xuất và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế.
Mục tiêu
Một là, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Học viện trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách; qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Học viện trong nước, khu vực và trên thế giới.
Hai là, góp phần lan tỏa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ra cộng đồng quốc tế. Thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm, công tác hợp tác quốc tế của Học viện trở thành một kênh đối ngoại quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến những thành tựu đạt được của Việt Nam trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển đất nước; chia sẻ những hiểu biết về thể chế chính trị, quảng bá những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết, tạo dựng niềm tin và tăng cường tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ba là, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu năng lực hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có năng lực ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới trong nghiên cứu, giảng dạy...
Bốn là, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật của Học viện. Thông qua các chương trình, dự án và các hoạt động hợp tác quốc tế, vận dụng các tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm tiên tiến của thế giới và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế để thúc đẩy quá trình xây dựng Học viện thông minh, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật số, nhằm giúp Học viện đạt các tiêu chuẩn quốc tế về một môi trường giảng dạy, học tập, nghiên cứu hàng đầu của quốc gia và khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Sứ mệnh, tầm nhìn
Công tác hợp tác quốc tế đóng vai trò tiên quyết, góp phần quan trọng hiện thực hóa Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm quốc gia hàng đầu, có uy tín cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước; là trung tâm quốc gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, mang đậm bản sắc Trường Đảng Trung ương, từng bước hội nhập, hiện đại, phát triển và có uy tín, vị thế cao trong khu vực và thế giới.
3. Những kết quả nổi bật hoạt động hợp tác quốc tế giai đoạn 2019-2024
Một là, mở rộng về quy mô, số lượng đối tác và lĩnh vực hợp tác
Phát huy những kết quả đạt được giai đoạn trước, trong những năm 2019-2024, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa các hình thức, nội dung và đối tác; tăng cường thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo có uy tín của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng và phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.
Học viện tiếp tục củng cố, thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương và đa phương với các đối tác truyền thống: Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, JICA, KOICA, với các tổ chức quốc tế: UN, UNDP, WB, ADB, UNWomen,...; mở rộng cả không gian và nội dung hợp tác, tạo mọi điều kiện để thiết lập, kết nối với nhiều đối tác quốc tế, gồm các đảng chính trị, đảng cầm quyền, các cơ quan, tổ chức của nhà nước, cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Học viện đặc biệt chú trọng kết nối và thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới, gồm các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, có uy tín của nhiều nước trên thế giới, nhiều
tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ: Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga, Trường Đại học Tổng hợp
Xanhpetecbua; Đại học Indiana, Trường Chính phủ Kennedy, Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Học viện Quản lý nhà nước trực thuộc Tổng thống Bêlarút; Viện Nghiên cứu Xã hội quốc tế (Hà Lan); Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản, Viện Phát triển Nguồn nhân lực quốc gia Hàn Quốc (NHI), Đại học Wollongong (Ôxtrâylia), Đại học Công nghệ Swinburne (Ôxtrâylia); xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án quốc tế với đối tác Ôxtrâylia, Nhật Bản, Xinhgapo, ADB... Đến nay, Học viện có quan hệ với trên 200 đối tác quốc tế của 60 nước và vùng lãnh thổ.
Điểm nổi bật trong 5 năm (2019-2024) là tính chất, cấp độ, quy mô của nhiều hoạt động hợp tác quốc tế được nâng lên một tầm cao mới, điển hình: các đoàn ra cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, do đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn, làm việc tại Nga - Estonia (năm 2019); Lào, Nhật, Đức, Ítxraen (năm 2022); Trung Quốc, Hàn Quốc, Ôxtrâylia (năm 2023); Mỹ (năm 2024)...
Công tác hợp tác quốc tế trong những năm qua đã thúc đẩy tính hệ thống, đồng bộ và tăng cường kết nối, hỗ trợ các trường chính trị tỉnh, thành phố và các Học viện trực thuộc: đã có 3 diễn đàn cấp quốc gia được thực hiện kết nối trực tuyến với 59/63 tỉnh thành cùng với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lãnh đạo là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Bí thư/Phó Bí thư, Chủ tịch/Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố(3); tổ chức chuỗi 15 hội thảo cấp bộ trong khuôn khổ Dự án Diễn đàn Phát triển địa phương hợp tác với Đại học Indiana, Hoa Kỳ.
Thông qua một số chương trình, dự án với đối tác quốc tế đã tham mưu, thành lập mới: Trung tâm Chia sẻ tri thức quốc tế (năm 2021) và Trung tâm Việt - Úc (năm 2022). Hai trung tâm này có chức năng, nhiệm vụ thúc đẩy, mở rộng và tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế của Học viện trên nhiều lĩnh vực, gồm cả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và tham mưu, tư vấn chính sách cho Trung ương và địa phương.
Hai là, tăng cường số lượng hoạt động trao đổi đoàn ra, đoàn vào
Mặc dù trong những năm 2020 - 2022, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng việc mở rộng hợp tác quốc tế của Học viện tiếp tục có bước phát triển. Toàn hệ thống Học viện đã tổ chức từ 45 đến 55 đoàn ra/năm, với 350 - 400 lượt người/năm; đón khoảng từ 100 đến 120 đoàn vào/năm, với 400 - 500 lượt người/năm, dưới nhiều hình thức. Trong đó, có 35 - 40 đoàn vào/năm, làm việc, trao đổi; 40 - 50 đoàn/năm vào tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; khoảng 30 đoàn vào/năm thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, Học viện tổ chức trên 100 hoạt động tiếp khách quốc tế, với hơn 300 lượt người vào trao đổi, làm việc tại Học viện và các đơn vị trực thuộc; tiếp xã giao các Đại sứ, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các đối tác quốc tế và tổ chức chia sẻ thông tin, trao đổi học thuật với các chuyên gia quốc tế đến từ các nước: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan,
Ai len, Ítxraen, Vênêduêna, Nhật, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, EU, WB, UNDP, ADB,...
Số lượng các đoàn ra tăng mạnh và đa dạng về hình thức, cấp độ đoàn. Trong năm 2022, Học viện đã phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và một số cơ quan Trung ương tổ chức 14 đoàn công tác tại nước ngoài. Năm 2023, đánh dấu sự trở lại sôi nổi với nhiều kết quả nổi bật trong công tác hợp tác quốc tế. Toàn hệ thống Học viện đã tổ chức 48 đoàn ra với tổng số hơn 300 lượt cán bộ tham gia; hơn 50 đoàn vào(4).
Số lượng các đoàn vào ngày càng tăng, thể hiện sự cam kết và mức độ quan tâm của các đối tác quốc tế đối với Học viện. Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế đã đến thăm Học viện: Đoàn cấp cao Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Quốc hội Cuba và Môdămbích, Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng PSU - Chủ tịch Quốc hội lập hiến Vênêduêna, Ngoại trưởng Ôxtrâylia, Tổng Bí thư Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất (MIU), Cộng hòa Dominicana, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF), Chủ tịch Thượng viện Ôxtrâylia... Bên cạnh đó, Học viện đã đón nhiều đoàn chuyên gia, học giả các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Ôxtrâylia,... sang thuyết trình chuyên đề cho các lớp bồi dưỡng kiến thức dành cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược; giảng chuyên đề cho các hệ lớp bồi dưỡng chức danh và các lớp cao cấp lý luận chính trị.
Nhiều hoạt động đối ngoại được triển khai: tổ chức các buổi làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, các đoàn lãnh đạo cấp cao của một số nước đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng và tiếp xã giao các Đại sứ đến từ các nước: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Niudilân, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Ai len, Ôxtrâylia, Lào, Campuchia, Xinhgapo, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ítxraen, Đức, 4 nước Bắc Âu, Hà Lan, Môdămbích; đại diện một số tổ chức quốc tế: Trưởng đại diện JICA, Giám đốc KOICA, Phó Chủ tịch WB, Phó Chủ tịch ADB, Diễn đàn Toàn cầu Boston, Viện FES...; tổ chức Chương trình giao lưu hữu nghị với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào,...
Ba là, kết quả hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Thứ nhất, phục vụ tích cực, hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý
Hoạt động hợp tác quốc tế giai đoạn 2019-2024 đã góp phần quan trọng, phục vụ công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị. Đối với lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng, Học viện đã mời các chuyên gia, học giả, đại sứ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Xinhgapo, Ấn Độ...tham gia giảng dạy, báo cáo chuyên đề cho các khóa.
Trong năm 2023, Học viện tổ chức 24 lớp tập huấn và báo cáo chuyên đề, trong đó có sự tham gia tích cực của chuyên gia quốc tế dành cho 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, một số lớp bồi dưỡng chức danh và các lớp cao cấp lý luận chính trị(5). Năm 2024, thông qua một số chương trình hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản và
Ôxtrâylia, Học viện đã mời các chuyên gia quốc tế trình bày chuyên đề, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tại các lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Học viện đã phối hợp với tổ chức quốc tế, tổ chức nhiều đoàn cho cán bộ, học viên lớp bồi dưỡng dự nguồn đi nghiên cứu, học tập ngắn hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Xinhgapo, Ôxtrâylia,...
Thông qua các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác quốc tế (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc/VOSP, dự án Trung tâm Việt - Úc, hợp tác với KOICA, JICA, ADB, UNDP...), Học viện đã mời hàng chục chuyên gia các nước Mỹ, Ôxtrâylia, Nhật, Trung Quốc, Pháp... trao đổi chuyên đề tại các lớp bồi dưỡng chức danh, các lớp cao cấp lý luận chính trị. Trong khuôn khổ dự án Trung tâm Việt - Úc, Học viện đã tổ chức 9 chuyên đề ngoại khóa, do chuyên gia Ôxtrâylia trình bày, cho các lớp bồi dưỡng chức danh, lớp cao cấp lý luận chính trị và cho Ban Giám hiệu các trường chính trị và cán bộ lãnh đạo, giảng dạy Học viện.
Thứ hai, góp phần đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy
Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào việc đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy của Học viện. Học viện đã xây dựng và ban hành Khung chương trình cao cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (thời gian học 5 tháng); xây dựng 3 khung chương trình, đề cương chi tiết, tập bài giảng bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ của các nước có hợp tác đào tạo, bồi dưỡng với Học viện là: Campuchia, Ănggôla và Môdămbích. Năm 2022-2023, Học viện tiến hành sửa đổi Khung chương trình và năm 2024, đã hoàn thành biên soạn bộ giáo trình cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị và sơ cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Điểm nổi bật là, trong khung chương trình bồi dưỡng của các hệ lớp bồi dưỡng chức danh và các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung (lớp A), Học viện đã dành 01 chuyên đề ngoại khóa, do chuyên gia quốc tế (Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia) trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh được thực hiện thành công, mang lại hiệu quả và được đánh giá cao.
Trong khuôn khổ Đề án 1309(6), giai đoạn 2019 - 2022, Ủy ban Quyền con người Ôxtrâylia đã hỗ trợ Học viện thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng: tổ chức các khóa tập huấn trên toàn quốc về nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người cho đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên; dịch một số sách chuyên khảo về quyền con người sang tiếng Việt.
Năm 2022, trong khuôn khổ Đề án 979(7), Học viện đã xây dựng, đưa vào giảng dạy “Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đối ngoại dành cho cán bộ lãnh đạo của Lào”.
Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, một số bộ môn khoa học mới được xây dựng: Chính trị học so sánh, Phương pháp xử lý tình huống chính trị, Triết học Đông - Tây, Địa chính trị, Xã hội học lãnh đạo quản lý, Dân số và phát triển, Quyền con người, Giới và phát triển, góp phần đổi mới, đa dạng hóa chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Thứ ba, phục vụ công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các đảng bạn
Công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các đảng bạn, đặc biệt là cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Học viện. Trong giai đoạn 2019-2024, Học viện không ngừng mở rộng quy mô, đối tượng và chỉ tiêu đào tạo dành cho Lào; trung bình mỗi năm tổ chức 6 khóa bồi dưỡng ngắn hạn 2 tháng về công tác đối ngoại, giảng viên các trường chính trị, công tác tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra,...
Học viện chủ trì và phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ của Đảng và Nhà nước Lào. Năm 2022, mở 07 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho giảng viên, cán bộ các ban đảng cấp tỉnh, với 105 học viên; 01 lớp bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào với 30 học viên; tổ chức một số lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề cho cán bộ các ban, bộ, ngành cơ quan trung ương và địa phương.
Thứ tư, trong nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách
Học viện đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế. Ngoài các đối tác truyền thống, hợp tác khoa học còn mở rộng sang các nước, các tổ chức ở châu Phi, châu Mỹ, châu Mỹ - Latinh. Nhiều hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học được thực hiện, như: các nghiên cứu trong khuôn khổ dự án “Diễn đàn Phát triển địa phương” hợp tác với đối tác Mỹ giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện dự án “Nghiên cứu, xây dựng bản đồ các ngành công nghiệp Việt Nam” hợp tác với Ôxtrâylia năm 2022-2023; chuỗi nghiên cứu phục vụ “Tổng kết 40 năm đổi mới” của Việt Nam trong khuôn khổ dự án Trung tâm Việt - Úc năm 2023-2024; hoạt động nghiên cứu về chỉ số giới cấp tỉnh giữa Trung tâm Nghiên cứu giới và Lãnh đạo nữ (GeLEAD), Đại học Công nghệ Sydney năm 2023 - 2024; dự án “Tăng cường nghiên cứu và giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam” hợp tác với Ủy ban Quyền con người Ôxtrâylia năm 2023 - 2024; dự án hợp tác nghiên cứu với Nhật Bản năm 2024...
Với vai trò là một Trung tâm quốc gia về nghiên cứu lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học lãnh đạo, quản lý, tham mưu tư vấn chính sách, mỗi năm Học viện tổ chức từ 40-50 diễn đàn, hội thảo, tọa đàm song phương và đa phương, chia sẻ thông tin và trao đổi học thuật mang tính thời sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, trong nước và quốc tế. Kết quả của các chương trình, dự án, hội thảo với các đối tác quốc tế đã cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, góp phần tham mưu, xây dựng các báo cáo kiến nghị chính sách. Đáng chú ý là: Dự án “Diễn đàn Phát triển địa phương” đã xây dựng được các báo cáo kiến nghị chính sách cho 13 tỉnh/thành phố, hỗ trợ 13 trường chính trị tỉnh/thành phố đạt chuẩn về công tác nghiên cứu khoa học; Dự án Trung tâm Việt - Úc đã xây dựng được Bộ tài liệu phục vụ công tác tổng kết 40 năm đổi mới của Việt Nam; kết quả của hoạt động hợp tác với Ủy ban Nhân quyền Ôxtrâylia đã giúp thực hiện hiệu quả Đề án 1309 về việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Thứ năm, hợp tác quốc tế trong xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên
Dưới sự tài trợ của nhiều đối tác quốc tế (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,
Ôxtrâylia, UNDP, ADB,...), mỗi năm có hàng chục cán bộ, giảng viên của Học viện và các trường chính trị tỉnh được cử tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn và trung hạn ở nước ngoài. Trong khuôn khổ dự án hợp tác với Ôxtrâylia và đối tác ADB giai đoạn 2020-2023, Học viện đã tổ chức hàng chục chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực (kỹ năng lãnh đạo chiến lược; hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo; đào tạo chứng chỉ giảng dạy đại học cho giảng viên; tập huấn ba bên về kỹ năng phân tích chiến lược và viết báo cáo phân tích; khóa Study Mission tại Ôxtrâylia và Philíppin, Lào). Nhiều cán bộ của Học viện đã tham gia các khóa bồi dưỡng của Trung tâm Nghiên cứu An ninh chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do Mỹ tài trợ; diễn đàn “Lãnh đạo trong kỷ nguyên AI: Kỹ năng dành cho nhà lãnh đạo trong khu vực công” (năm 2024), do Viện Phát triển Nguồn nhân lực quốc gia Hàn Quốc tài trợ,... Bên cạnh đó, với sự tài trợ của những đối tác mới, nhiều cán bộ của Học viện được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều nước: Nhật Bản, Hungari, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Anh, Thụy Điển, Philíppin, Thái Lan, Mỹ,...
4. Một số định hướng chiến lược hợp tác quốc tế những năm tới
Một là, tiếp tục bổ sung, phát triển Chiến lược hợp tác quốc tế
Xây dựng Chiến lược hợp tác quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của Việt Nam; mở rộng các chương trình đào tạo quốc tế cho cán bộ các đảng bạn và học viên từ các nước đối tác; xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học lãnh đạo quản lý và các ngành khoa học khác, với mục tiêu xây dựng Học viện trở thành trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học hàng đầu, đến năm 2030 trở thành một trong những thiết chế tư vấn chiến lược có thứ hạng cao ở Đông Nam Á, có uy tín của khu vực và thế giới; có đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, học giả uy tín ngang tầm khu vực và thế giới với các công trình khoa học, sản phẩm nghiên cứu được công bố quốc tế; xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế phục vụ công tác tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước về đường lối xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Với phương châm “lấy bên ngoài phục vụ bên trong”, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài, các hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chiến lược hợp tác quốc tế bám sát Chiến lược tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện; phối hợp hiệu quả với các nhiệm vụ của Đề án 587, Đề án 979, Đề án 1309, Đề án 621; tăng cường đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy của Học viện theo hướng cơ bản, hiện đại, hội nhập; cập nhật các phương pháp, kỹ năng giảng dạy tiên tiến, hiện đại của thế giới; xây dựng một số chuyên đề, môn học mới đưa vào chương trình giảng dạy tại Học viện; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam có đủ năng lực hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế; tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện có dành cho cán bộ, lãnh đạo quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị dành cho các học viên quốc tế; tăng cường, mở rộng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chương trình trao đổi chuyên đề, nghiên cứu thực tế cho nhiều đối tượng, nhiều hệ lớp cho các đảng bạn, nước bạn.
Ba là, đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, tư vấn hoạch định đường lối, chính sách
Gắn chặt Chiến lược hợp tác quốc tế với Chiến lược nghiên cứu khoa học của Học viện, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, thật sự là nền tảng, nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện; lan tỏa những giá trị tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, phương pháp, phong cách làm việc khoa học, hiện đại, có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy, đáp ứng các yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức hợp tác quốc tế về khoa học, tổ chức diễn đàn hội nghị, hội thảo quốc tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Học viện; tăng cường hình thức trao đổi chuyên gia, phối hợp nghiên cứu chung, đăng bài quốc tế, tổ chức các diễn đàn học thuật quốc tế.
Bốn là, khuyến khích, tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, các Học viện trực thuộc chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế
Phát huy tốt vai trò hỗ trợ, kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của các Học viện trực thuộc, các viện chuyên ngành với các đối tác quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống trong công tác đối ngoại của Học viện. Công tác hợp tác quốc tế tăng cường hỗ trợ các viện chuyên ngành, cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện có cơ hội được tiếp cận với các tri thức, kiến thức mới, tiên tiến của thế giới; được tham gia các diễn đàn học thuật, mạng lưới chuyên gia, học giả quốc tế có uy tín trong khu vực và thế giới; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ, trang bị kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Năm là, tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng hợp tác của các đối tác truyền thống, mở rộng các đối tác hợp tác mới phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Học viện
Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hợp tác của đối tác quốc tế, công tác hợp tác quốc tế của Học viện cần tiếp tục phát huy tiềm lực, lợi thế hiện có; không ngừng tăng cường đổi mới, mở rộng phạm vi, lĩnh vực hợp tác, phương thức, hình thức hợp tác mới; chủ động tìm kiếm, mở rộng các đối tác mới, xây dựng các đề xuất hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Sáu là, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác hợp tác quốc tế cần chú trọng nâng cao năng lực hội nhập và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ cán bộ của hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố; đồng thời, nâng cao năng lực xây dựng, thực hiện, điều hành các dự án, chương trình nghiên cứu quốc tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học thông qua việc tăng cường các hoạt động chia sẻ tri thức, trao đổi và giao lưu học thuật. Quan tâm đầu tư tương xứng, có kế hoạch trung và dài hạn nhằm bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học có trình độ lý luận chính trị vững vàng và năng lực chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
5. Kết luận
Trong những năm 2019-2024, hoạt động hợp tác quốc tế được Học viện thực hiện đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Thành tựu nổi bật về hợp tác quốc tế của Học viện không chỉ phát triển về chiều rộng, mà cả về chiều sâu. Từ hình thức hợp tác chủ yếu là trao đổi các đoàn cán bộ nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm, đến nay, hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện đã đạt tới một tầm cao mới, chủ động hợp tác, phát huy hiệu quả hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao uy tín của Học viện, không chỉ trong nước, mà cả phạm vi khu vực và quốc tế.
Kết quả đạt được trong lĩnh vực hợp tác quốc tế giữa Học viện và các đối tác trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng giúp Học viện thực hiện tốt các trọng trách trong nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho Việt Nam. Nhờ vậy, uy tín của Học viện ngày càng được nâng cao ở trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế của trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu lý luận chính trị, tham mưu hoạch định đường lối, chính sách; góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét