Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sâu rộng, người đã định hình chiến lược phát triển toàn diện, bền vững cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự tiến bộ của dân tộc. Một trong những đóng góp quan trọng và nổi bật mà Tổng Bí thư để lại là sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ, cùng với các chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước.
Định hướng giáo dục là “quốc sách hàng đầu”
Giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với một quốc gia, là nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần quyết định vào sự phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ giúp người Việt Nam nâng cao tri thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo, cải thiện chất lượng cuộc sống trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tầm nhìn chiến lược đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng giáo dục là “quốc sách hàng đầu” và xác định đây là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị.
Ngày 4-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục -đào tạo; thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đối với giáo dục, tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết này, giáo dục – đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Cũng với nhận thức “đầu tư cho khoa học – công nghệ cũng như giáo dục – đào tạo là đầu tư cho phát triển”, ngày 31-10-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 20-NQ/TW). Nghị quyết không chỉ tạo ra khuôn khổ pháp lý và chiến lược để phát triển khoa học – công nghệ mà còn thúc đẩy việc ứng dụng những tiến bộ này vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những chiến lược đột phá phát triển kinh tế – xã hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tầm nhìn của thời đại, đã đưa ra những chiến lược và chính sách mang tính đột phá, định hướng dài hạn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Theo Tổng Bí thư, phát triển đất nước không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Tổng Bí thư cũng thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích sự sáng tạo, tự chủ và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết này được xem như là bước đột phá trong tư duy, tạo căn cứ cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một thực thể quan trọng của nền kinh tế. Nhận thấy cần thúc đẩy các chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, Tổng Bí thư cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ TW, ngày 3-6-2017 về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế và thu hút đầu tư. Những đóng góp này không chỉ là kim chỉ nam cho các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội.
GS NGUYỄN ĐÔNG PHONG
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét