LỢI ÍCH QUÓC GIA – DÂN TỘC
Mới đây, trên trang “Thongluan-rdp”, Trần Hiếu
Trân đăng tải bài viết: “Dư âm chuyến thăm Hà Nội của
Putin”, cho rằng, dư âm sẽ đọng lại lâu nhất trong chuyến thăm
Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 19-20/6/2024 theo lời mời
của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã phơi bày bản chất
chủ nghĩa thực dụng của Việt Nam. Đó là, hành động như một cô gái sành điệu đã
“dating” cùng lúc với cả “ba chàng trai” tiềm năng là Nga, Hoa Kỳ và Trung
Quốc. Thực tế, Trần Hiếu Trân đang cố tình xuyên tạc đường lối đối ngoại đúng
của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
1. Việt Nam khẳng định, quan điểm, lập trường
nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị,
hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy
và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; trong quan hệ
phải nắm vững hai mặt, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục
tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược. Đặt lợi ích quốc gia
– dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại, tức là đặt lợi ích quốc gia – dân
tộc lên trước hết và trên hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn
nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia – dân tộc tới mức cao nhất có thể trên cơ sở
các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình
đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ
động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; cùng phấn đấu vì hòa
bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
2. Về quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam khẳng định,
trên tinh thần: gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng
tới tương lai. Hiện nay, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn
diện sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr tháng
9/2023; quan hệ hai nước đang phát triển năng động và ngày càng sâu rộng trên
cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể
chế chính trị của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp tích cực vào hòa bình,
ổn định, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
3. Về quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam khẳng định
đây là mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện
theo phương châm 16 chữ vàng: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định
lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần 4 tốt: láng giềng tốt, bạn bè tốt,
đồng chí tốt, đối tác tốt, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Việt Nam và Trung Quốc mong muốn hai nước
phát triển quan hệ lâu dài, ổn định, ngày càng hiệu quả, thực chất theo tinh
thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và lợi ích căn bản
của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực
và trên thế giới.
4. Về quan hệ với Liên bang Nga, Việt Nam luôn
coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga,
là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam ủng hộ
nước Nga đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, chính
sách hướng Đông của nước Liên bang Nga, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng một
nước Việt Nam hòa bình, độc lập, vững mạnh có uy tín và vị thế ngày càng cao
cũng phù hợp với lợi ích lâu dài của Liên bang Nga ở châu Á-Thái Bình Dương và
trên thế giới. Liên bang Nga khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác
chiến lược toàn diện quan trọng nhất của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình
Dương, thể hiện nổi bật qua quan hệ chính trị – ngoại giao tốt đẹp, hợp tác
kinh tế – thương mại được duy trì, hợp tác quốc phòng, an ninh được củng cố,
hợp tác trên các lĩnh vực khác được thúc đẩy và quan hệ giữa các tổ chức xã hội
và giao lưu nhân dân ngày càng hiệu quả. Hai bên khẳng định: Việc củng cố và
nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện là một trong những ưu
tiên đối ngoại của Việt Nam và Liên bang Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài, góp phần
vào sự phát triển của mỗi nước, cũng như nâng cao vai trò của hai quốc gia tại
mỗi khu vực và trên thế giới. Việt Nam và Liên bang Nga xây dựng quan hệ trên
cơ sở tin cậy lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền
bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh
chấp, cũng như trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp
quốc tế, quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong cả
khuôn khổ song phương và đa phương. Hai bên, không liên minh hoặc thỏa thuận
với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng
như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga
không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác.
Như vậy, trong đối ngoại, Việt Nam không quá đề cao hay xem nhẹ
bất cứ mối quan hệ nào mà luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên hàng đầu.
Điều này, không có nghĩa là Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ mà phải trên
cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế,
bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Những luận điệu xuyên tạc, đường lối
đối ngoại của Việt Nam, đã bộc lộ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch,
đi ngược lại với lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Mỗi
chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét