Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

 Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục...; nhiều khái niệm mới dần đã quen thuộc với mọi người như "không gian mạng quốc gia", "biên giới không gian mạng", "an ninh mạng", "mạng xã hội", "an toàn thông tin mạng", "chính quyền số", "Chính phủ điện tử"...; nhiều tiện ích, phần mềm, ứng dụng, nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh, đã tác động sâu sắc, làm thay đổi toàn diện đến đời sống xã hội, như zalo, facebook, messenger, instagram, twitter, tiktok, youtube, zoom, telegram, viber... 

Bên cạnh những mặt tích cực, không thể phủ nhận của mạng xã hội trong đời sống hiện nay, đó là khả năng kết nối mọi người, không phân biệt quốc gia, dân tộc, không phân biệt giới tính, độ tuổi, có thể kết nối mọi lúc, mọi nơi, mạng xã hội như một thế giới thu nhỏ, nơi bạn có thể giao tiếp, chia sẻ thông tin, tài liệu, học tập, giải trí..., nó đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội của cộng đồng. Thì mạng xã hội vẫn còn nhiều mặt tiêu cực mà cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải nhận diện cho đúng, đó là công cụ, phương tiện để các thế lực thù địch, phản động, số cơ hội chính trị, chống đối triệt để lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, thúc đẩy nhanh quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của cán bộ, đảng viên khi thi hành công vụ, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, phản biện xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, chia rẽ, từ đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thực tế thời gian qua cho thấy các thế lực thù địch, phản động, chống đối triệt để lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phỉ báng lãnh tụ, xuyên tạc chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động chống đối, bài trừ Chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta… Thông tin xấu - độc, thù địch ngày càng gia tăng, nhất là thời điểm diễn ra các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ, Tết của dân tộc, khi Đảng, Nhà nước tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng hoặc có khi chỉ là một vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của công dân, hoạt động cưỡng chế, xét xử của cơ quan nhà nước… Trên địa bàn Hậu Giang gần đây lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý hình sự 03 đối tượng (Đinh Thị Thu Thủy, năm 2020, Đặng Hoàng Minh, năm 2021, Nguyễn Phúc Hưởng, năm 2022) và nhiều trường hợp bị xử lý hành chính liên quan đến mạng xã hội.

Để quản lý nhà nước về không gian mạng nói chung, quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên không gian mạng nói riêng, Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, kịp thời hướng dẫn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, như Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội v.v… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, đảng viên chúng ta quán triệt nắm vững, đồng thời cũng phải thường xuyên cập nhật kiến thức về không gian mạng, mạng xã hội, nhận diện đúng, đủ các thông tin xấu - độc, thù địch, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Anh-tin-bai

Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Thời gian tới các thế lực thù địch, phản động, số cơ hội chính trị, chống đối sẽ không từ bỏ âm mưu, tiếp tục lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Bên cạnh nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an và các ngành chức năng, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải luôn đề cao trách nhiệm và gương mẫu đi đầu trong đấu tranh, phản bác các tin xấu - độc, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi tham gia mạng xã hội, thể hiện ở một số nội dung cơ bản cần phải thực hiện như sau:

Một là, bên cạnh việc chấp hành nghiêm những điều cán bộ, đảng viên không được làm, chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị mình, thì phải quán triệt chấp hành nghiêm các quy định tại Điều 4, Điều 5, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; chấp hành nghiêm các nội dung trong Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Ban  Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập, sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội.

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham gia mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” trên không gian mạng.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là một "tuyên truyền viên", một "chiến sỹ xung kích" trên không gian mạng, tích cực lan tỏa, "phủ xanh" những thông tin tốt đẹp, giá trị tích cực, chia sẻ nhiều hơn nữa gương người tốt việc tốt, những "mô hình", cách làm hay cần nhân rộng, thường xuyên tuyên truyền phổ biến những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các nền tảng mạng xã hội mà mình tham gia.

Bốn là, khi tham gia mạng xã hội cán bộ, đảng viên phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tự xây dựng ý thức “đề kháng”, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, khi phát hiện thông tin xấu - độc, thù địch, phản động trên không gian mạng phải quyết liệt đấu tranh phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đồng thời báo cáo cho các cơ quan chức năng và ngành công an xử lý theo quy định.

Trong giai đoạn hiện nay, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải xác định vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu đi đầu khi tham gia mạng xã hội, từ đó góp phần vào công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, từng bước làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng.

 "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông:
Điều 4. Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Điều 5. Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước thực hiện nội dung quy định tới Điều 4 của Bộ Quy tắc này.
2. Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
3. Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét