Trong giai
đoạn hiện nay, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang thực sự trở thành
một trong những nguy cơ, thách thức hàng đầu đối với sự tồn tại
của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Hiện tượng này diễn ra trên nhiều phương diện, nảy sinh ở những cán
bộ, đảng viên, quần chúng và cũng có thể nảy sinh từ những cán bộ,
đảng viên giữ chức vụ ở các cấp. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
diễn ra trong một quá trình và biểu hiện qua nhiều dấu hiệu cụ thể
trong tâm lý, tư tưởng, đạo đức và lối sống hàng ngày. Nó dẫn đến sự thay
đổi hành vi, thay đổi về quan điểm chính trị và là mầm mống của các hoạt
động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới nhiều hình thức. Vì
vậy, nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
là yêu cầu mang tính cấp bách đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
“Tự diễn biến
là tự biến đổi theo một chiều hướng nào đó”, còn “tự chuyển hóa
là tự biến đổi từ dạng này sang dạng khác”. Đối với Việt Nam khi
nói tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới
sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường chính trị - tư tưởng
ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong một số tổ chức Đảng, cơ
quan Nhà nước, đoàn thể xã hội... “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
thường do sự tác động từ bên ngoài thông qua các hoạt động tuyên
truyền thù địch, sự tác động từ những biến động tiêu cực của tình
hình thế giới như: sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu
hay gần đây là “Cách mạng màu”, “Cách mạng hoa”; kết hợp với sự
tác động từ bên trong bởi tình trạng mất dân chủ, quan liêu, tham
nhũng, sự phân hóa giàu nghèo... dẫn tới sự bất mãn, bất bình
nghiêm trọng trong xã hội. Nhưng trước hết và chủ yếu là do nguyên
nhân chủ quan từ chính bản thân những cán bộ, đảng viên có lập
trường chính trị - tư tưởng không vững vàng, sự bất mãn hay do
buông lỏng trong quản lý, giáo dục của các tổ chức Đảng, cơ quan
Nhà nước, Đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị của Nhà nước
ta.
“Tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” - một hiện tượng chính trị - xã hội
phức tạp bao gồm nhiều biểu hiện; trong đó, tập trung chủ yếu vào các
biểu hiện sau:
Trước hết là những biểu
hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng
viên.
Những biểu hiện suy thoái về tư
tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ tuy xảy ra ở một bộ phận cán
bộ nhưng hiện nay nó đang có những diễn biến, biểu hiện vô cùng
phức tạp. Nghiêm trọng nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng,
phủ nhận thành quả của cách mạng, hoài nghi về Chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội, về khả năng lãnh đạo của Đảng. Từ đó, tỏ
ra bất mãn với chế độ, luôn có tư tưởng đi ngược lại với quan
điểm Đảng, ủng hộ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, sẵn sàng
từ bỏ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã
lựa chọn, làm phương hại đến lợi ích của Đảng, của dân tộc, thậm
chí bôi nhọ, phủ nhận thành quả cách mạng của cha ông ta xây dựng, bôi nhọ
những gì thuộc về đất nước mình và luôn ca tụng, tung hô một cách
cực đoan lối sống, xã hội phương Tây. Có thể nói đây là một biểu
hiện quan trọng của sự xuống cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị
và trong giai đoạn hiện nay, biểu hiện này đang có xu hướng gia tăng,
không dễ ngăn chặn, đẩy lùi. Tất cả những nhận thức và hành động
trên của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng lớn tới
uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đây là mức độ nguy hiểm cao của sự xuống cấp, suy thoái về tư
tưởng chính trị.
Thứ hai, đó là những biểu
hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Song song với sự
xuống cấp của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tư tưởng, chính
trị thì sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của đội ngũ này cũng
đã và đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và phạm vi và để
lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, “tình trạng tham nhũng, lãng
phí vẫn còn diễn ra với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp,
gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân
với Đảng và Nhà nước”. Trong thời gian gần đây có những vụ tham nhũng,
lãng phí gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản
của Nhà nước, gây bức xúc dư luận, làm giảm niềm tin của quần
chúng vào vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, vào sự
lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Không chỉ có tình trạng tham
nhũng, hối lộ, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức,
quyền để mưu lợi cá nhân, dẫn đến coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng
đồng. Bệnh cơ hội, tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa cá nhân có chiều
hướng gia tăng, “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ
khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước; đó
là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát
triển”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chi
tiêu công, dùng tài sản công phục vụ mục đích cá nhân; có lối
sống hưởng lạc, xa hoa, lãng phí không quan tâm đến đời sống còn
khó khăn của Nhân dân dẫn đến thói quan liêu, xa dân, lãnh đạm, vô
cảm trước những khó khăn, bức xúc và yêu cầu, đòi hỏi chính đáng
của Nhân dân, thậm chí đi ngược tâm tư, quyền lợi của Nhân dân,
gây bức xúc trong Nhân dân, làm tổn hại thanh danh và uy tín của
Đảng, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng,
sự quản lý của Nhà nước, cũng như sự lựa chọn con đường đi lên
Chủ nghĩa xã hội.
Như vậy tình trạng xuống cấp, suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận
cán bộ ở nước ta hiện nay đã và đang trở nên rất nghiêm trọng với
nhiều những biểu hiện khác nhau, phạm vi biểu hiện ở nhiều nơi,
nhiều cấp, nhiều ngành, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của quần
chúng Nhân dân và Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, để phát hiện ngay được
những đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ là rất khó
bởi vốn nó tự diễn ra trong đầu óc con người. Tuy nhiên, chúng ta
có thể phòng ngừa từ xa và phát hiện được, bởi những người mang tư
tưởng sai lệch trước sau gì cũng sẽ thể hiện ra những hành vi sai
trái và đó chính là cơ sở để nhận diện, kịp thời ngăn chặn, đẩy
lùi và xử lý. Hơn nữa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là bước
tiếp theo của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
bởi vậy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện, đấu tranh ngăn
chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống tức là sẽ ngăn chặn được “tự diễn biến”, “tự
chuyển hoá” trong nội bộ. Đồng thời, nếu không kịp thời nhận diện
và kiên quyết đấu tranh với tất cả những biểu hiện, hành động “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá” thì
nguy cơ dẫn đến vấn đề “diễn biến hoà bình” là rất lớn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét