Về quan điểm
Kiểm soát quyền lực là vấn đề chính trị - pháp lý sâu sắc, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của từng cơ quan, từng cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước. Do đó, để xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, đòi hỏi có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, trong đó sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Đảng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định.
Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nâng cao nhận thức về bản chất của nhà nước ta; quyền lực chính trị của Đảng lãnh đạo, cầm quyền cũng như quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ quyền lực của nhân dân, được tổ chức và hoạt động trong giới hạn, bị ràng buộc và bị kiểm soát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, phụng sự nhân dân là nguyên tắc tối cao trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước.
Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực cần được tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ, hệ thống trong tổng thể xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, trong việc tiếp tục cải cách, đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương nói riêng.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề mới, nhạy cảm cần có sự tham khảo các giá trị phổ quát của các nhà nước dân chủ và pháp quyền trên thế giới với sự vận dụng và phát triển thận trọng, phù hợp với hệ thống chính trị và truyền thống văn hóa của nước ta; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và phát triển. Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả và xác định trọng tâm là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về nhiệm vụ
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước nói riêng. Đây là vấn đề quan trọng trong phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước, làm cho quyền lực nhà nước mạnh, hiệu lực và hiệu quả, thực sự là quyền lực của nhân dân. Hình thành tư duy thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong thực thi quyền lực nhà nước; coi Hiến pháp và pháp luật là phương tiện để giới hạn và kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước.
Hai là, hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định rõ hơn, đầy đủ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công mạch lạc, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng cấp chính quyền địa phương. Quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát cơ quan thực hiện quyền lập pháp và quyền tư pháp, của cơ quan tư pháp trong kiểm soát cơ quan thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp.
Ba là, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước với cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của Đảng đối với nhà nước và cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân tạo thành sức mạnh tổng thể kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Về giải pháp:
Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống lý luận đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó cần làm sâu sắc lý luận và thực tiễn kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta. Nâng cao văn hóa pháp luật, pháp quyền, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi quyền lực nhà nước bằng việc đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đề cao trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc học tập, quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, về thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và kiểm soát quyền lực nhà nước nói riêng.
Hai là, rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hiến định để phân công, quyền lực nhà nước phù hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc quy định không đúng hay bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước chỉ có hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở phân công quyền lực nhà nước một cách đúng đắn, rõ ràng và minh bạch. Theo đó, cần tiếp tục phân công quyền lực một cách đúng đắn và phù hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Hiện nay, trong một số đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước còn có sự phân công, phân nhiệm không phù hợp. Ví dụ: “Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn bộ máy giúp việc Tòa án nhân dân tối cao” (Khoản 9, Điều 27 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014); “Tòa án nhân dân tối cao quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức ” (Khoản 1, Điều 18 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014). Các nhiệm vụ, quyền hạn này cần được phân công cho Chính phủ, cơ quan được Hiến pháp quy định là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Có như vậy Chính phủ mới kiểm soát được các hoạt động mang tính hành chính nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp.
Cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án để quyền tư pháp phát huy đầy đủ vai trò của mình. Ví dụ: mở rộng thẩm quyền cho Tòa án tài phán các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật mà công dân cho rằng cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng là trái với Luật của Quốc hội hay Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Có như vậy, quyền tư pháp mới phát huy được vai trò kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp.
Quy định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực và hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội đối với các quyền hành pháp và tư pháp.
Quy định rõ hơn vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, trong quy trình lập pháp của Quốc hội, bảo đảm Chính phủ vừa phối hợp với Quốc hội, vừa tăng cường kiểm soát hoạt động lập pháp của Quốc hội. Cần bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành để Chính phủ có thể kiểm soát được các hoạt động hành chính nhà nước trong tổ chức và hoạt động của quyền lập pháp.
Ba là, cùng với việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để trong mỗi quyền, mỗi cơ quan đều có cơ chế tự kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước đủ mạnh để tự mình kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước của mình.
Nghiên cứu hình thành cơ chế tự kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Ví dụ, hình thành cơ chế kiểm soát, đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và thanh tra của các địa phương thực sự là công cụ kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước trong các cơ quan hành chính nhà nước, khắc phục nhận thức một chiều thanh tra là công cụ quản lý nhà nước, phục vụ thủ trưởng quản lý nhà nước.
Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách khoa học, hợp lý; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo của chính quyền địa phương gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp trên đối với
cấp dưới.
Xác định rõ cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trên từng ngành, từng lĩnh vực; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn bảo đảm trách nhiệm rõ ràng, trên cơ sở đó tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra cấp trên đối với cấp dưới.
Kiện toàn cơ chế thanh tra, kiểm tra ở mỗi cấp đủ mạnh để kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước ở cấp mình và cấp dưới.
Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước với cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng đối với nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân (cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài). Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cơ quan báo chí trong giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Xây dựng quy chế, quy trình phối hợp chặt chẽ giữa giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của các cơ quan của Quốc hội với giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hằng năm.
Phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và chính quyền địa phương với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban kiểm tra các cấp trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng và Nhà nước.
Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tiêu cực, tham nhũng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét