Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay

 Từ sau Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp năm 2013 đến nay, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nói chung, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực cả trong nhận thức lẫn trong thực tiễn vận hành. Điều đó thể hiện trên một số mặt cơ bản sau:

Thứ nhất, việc thừa nhận trong văn kiện của Đảng và Nhà nước rằng Nhà nước ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là bước đột phá về nhận thức để từng bước chuyển từ tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình tập quyền xã hội chủ nghĩa, không coi trọng và đề cao việc phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước sang mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa coi trọng và đề cao việc phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Từ sau Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp năm 2013 các quy định của Đảng trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực đã trở thành các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo một cách mạnh mẽ, quyết liệt với nội dung mới và sâu sắc hơn so với trước đây. Các quan điểm về “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”(2); xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường công tác kiểm tra thực hiện(3); Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền(4); “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí;...”(5); “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(6) và mới đây, trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” lại tiếp tục nhấn mạnh: kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng.

Về thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước

Với sự phân công mạch lạc, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Tòa án thực hiện quyền tư pháp của Hiến pháp năm 2013; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã hình thành và phát huy tác dụng trong thực tiễn. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng cường các hoạt động giám sát tối cao và giám sát đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kiểm soát quyền lực nhà nước bằng các phương thức chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, giám sát chuyên đề của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong những năm qua có nhiều đổi mới, hiệu lực và hiệu quả ngày càng được nâng cao. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi quyền lực nhà nước cũng được tăng cường góp phần vào việc tự kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ mỗi cơ quan được đề cao, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan cấp trên được tăng cường.

Tuy đạt được một số kết quả nói trên, nhưng kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước còn một số hạn chế:

Một là, cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mới chỉ chú trọng việc kiểm soát của lập pháp (Quốc hội) đối với hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án). Còn Chính phủ - cơ quan thực hiện quyền hành pháp - kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp, tư pháp cũng như cơ quan thực hiện quyền tư pháp kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp chưa được coi trọng. Vì thế, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền chưa hình thành một cách đầy đủ theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013. Hiện nay, chưa hình thành cơ chế kiểm soát của quyền hành pháp đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và quyền tư pháp, chưa có cơ chế phát huy đầy đủ vai trò của quyền tư pháp trong kiểm soát đối với quyền lập pháp và quyền hành pháp.

Hai là, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền đã hình thành, nhưng chưa đủ mạnh và đúng nghĩa là một cơ chế kiểm soát độc lập trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp chủ yếu là công cụ nặng về quản lý nhà nước, phụ thuộc vào thủ trưởng trong việc đưa ra kết luận thanh tra hơn là một công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực của chính quyền cấp trên đối với cấp dưới và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chưa được tiến hành thường xuyên và đúng mức.

Ba là, sự phân công và xác định trách nhiệm giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp còn có những quy định chưa hợp lý, chưa cụ thể, chưa rõ, còn tình trạng phân công chưa rành mạch, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nên không thực hiện được việc kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền(7).

Về thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài

Cơ chế kiểm soát quyền lực này đã bước đầu hình thành và vận hành trong thực tiễn. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa chức năng hiến định về giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các thành viên của Mặt trận kiểm soát việc thực thi quyền lực của các tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước. Hằng năm, các cấp của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận đã tiến hành giám sát và phản biện hàng nghìn cuộc(8). Tuy nhiên, nhìn chung cơ chế kiểm soát này vận hành chưa thực chất do nhận thức của cả chủ thể giám sát lẫn đối tượng bị giám sát chưa đầy đủ, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện. Công dân chưa hình thành ý thức và thói quen giám sát việc thực thi quyền lực của các cơ quan nhà nước thông qua các quyền dân chủ trực tiếp của mình, như quyền bầu cử, quyền khiếu nại tố cáo... Các phương tiện truyền thông đại chúng kết hợp với công luận đã góp phần tích cực vào kiểm soát quyền lực nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc tạo lập bầu không khí dân chủ, cung cấp phương pháp, cách thức, kinh nghiệm để hỗ trợ tích cực hơn cho nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa được nhiều. Đánh giá tổng thể, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ ra rằng: “quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện”. Những hạn chế này do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là “quyết tâm chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra”.

Về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước độc lập do Luật định

Điều 119, Khoản 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”. Đến nay cơ chế này chưa ra đời. Chắc chắn, trong thời gian tới cơ chế này sẽ được tiếp tục nghiên cứu để hình thành một mô hình bảo hiến độc lập phù hợp với tổ chức quyền lực ở nước ta do một đạo luật quy định.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét