Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Vai trò của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vừa bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong, vừa bao gồm cơ chế kiểm soát bên ngoài và cơ chế kiểm soát quyền lực độc lập. Tất cả tạo thành một tổng thể kiểm soát quyền lực có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước.

Trước hết, kiểm soát quyền lực nhà nước là phương tiện để nhà nước tự mình giữ vững và phát huy bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của nhà nước mà là quyền lực của nhân dân, được nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền thông qua quyền lập hiến của mình. Vì thế, hơn ai hết, nhà nước phải tự kiểm soát được mình, để sau khi nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền, quyền lực nhà nước được vận hành theo đúng quyền lực được nhân dân giao cho; phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Theo đó, việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế kiểm soát đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước là nhằm xây dựng công cụ, phương tiện pháp lý cơ bản để hạn chế sự lạm dụng quyền lực nhà nước của những người cầm quyền dẫn đến xu hướng quyền lực nhà nước bị tha hóa, lộng quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Quyền lực nhà nước rất cần thiết đối với xã hội, nhưng cũng chính con người phải đối mặt với những nguy hại do quyền lực nhà nước bị tha hóa. Khi đó, quyền lực nhà nước lại trở thành công cụ thỏa mãn lợi ích của những người nắm giữ quyền lực và đối lập với lợi ích của nhân dân. Vậy làm thế nào để con người thoát ra khỏi mâu thuẫn vừa cần trật tự và phát triển ổn định do vai trò của quyền lực nhà nước, vừa chống lại sự lạm quyền của nhà nước? Kinh nghiệm của nhân loại chỉ ra rằng phải xây dựng một nhà nước dân chủ và pháp quyền, tức là phải xây dựng một chính quyền trước hết kiểm soát được chính bản thân mình và tiếp theo kiểm soát được xã hội.

Hai là, kiểm soát quyền lực trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phương tiện bảo đảm cho quyền lực Nhà nước được thực thi hiệu lực và hiệu quả. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, xã hội càng trở nên hiện đại, tổ chức quyền lực nhà nước lại càng cần được phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ. Đây là một yêu cầu khách quan do sự phân công lao động xã hội, do tính chuyên môn hóa của hoạt động quyền lực nhà nước. Đồng thời, việc thực thi quyền lực cũng có những hạn chế, do chỗ “Loài người không phải là thánh thần không bao giờ sai lầm; chân lý của họ phần nhiều chỉ là các chân-lý-một-nửa”(1). Hơn nữa, con người còn bị điều khiển, bị chi phối bởi nhiều tham vọng, trong đó có tham vọng về quyền lực vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để đạt được tham vọng khác. Do đó, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Vì vậy, trong tổ chức quyền lực nhà nước cần có cơ chế tự kiểm soát mình và kiểm soát lẫn nhau một cách chặt chẽ những con người làm việc trong bộ máy quyền lực nhà nước để có thể kịp thời phát hiện và xử lý được ngay khi những người này không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Đồng thời, đối với hệ thống chính trị do một Đảng lãnh đạo cầm quyền như nước ta, cơ chế kiểm soát quyền lực vừa bao gồm các chủ thể cả bên trong, vừa bao gồm chủ thể bên ngoài bộ máy nhà nước lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi đây là cơ chế bảo đảm cho sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng vững mạnh; bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Ba là, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nước ta, việc xây dựng và hoàn thiện đồng thời cả ba cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói trên đều có vai trò quan trọng và có tác động qua lại. Trước hết, cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong là nhân tố bảo đảm cho nhà nước tự kiểm soát được chính mình. Đồng thời, các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài và kiểm soát độc lập là các cơ chế đặc biệt quan trọng để bảo đảm cho quyền lực nhà nước thực sự là quyền lực của nhân dân, bổ sung, hỗ trợ cho cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong phát huy hiệu lực và hiệu quả. Cơ chế tự mình kiểm soát quyền lực của mình, tự mình phát hiện, khắc phục hạn chế trong thực thi quyền lực nhà nước là rất cần thiết, nhưng chưa đủ, nhất là trong hệ thống chính trị một Đảng cầm quyền như nước ta. Trong nhiều trường hợp, kiểm tra của các cấp ủy, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân lại trở thành cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực và hiệu quả, tác động trở lại đối với cơ chế kiểm soát bên trong.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét