Trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Đổi mới
toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng” về văn hóa, nhằm bảo đảm
cho văn hóa phát
triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; khắc phục tình trạng “lúng
túng, chậm trễ” trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa thời gian qua.
Trong đó, Văn
kiện Đại hội XIII nhấn mạnh phải đổi mới
toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng về văn hóa trên các nội
dung sau: Đảng lãnh đạo phát triển văn hóa bằng định hướng chính trị, chủ
trương, nghị quyết; Đảng lãnh đạo đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các
quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa; Đảng lãnh đạo tăng cường vai trò quản
lý của nhà nước đối với các lĩnh vực của văn hóa; Đảng lãnh đạo bằng công tác
kiểm tra, giám sát, thanh tra văn hóa và phát huy vai trò của các chủ thể; Đảng
lãnh đạo kế thừa, tiếp nhận những giá trị văn hóa tiên tiến và lọc bỏ những yếu
tố phản văn hóa; được thực hiện thông qua các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ
trực tiếp làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Đại hội XIII
tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh phải “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của
Nhà nước về văn hoá” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đại hội đã đưa ra yêu
cầu phải “Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hoá
đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư
dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư
cao trong lĩnh vực văn hoá”. Tinh thần trên thể hiện rõ nhiệm vụ có tính đặc
trưng của chủ thể là Nhà nước trong quản lý phát triển văn hóa. Nhiệm vụ này đã
được xác định trong nghị quyết các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Đại hội XIII của
Đảng đã thể hiện sự bổ sung, cụ thể hóa nội dung “khắc phục tình trạng đầu tư
dàn trải, kém hiệu quả” bởi thực tiễn cho thấy nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực
văn hóa còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Nội dung này sẽ tạo cơ sở cho việc
xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước
tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển kết cấu hạ
tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và
sự kiện văn hóa - nghệ thuật quốc gia.
Đại hội XIII
của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại phù
hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các
tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hoá phẩm ngoại
lai độc hại; từng bước đưa văn hoá Việt Nam đến với thế giới”. Quan điểm trên
chỉ rõ một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới đó là, cần phải ứng xử
đúng đắn, hợp lý với những giá trị văn hóa của các nền văn hóa khác; kiên quyết
ngăn ngừa và đấu tranh đối với các sản phẩm phản văn hóa; nâng cao hiệu quả
công tác văn hóa đối ngoại, cần tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, nhằm
khẳng định tính ưu việt của văn hóa Việt Nam, đồng thời góp phần làm phong phú
các giá trị văn hóa cho nhân loại; bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho cộng đồng
các dân tộc Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến cộng đồng các dân tộc
thiểu số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét