Chủ nghĩa Mác về bản chất là một học thuyết phát triển, là hệ thống mở
với bản chất vốn có là luôn được vận dụng, bổ sung, phát triển cho phù hợp thực
tiễn.
Trong bức thư gửi nhà văn người Mỹ bà Phlo-ren-xơ
Ken-li-vi-sne-vét-xcai-a, ngày 27 tháng giêng năm 1887, Ph.Ăngghen đã nói rõ:
“Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo
điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”.
V.I.Lênin sau này, vào năm 1910, đã nhắc lại lời khẳng định Ph.Ăngghen
“Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và người bạn nổi tiếng của mình
- không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động” và cho rằng
quên điều này “thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái
dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản
của nó - tức là phép biện chứng”.
V.I.Lênin cũng nhấn mạnh “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo
điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy,
bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó
không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”.
Chính vì vậy, nó luôn phải được vận dụng, bổ sung, phát triển.
Chính lịch sử hình thành, phát triển của chủ nghĩa Mác cũng đã chứng
minh điều đó. C. Mác và Ph. Ăngghen không phải ngay từ đầu đã có lập
trường cộng sản chủ nghĩa và thế giới quan duy vật biện chứng. Đó là cả một quá
trình chuyển biến, tự bổ sung, phát triển lý luận của các ông. Chẳng hạn, khái
niệm “quan hệ sản xuất” ở “Hệ
tư tưởng Đức” (cuối 1845 đầu 1846), chỉ mới được C.Mác và Ph.Ăngghen sử
dụng như là “quan hệ giao tiếp”. Đến “Sự
khốn cùng của triết học” (1847), được C.Mác sử dụng như là “quan hệ
xã hội”, đến “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” mới
là “quan hệ sản xuất”. Hay khái niệm “chuyên chính vô sản”, ở “Sự khốn cùng của triết học” mới
được C.Mác trình bày dưới dạng mầm mống, thể hiện ở luận điểm “giai cấp công
nhân bằng cách tổ chức liên hiệp lại để loại bỏ giai cấp tư sản”. Đến “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”,
chuyên chính vô sản được thể hiện “nhà nước là công cụ bạo lực để thiết lập
chính quyền”. Đến ngày 5 tháng 3 năm 1852 trong “Thư
gửi Vâyđơmayơ” C.Mác lần đầu tiên dùng thuật ngữ “chuyên chính vô
sản”.
V.I.Lênin đã vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện
khoa học về thế giới vi mô phát triển như vũ bão; sự chuyển biến của chủ nghĩa
tư bản sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, nhưng bản chất ăn bám, bóc lột của nó
không đổi; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết đặt
ra nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trong bối cảnh đó, V.I.Lênin
đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và
đã bổ sung, phát triển nhiều
luận điểm lý luận của chủ nghĩa Mác về triết học; kinh tế chính trị và chủ
nghĩa cộng sản khoa học.
Chính sách kinh tế mới (NEP) là một trong những minh chứng cho sự vận
dụng, bổ sung, phát triển hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện nước Nga
bởi V.I.Lênin. Trong "Cương
lĩnh của chúng ta", V.I.Lênin đã khẳng định: "Chúng ta không
hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm;
trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà
những người xã hội chủ nghĩa cần
phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc
hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga
đặc biệt cần phải tự mình phát
triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng
nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi,
ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở
Nga".
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin luôn đòi hỏi những người cộng sản
phải biết vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản sao cho
phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa, v.v... của mỗi
nước. Như vậy, yêu cầu vận dụng, bổ sung, phát triển là bản chất đặc trưng vốn
có, là yêu cầu nội tại của chủ nghĩa Mác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét