Từ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác,
chúng ta thấy, thực tiễn cuộc sống luôn vận động, biến đổi, phát triển, vì thế,
nhận thức của con người nói chung, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng
cũng luôn phải được vận dụng, bổ sung, phát triển cho phù hợp thực tiễn. Thời
đại ngày nay có nhiều biến động sâu sắc, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp;
xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn; các nước lớn điều chỉnh chiến
lược, vừa hợp tác thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau. Cuộc
cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển mạnh
mẽ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân túy
đang nổi lên trong quan hệ quốc tế. Những vấn đề toàn cầu như an ninh lương
thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước sạch, biến đổi khí hậu, thiên tai,
dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế ngày càng phải đối phó
với các thách thức an ninh mạng. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trong
khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á tiếp tục diễn ra phức tạp,v.v..
Tất cả những nhân tố này tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới và phong trào
công nhân, đồng thời đòi hỏi chủ nghĩa Mác - Lênin phải được vận dụng, bổ sung,
phát triển để phù hợp với tình hình biến đổi của thực tiễn. Ngay trong Lời tựa viết cho bản tiếng
Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất
bản năm 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định có một số đoạn nhỏ, chi tiết
nhỏ của tác phẩm này cần được xem xét lại, viết khác đi, vì thực tiễn đã đổi
thay. Những biến đổi mau lẹ của thực tiễn đầu thế kỷ XXI này đang đặt ra nhiều
vấn đề lý luận và thực tiễn, mà để giải quyết chúng một cách đúng đắn, chúng ta
đồng thời phải dựa vào phương pháp luận, quan điểm, lập trường, thái độ của chủ
nghĩa Mác – Lênin, phải vừa tìm ở chính thực tiễn ngày hôm nay. Điều đó nói lên
rằng, chính thực tiễn ngày hôm nay đang đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục vận
dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính C.Mác và
Ph.Ăngghen đã lưu ý rằng "... chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng
tạo ra, không phải là lý
tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là
một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ
trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện
đang tồn tại đẻ ra".
Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông
Âu, thì "dàn đồng ca” chống chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đông hơn, đa dạng
hơn gấp nhiều lần. Tình hình này đòi hỏi những người cộng sản chân chính phải
biết vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách khoa học, phù
hợp thực tiễn. Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới bảo vệ được chủ nghĩa Mác –
Lênin. Thời đại ngày nay đang có nhiều biến động sâu sắc, song như Đảng Cộng
sản Việt Nam đã nhận định “Theo
quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã
hội”. Các quốc gia, dân tộc "... để đạt mục đích chiến thắng
giai cấp tư sản thì đều giống nhau về bản chất, song mỗi nước lại hoàn thành
quá trình phát triển ấy theo
cách thức riêng của mình". Điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia, dân
tộc đòi hỏi phải áp dụng những nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản “sao cho những
nguyên tắc ấy được cải biến đúng đắn
trong những vấn đề chi tiết, được làm cho phù hợp, cho thích hợp với đặc
điểm dân tộc và đặc điểm nhà nước - dân tộc". Điều
này đòi hỏi những người cộng sản ở các quốc gia, dân tộc khác nhau phải biết
vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự phát triển
mạnh mẽ của khoa học, công nghệ cũng đòi hỏi chủ nghĩa Mác - Lênin phải được
vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo. Đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Mỗi
lần có một phát minh mang ý nghĩa thời đại ngay cả trong lĩnh vực khoa học lịch
sử - tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật lại không tránh khỏi thay đổi hình thức của
nó”. Điều này hoàn toàn đúng với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Khi khẳng định lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận phát triển không
có nghĩa là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin không ổn định.
Điều cần lưu ý ở đây là "...tuỳ theo những bước chuyển của tình hình xã
hội và chính trị cụ thể, cho
nên những phương diện khác
nhau của chủ nghĩa Mác, tức là của một học thuyết sinh động, không thể không nổi bật lên
hàng đầu". Có nghĩa là, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
cho tới nay vẫn hoàn toàn đúng đắn, khoa học, cách mạng, nhưng có những luận
điểm cụ thể nào đó do thực tiễn chính trị - xã hội, cũng như do sự phát triển
của kinh tế, của khoa học, v.v... đã đổi thay mà cần phải được bổ sung, phát
triển, thậm chí loại bỏ. Chẳng hạn, trong Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen mới nêu ra khẩu hiệu
“Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”, V.I.Lênin trong điều kiện thực tiễn mới
đã bổ sung thành “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết
lại!”. Hay như, C.Mác và Ph. Ăngghen sống trong thời đại mà chủ nghĩa tư bản
phát triển tương đối đồng đều, nên các ông đã chỉ rõ, cách mạng vô sản chỉ có
thể nổ ra đồng thời ở một loạt nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Nhưng bước sang
thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
V.I.Lênin bổ sung: “Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị là quy
luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó chúng ta thấy rằng, chủ nghĩa xã hội
có thể thắng lợi trước hết trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa, hoặc thậm chí
chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa tách riêng ra mà nói”. Thực tiễn đã
chứng minh tính đúng đắn cho luận điểm này của V.I.Lênin. Tất nhiên luận điểm
này của V.I.Lênin không mâu thuẫn với luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Bởi
lẽ, thực tiễn đổi thay thì những kết luận được rút ra từ tổng kết thực tiễn
cũng phải đổi thay theo cho phù hợp thực tiễn mới. Tất cả những điều này cho
thấy chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết luôn được vận dụng, bổ sung, phát
triển cho phù hợp thực tiễn.
Sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
bởi Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các đảng cộng sản và phong
trào công nhân quốc tế càng cho thấy vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác không chỉ là bản chất nội tại của chủ nghĩa Mác mà còn là đáp
ứng yêu cầu thực tiễn.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, bổ sung, phát triển hết sức
sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin như gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa
xã hội; phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam; đưa ra mô hình
chủ nghĩa xã hội Việt Nam với tám đặc trưng. Trong đó, đặc trưng “Dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa là đặc trưng đầu tiên vừa là mục
đích của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định tám
phương hướng lớn để xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng chín mối quan hệ lớn cần
giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Về kinh tế, Đảng Cộng sản
Việt Nam coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như công cụ, phương tiện xây
dựng chủ nghĩa xã hội, là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó
kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan
trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp
tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy
động và phân bổ các nguồn lực phát triển; là động lực chủ yếu giải phóng sức
sản xuất; v.v.. Đảng Cộng sản Việt Nam coi xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là hình thức tối ưu thực hiện
quyền lực của nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam
coi xây dựng Đảng về đạo đức là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác
xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng coi phát triển
“Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển
kinh tế xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Đây là kết quả
của sự tổng kết thực tiễn, tiếp thu, vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác-Lênin cũng như những thành tựu của tư duy nhân loại về văn hóa; v.v..
Tất cả những điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong vận
dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực
tiễn Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét