Đại
hội XIII của Đảng đã xác định: tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá
trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam
trong thời kỳ mới là nhằm bảo đảm tốt nhất cho văn hóa tham gia vào góp phần
định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội trong các hoạt động chính
trị, kinh tế, xã hội; là biểu tượng cho sự đoàn kết và gắn kết các tầng lớp,
các giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc, các thành phần kinh tế - xã hội khác
nhau, tạo nên sự đồng thuận dân tộc, thống nhất ý chí và tình cảm của dân tộc
trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lần đầu tiên,
Đảng ta nêu lên thuật ngữ “hệ giá trị quốc gia” trong Văn kiện của Đảng.
Nội hàm của nhiệm vụ, giải pháp này là tập
trung hoàn thiện và triển khai xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị văn hóa của quốc gia - dân tộc Việt Nam thời
kỳ mới. Đó là yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết, đặc biệt là trong
thời kỳ đổi mới, phát triển và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng
sâu rộng hiện nay. Hệ thống chuẩn mực giá trị văn hóa của quốc gia - dân tộc
Việt Nam thời kỳ mới sẽ là sự hòa quyện hữu cơ giữa giá trị văn hóa truyền
thống của dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ
nước với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, thể hiện rõ bản
sắc, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam hướng đến mục tiêu: “Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội XIII
của Đảng xác định: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn
hóa thực sự trong sạch, lành mạnh”. Đây là quan điểm mang tính định hướng đúng
đắn, cần thiết, bởi chúng ta đang thiếu những cơ chế, chính sách, giải pháp
hiệu quả để khắc phục tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và của toàn
cầu hóa. Trước hết, cần đẩy nhanh công tác củng cố, hoàn thiện thể chế văn hóa,
tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công cuộc xây dựng môi trường văn hóa
trong cả nước. Xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí đánh giá đối với các môi
trường văn hóa khác nhau, góp phần chấn chỉnh nếp sống, hành vi ứng xử trong
các không gian văn hóa cụ thể, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Hoàn thiện và
nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần làm
phong phú đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân. Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng môi
trường văn hóa. Phát huy vai trò của gia đình, của nhà trường trong xây dựng
môi trường văn hóa. Đặc biệt, phải tăng cường vai trò chủ thể của cộng đồng
trong xây dựng môi trường văn hóa. Khuyến khích tinh thần tự quản, tự giác, tự
chủ trong xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi tập thể, tổ chức, địa bàn dân cư
phải là những môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần điều chỉnh các cá nhân.
Tăng cường phối hợp liên ngành, huy động mọi nguồn lực để xây dựng môi trường
văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa,
tôn tạo cảnh quan văn hóa, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Cùng với việc
hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng môi trường văn lành mạnh, cần
phải “cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hoá của nhân dân”(4). Bởi
hiện nay, “chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa
các vùng miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng
sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn”(5). Đồng thời, còn khoảng cách lớn
giữa quyền, nhu cầu thụ hưởng với năng lực thụ hưởng của người dân. Phần lớn
các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đều là sản phẩm của sáng tạo, nhất là các tác
phẩm nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm mang tính trường phái, tính biểu
tượng, tính ẩn dụ, tính hàn lâm... rất cao, và chỉ những ai hiểu được ngôn ngữ
nghệ thuật phù hợp thì mới có thể thu nhận được thông điệp, hưởng thụ được giá
trị và cảm xúc mà các vật phẩm đó mang lại. Do đó, cần phải có giải pháp giúp
cho các sản phẩm văn hóa tiếp cận được với đông đảo người dân, khiến cho mỗi
người dân ít gặp trở ngại nhất trong việc tiếp cận và thụ hưởng; mặt khác, phải
tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao năng lực thụ hưởng văn hóa thông
qua nhiều giải pháp, từ giáo dục văn hóa - thẩm mỹ - nghệ thuật trong nhà
trường và gia đình, đến truyền thông văn hóa trong xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét