Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

PHÁT HUY CÁC LOẠI HÌNH VĂN HOÁ, VĂN NGHỆ VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ, LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC

 

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ “nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hoá, văn nghệ” Đây là sự chỉ đạo chiến lược cần thiết. Theo đó, sáng tạo văn hóa, văn nghệ phải vì Tổ quốc và nhân dân, vì con đường đi lên của dân tộc - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo đảm “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các loại hình văn hóa, văn nghệ phải tạo ra sự phong phú về tư tưởng, nghệ thuật, kích thích lực lượng sản xuất trong lĩnh vực văn hóa phát triển, góp phần xây dựng đạo đức, giáo dục thẩm mỹ nhằm thúc đẩy phát triển xã hội. Từ định hướng đó, cần chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các sản phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hoá, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia tổ chức hội; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả.

Trong phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ mới, Đại hội XIII nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là phải: “Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”(7). Bởi vì, thực tế cho thấy không phải ở đâu và cũng không phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hòa giữa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong không gian đô thị. Không phải chỉ ở nước nghèo mà ngay cả ở nước phát triển thì sự “xung đột” đó vẫn thường xảy ra. Và, trên thực tế, vì những lý do khác nhau, trong khá nhiều trường hợp, sự “xung đột” thường kết thúc với lợi thế về phía phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, đều hướng tới mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững. Ở nước ta, sự “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển như nêu trên không phải hiếm gặp ở nơi này, nơi kia.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét