Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Trí tuệ nhân tạo (TTNT) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, TTNT cũng có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, việc làm... Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TTNT ở Việt Nam đang đặt ra cấp thiết, nhằm quản trị TTNT để phát huy được những yếu tố tích cực, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ này.

Trí tuệ nhân tạo - cơ hội và thách thức

TTNT - một trong những công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - được ứng dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia; là công cụ hữu hiệu kích thích tăng trưởng, động lực chính trong chiến lược chuyển đổi số của nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, TTNT đã có những bước tiến đột phá. Sự xuất hiện của ChatGPT vào tháng 11-2022 đã gây ra “cơn sốt” trên toàn thế giới. Cũng trong năm 2022, Open AI giới thiệu DALL-E-2 - công cụ TTNT có khả năng tạo hình ảnh từ văn bản; tạo ra các biến thể dựa trên phong cách của những nghệ sĩ nổi tiếng... Nếu như trước đây, các robot có tích hợp TTNT vẫn bị mặc định là những cỗ máy vô cảm, không thể có được cảm xúc giống con người, thì hiện nay, một số chương trình phát triển TTNT đã tạo ra các sản phẩm thông minh về mặt cảm xúc, sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, như tiếp thị, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là một trong những công nghệ chính trong thế kỷ XXI tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia_Ảnh: Tư liệu

Có thể nói, những tiến bộ vượt bậc của TTNT đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến đời sống văn hóa - xã hội; định hình lại cách thức, phương thức của một số hoạt động kinh tế và cách mạng hóa nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, sự phát triển của TTNT đã đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia:

Về xã hội, TTNT tác động lớn đến thị trường lao động và bất bình đẳng kinh tế. Dự báo, có khoảng 800 triệu công nhân trên toàn cầu sẽ mất việc làm vào năm 2030 do tác động của TTNT. Ở cấp độ khu vực, theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dự báo, một nửa số người lao động làm công ăn lương (khoảng 137 triệu công nhân) ở Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan có thể mất việc trong 20 năm tới… Những tiến bộ có tính chất đột phá của TTNT có thể làm thay đổi đáng kể thị trường việc làm, từ đó gây ra những bất bình đẳng về thu nhập, khoảng cách giữa người lao động có trình độ cao với những người lao động có trình độ trung bình hoặc thấp sẽ ngày càng lớn, có thể dẫn tới bất ổn xã hội gia tăng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phổ biến TTNT cũng đặt ra các vấn đề về đạo đức, những thiên kiến về giới hay chủng tộc, những vấn đề về quyền riêng tư và an ninh.

Về kinh tế, TTNT dự báo sẽ đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu năm 2030. Từ góc độ khu vực, Trung Quốc và Bắc Mỹ được dự báo sẽ chứng kiến những tác động lớn nhất của TTNT. Sự phát triển của TTNT và sự bùng nổ về kinh tế của nó đang mở đường cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm và TTNT sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp mới này. Đây có thể là một cơ hội nhảy vọt cho các thị trường mới nổi nếu họ có chính sách phù hợp, đáp ứng các tiêu chí của cuộc cách mạng này. Đối với các quốc gia ASEAN, TTNT có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, có khả năng giúp GDP tăng trưởng từ 10% đến 18%, tương đương trị giá gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, TTNT cũng tác động tiêu cực về mặt kinh tế. Sự vận hành, phát triển của TTNT dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ (big data), nguồn dữ liệu này chủ yếu nằm trong tay những tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) trên thế giới, trong đó khoảng 65% trung tâm dữ liệu toàn cầu thuộc sở hữu của Amazon, Microsoft và Google. Để phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) đều phải sử dụng và phụ thuộc vào dữ liệu của ba “ông lớn” công nghệ này. Điều đó đồng nghĩa với việc các sản phẩm công nghệ TTNT của các doanh nghiệp khởi nghiệp về TTNT bị kiểm soát và bị chi phối bởi các ông lớn. Đây là sự độc quyền về công nghệ - yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô.

Về an ninh quốc gia, TTNT được sử dụng để phân tích khối lượng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả để xác định các mối đe dọa tiềm tàng, như tấn công mạng, hoạt động khủng bố... Những phân tích, dự báo của TTNT giúp các cơ quan an ninh chủ động ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, các hành động khủng bố và ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi TTNT giúp việc xác định và bắt giữ nghi phạm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, TTNT có thể được sử dụng để tấn công mạng, khai thác các lỗ hổng trong hệ thống bảo mật máy tính, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống máy chủ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Những tác động đa chiều của TTNT đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia, tổ chức, cá nhân, đòi hỏi các tổ chức quốc tế, các thiết chế khu vực và mỗi quốc gia cần có cơ chế pháp lý để quản trị TTNT nhằm phát huy những yếu tố tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ này, cụ thể:

Liên Hợp quốc: Ngày 21-3-2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về TTNT nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết này do Hoa Kỳ đề xuất và không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng nó được hơn 120 quốc gia khác đồng bảo trợ. Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của toàn bộ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các chính sách về quyền riêng tư.

Hoa Kỳ: Ngày 30-10-2023, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh của cơ quan hành pháp “Phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”. Sắc lệnh này nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển TTNT có trách nhiệm, tập trung vào các lĩnh vực, như dữ liệu cá nhân, hạt nhân, sinh học. Mặc dù đây không phải là một văn bản có tính quy phạm, không trực tiếp áp đặt các quy định, nhưng sắc lệnh này vạch ra các nguyên tắc hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan liên bang xây dựng các kế hoạch cụ thể để sử dụng TTNT một cách có trách nhiệm.

Trung Quốc: Nằm trong nhóm dẫn đầu về đầu tư, nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng TTNT. Từ năm 2022, nước này đã thống trị bảng xếp hạng toàn cầu về ngành robot công nghiệp (với số lượng lắp đặt chiếm tỷ lệ 52,4%) và số lượng bằng sáng chế liên quan đến TTNT (chiếm 61,1%). Mặc dù chưa chính thức ban hành đạo luật về TTNT, nhưng trung tâm dữ liệu của Trung Quốc đã được TTNT kích hoạt từ nhiều năm trước. Năm 2023, Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới về giá trị các khoản đầu tư vào TTNT (sau Hoa Kỳ). Về mặt quản trị TTNT, năm 2017, Trung Quốc lần đầu tiên công bố “Kế hoạch phát triển TTNT thế hệ mới” tầm nhìn đến 2030 với lộ trình: Bắt kịp các nước phương Tây vào năm 2023, vượt qua các nước phương Tây vào năm 2025, dẫn đầu thế giới vào năm 2030. Trong bản kế hoạch này, Trung Quốc đưa ra lộ trình điều tiết và điều chỉnh pháp luật đối với TTNT, theo đó, đến năm 2025, thiết lập hệ thống khung pháp lý điều chỉnh TTNT, bao gồm đạo luật về TTNT, bộ quy tắc đạo đức, hệ thống chính sách thông tin về TTNT để hình thành khả năng đánh giá và kiểm soát an ninh, rủi ro đối với TTNT. Tháng 7-2023, Trung Quốc ban hành văn bản “Các biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ TTNT”. Một dự thảo về khung pháp lý cho TTNT cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội Trung Quốc trong thời gian tới.

Liên minh châu Âu (EU): Tháng 2-2024, đạo luật về TTNT đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Đây là đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh toàn diện các vấn đề về TTNT. Mục tiêu chính của đạo luật này là khuyến khích phát triển các hệ thống TTNT có đạo đức và trách nhiệm; theo đó, trong việc nghiên cứu và phát triển TTNT, cần thiết lập các nguyên tắc về tiêu chuẩn rõ ràng để bảo đảm các công nghệ TTNT tôn trọng các quyền cơ bản và nguyên tắc đạo đức. Đạo luật này nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự minh bạch, trách nhiệm và sự giám sát của con người trong thiết kế và triển khai TTNT. Bằng cách khuyến khích phát triển TTNT có đạo đức, EU muốn xây dựng lòng tin của công chúng vào công nghệ TTNT; đồng thời giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng TTNT. Đạo luật đặt ra các yêu cầu về mặt đạo đức cho các nhà phát triển và nhà cung cấp sản phẩm TTNT để tích hợp vào tất cả các giai đoạn của quá trình phát triển TTNT, từ thiết kế đến triển khai và kể cả sau khi triển khai các sản phẩm TTNT. Các yêu cầu này bao gồm các biện pháp để giảm thiểu sự thiên vị, bảo đảm sự công bằng và bảo vệ quyền riêng tư.

ASEAN: Trong bối cảnh TTNT đang phát triển nhanh trên toàn cầu, ngày 7-6-2024, sau Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN lần thứ 20 (AMMSTI-20), được tổ chức tại Siem Reap (Campuchia) với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Hành trình tới tương lai”, các quốc gia ASEAN đã tuyên bố triển khai 5 hoạt động liên quan đến TTNT. ASEAN cũng đã thành lập một nhóm công tác về quản trị TTNT, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến TTNT, bao gồm quản lý TTNT tạo sinh và thúc đẩy việc sử dụng TTNT một cách an toàn, có trách nhiệm và có đạo đức.

Sự cần thiết xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với TTNT tại Việt Nam

Là một quốc gia phát triển nền “kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế” và “có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới…, thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, với cơ cấu tỷ lệ dân số vàng…, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức rõ vai trò quan trọng của những thành tựu công nghệ mới trong sự phát triển đất nước. Ngày 22-3-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23/NQ-TW, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định, một trong những ngành công nghệ cần ưu tiên phát triển là công nghệ thông tin, theo đó “giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá…”. Tiếp đó, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong nghị quyết này, lần đầu tiên nhắc đến khái niệm “trí tuệ nhân tạo” và xác định đây là một trong những lĩnh vực cần có chính sách ưu tiên phát triển. Ngày 17-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, trong đó, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia đối với một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển là TTNT. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngày 26-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Định hướng chiến lược trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 chỉ rõ: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến TTNT, theo đó cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT vào cuộc sống; phát triển và ứng dụng TTNT lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Có thể nói, cơ sở chính trị đã được thiết lập đầy đủ cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý điều chỉnh các vấn đề liên quan đến TTNT.

Về cơ sở thực tiễn, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như Viettel, FPT, CMC, VNPT, Vingroup đã từng bước nắm bắt xu hướng phát triển thị trường, ứng dụng các tiến bộ của công nghệ TTNT để cung cấp các sản phẩm TTNT cho nhu cầu thị trường trong nước. Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng cho TTNT của Chính phủ năm 2023, Việt Nam đã tăng điểm trung bình, đạt 54,48 điểm vào năm 2023 so với 53,96 vào năm 2022. Kết quả này giúp Việt Nam vượt qua Philippines để vươn lên vị trí thứ 5/10 nước ASEAN(12). Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển của công nghệ TTNT, mà còn cho thấy xu hướng hình thành nền công nghiệp TTNT tại Việt Nam. Với những lợi thế nhất định trong lĩnh vực này, công nghệ TTNT của Việt Nam có khả năng kế thừa những thành tựu của công nghệ TTNT trên thế giới. Lực lượng lao động trong lĩnh vực TTNT của Việt Nam có bước phát triển nhanh, từng bước tiếp cận với trình độ của thế giới… Do đó, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường công nghệ TTNT, phát huy hiệu quả của TTNT đối với xã hội; đồng thời hạn chế những tiêu cực, rủi ro có thể mang lại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trần Lưu Quang tham quan các gian hàng tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AI4VN 2024 với chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân rạo tạo sinh", ngày 23-8-2024_Ảnh: TTXVN

Hướng tiếp cận của Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về TTNT

Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về TTNT của Việt Nam cần bảo đảm đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước. Do đó, hướng tiếp cận cần tập trung vào số nội dung chính sau:

Trí tuệ nhân tạo và vấn đề sở hữu trí tuệ:

Việc nghiên cứu, vận hành và phát triển các sản phẩm TTNT đòi hỏi phải thu thập và sử dụng một lượng dữ liệu khổng lồ. Vì thế, khi xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến khía cạnh này, các nhà hoạch định chính sách cần có quy định đối với các nhà phát triển TTNT về việc thu thập, sử dụng dữ liệu, như xin giấy phép sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng dữ liệu hoặc bồi thường cho chủ sở hữu đối việc sử dụng dữ liệu trong quá trình huấn luyện TTNT; hoặc chia sẻ doanh thu đối với những sản phẩm do TTNT tạo ra.

Bên cạnh đó, khi công nghệ TTNT đạt được những thành tựu đột phá như hiện nay, máy móc có tích hợp TTNT ngày càng có được những kỹ năng giống con người, ít nhiều làm mờ đi sự khác biệt giữa con người và máy móc. Sự thông minh của TTNT (qua công nghệ học máy) khiến nó vượt qua những thuật toán ban đầu của kỹ sư công nghệ để sáng tạo ra những sản phẩm độc lập không có sự can thiệp của con người. Trong trường hợp này, các sản phẩm do TTNT tạo ra có nên được bảo vệ bởi luật bản quyền và bằng sáng chế hay không? Chủ thể nào (con người hay TTNT) sẽ là chủ sở hữu của sản phẩm đó? Hiện nay, pháp luật về sở hữu trí tuệ trên thế giới và ở Việt Nam chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm nguyên gốc, theo nghĩa tác phẩm đó phải do chính con người tạo ra. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cách tiếp cận truyền thống này, thì có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển TTNT. Mặc dù là một sản phẩm do máy móc tạo ra, nhưng với năng lực tự học hỏi, tự hoàn thiện, TTNT đã “gạt” sự can thiệp của con người ra một bên để độc lập trong việc ra quyết định và tạo ra sản phẩm riêng của nó mà không cần sự can thiệp của con người. Theo cách tiếp cận truyền thống, vì không phải do con người tạo ra nên sản phẩm này không được bảo vệ bằng pháp luật về sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ đặt các tác phẩm do TTNT tạo ra vào phạm vi công cộng, cho phép mọi người được sử dụng chúng mà không phải trả tiền bản quyền hoặc bồi hoàn lợi ích tài chính cho nhà phát triển TTNT. Hướng tiếp cận này sẽ làm triệt tiêu động lực sáng tạo của các nhà phát triển TTNT và không có tác động thúc đẩy ngành công nghiệp TTNT phát triển. Ngược lại, nếu cách tiếp cận phù hợp hơn, theo hướng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm TTNT, giải quyết vấn đề quyền sở hữu và cấp phép nhằm bảo đảm quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho những người phát triển TTNT, thì giải pháp này có thể khuyến khích khả năng sáng tạo của con người, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ TTNT.

Trí tuệ nhân tạo và vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân

Bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển TTNT là hai mặt của chính sách đổi mới công nghệ TTNT hiện nay. Khi con người càng hướng đến việc sử dụng nhiều hơn các sản phẩm TTNT để phục vụ cuộc sống, thì quyền riêng tư và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng bị thu hẹp đi. Việc sử dụng camera giám sát trong không gian công cộng là cần thiết và hiện nay đã trở thành phổ biến để phục vụ lợi ích của con người. Nhưng nếu công nghệ của camera kết hợp với việc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt, thì mạng lưới camera khi đó sẽ biến thành công cụ xâm phạm quyền riêng tư. Đây là hai mặt của một vấn đề mà khi xây dựng khung pháp luật cho TTNT cần có cơ chế cân bằng giữa việc phát triển công nghệ với việc bảo vệ quyền riêng tư về mặt thông tin của cá nhân.

Để đạt được sự cân bằng này, các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thiết lập một số nguyên tắc mà Việt Nam có thể tham khảo, đó là: 1- Cần giới hạn việc thu thập thông tin cá nhân: Chỉ thu thập trong phạm vi những gì cần thiết, thông tin cá nhân chỉ nên được thu thập bằng các phương tiện hợp pháp và công bằng; khi thu thập, cá nhân phải được biết và đồng ý; 2- Mục đích của việc thu thập thông tin cá nhân phải được thông báo công khai, rõ ràng cho cá nhân; 3- Hạn chế sử dụng: Chỉ nên sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân cho mục đích thu thập thông tin đó, trừ khi có sự đồng ý hoặc quy định pháp luật cho phép được sử dụng vì những mục đích khác. Việc thúc đẩy sự phát triển của TTNT, kể cả với mục đích phục vụ lợi ích của con người, không có nghĩa là quyền riêng tư sẽ không còn quan trọng hoặc không được bảo vệ. Vấn đề là tìm ra điểm cân bằng giữa hai khía cạnh trên, theo đó, các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của TTNT phải luôn được đặt trong bối cảnh bảo đảm thông tin được xử lý một cách có đạo đức và có trách nhiệm sau khi nó được thu thập.

Vấn đề đạo đức trong phát triển trí tuệ nhân tạo

Không thể phủ nhận rằng, chính những ưu thế và sức mạnh của TTNT cũng gây ra những lo ngại sâu sắc về mặt đạo đức. Những thuật toán của TTNT có thể chứa đựng những thiên kiến vi phạm đạo đức xã hội khiến quyền lợi của người sử dụng, nhất là những người yếu thế bị ảnh hưởng, hay kết quả đầu ra của TTNT bị làm cho sai lệch một cách có chủ ý khiến việc ra quyết định của chủ thể liên quan không còn chính xác hoặc năng lực tự hoàn thiện của TTNT (qua học máy) có thể vượt qua thuật toán lập trình ban đầu, để tự ra các quyết định không cần đến sự can thiệp của con người và gây nguy hiểm cho người sử dụng... Những rủi ro như vậy dẫn đến những tổn hại về mặt xã hội. Đó là điều mà Việt Nam phải tính tới khi thiết lập khung pháp lý cho TTNT./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét